Chuyện của những người phụ nữ hơn 20 năm mong một cái Tết đủ đầy | |
Người nghèo chật vật lo Tết |
Chừng nào ba khỏe mới về được…
Khi nhận món quà nhỏ do bệnh viện trao tặng, chị Đào cảm thấy được an ủi rất nhiều. |
Với phương châm “Làm những gì có lợi nhất cho người nghèo”, tết Đinh Dậu 2017, phòng Công tác xã hội (Bệnh viện Chợ Rẫy) đã kêu gọi các nhà hảo tâm cùng chung sức góp một phần quà nhỏ, an ủi tới hơn 400 trường hợp khó khăn phải ở lại ăn Tết trong bệnh viện.
Tại khoa Phỏng (Bệnh viện Chợ Rẫy), cầm trên tay phần quà được trao tặng, chị Nguyễn Thị Đào (33 tuổi, ngụ ở Tây Ninh) không giấu được những giọt nước mắt xúc động. Nhìn chồng nằm bất động trên giường bệnh, chị Đào buồn rầu nói: Anh làm phước leo lên mắc điện giúp người ta, cuối cùng lại bị điện giật. Giờ nằm mê man, cả ngày chỉ tỉnh dậy ăn được miếng cơm. Từ lúc anh Đệ (chồng chị Đào - pv) nhập viện đến giờ đêm nào tôi cũng thức trắng để trông mon anh. Vừa thương chồng vừa nhớ con”.
Theo bác sĩ Hiển, giọt nước mắt của bệnh nhân và người nhà luôn khiến các y bác sĩ phải trăn trở. |
Theo lời kể của chị Đào, khi chồng bị tai nạn, chị theo xe cứu thương lên Sài Gòn chăm anh. Đứa con nhỏ 3 tuổi phải gửi hàng xóm. Trước khi anh bị tai nạn, vợ chồng chị đi làm mướn, dù không dư giả nhưng ngày Tết cũng lo được cho con tấm áo mới. “Gọi điện về, nghe con bé nói nhớ bố mẹ lắm mà tôi không cầm được nước mắt nhưng giờ biết làm sao… Tôi còn không biết hôm nay là ngày bao nhiêu âm lịch. Tết đến chỉ mong có tiền để chữa khỏi bệnh cho chồng, tay chân anh đừng tàn phế. Anh em ai cũng khổ, không còn biết vay ai được nữa. Nay được bệnh viện tặng số tiền dù không lớn nhưng tôi thấy được an ủi, tiền này sẽ để dành đóng viện phí cho anh”, chị Đào nói.
Cùng cảnh ngộ trên, chị Nguyễn Thị Mỹ Huyền (29 tuổi, ở An Giang) ngồi bên giường bệnh của chồng mà nỗi thương con dày vò từng phút. Chị Huyền tâm sự, anh bị bỏng xăng, do hút thuốc lá khi rót xăng lẻ bán cho khách. Từ lúc anh nhập viện đến giờ đã hơn 20 ngày, cũng từng đó thời gian chị nhờ ông bà nội, ngoại chăm con nhỏ 3 tuổi ở nhà. “Những năm trước Tết tôi hay mua quần áo và bánh kẹo cho con nhưng năm nay tôi chỉ dặn con chừng nào ba khỏe mới về được”, chị Huyền nghẹn ngào chia sẻ.
‘Những món quà không ai muốn nhận…’
Giọt nước mắt của người mẹ nghèo khi chăm con trong bệnh viện ngày Tết. |
Gặp cô Võ Thị Gia (60 tuổi, ở Bà Rịa Vũng Tàu) trong buổi trao tặng quà Tết của Quỹ học bổng Vừa A Dính, cô Gia nói trong nước mắt: “Tết này cô phải ở lại bệnh viện chăm con trai 31 tuổi đang bị hôm mê sâu nằm trong phòng Bệnh nặng - khoa Phổi.
Theo lời kể của người mẹ nghèo, sau một trận sốt, Quỳnh (con trai cô Gia - pv) bị bại liệt, sau này mắc thêm các bệnh tim, phổi. Khi bệnh ở giai đoạn đầu, con trai còn nói với tôi “Mẹ ơi, cứu cho con đi được như mọi người, sau này lớn con làm trả mẹ”. Tôi bán hết đất đai, nhà cửa, cả gia đình đi thuê phòng trọ ở lấy tiền chữa bệnh cho con nhưng giờ đến tỉnh dậy gọi mẹ, con tôi cũng không còn sức. Cách đây 2 tháng, lúc nằm ở bệnh viện tỉnh, Quỳnh nói với chúng tôi để cho cháu chết, không phải đem đi viện tuyến trên nữa nhưng dù ăn xin tôi cũng phải đưa con đi.
Cô Gia tâm sự thêm, mấy ngày nay khi ra đường nghe bài nhạc Xuân, cô không cầm lòng được. Nghĩ đến câu nói của con trai, mẹ khổ cho con nhiều quá rồi, để con chết đi, bớt một phần lo cho mẹ, cô lại khóc. “Những năm trước, gần Tết, tôi tranh thủ đi mua mấy thứ trái cây như bưởi, chuối, mít đem ra chợ bán thì Quỳnh cũng thức cho đến 3 - 4 giờ sáng, chờ tôi nhắn tin về mẹ đã tới chợ mới yên tâm ngủ. Ngày Tết, Quỳnh vui lắm, cháu được nhận chút tiền từ quỹ Hội người khuyết tật, tôi dù nghèo đói cũng không ăn vào đồng tiền đau đớn này. Nhưng giờ tôi sợ Tết khi con trai nằm thực vật, điều an ủi với hai vợ chồng tôi là sự động viên, quan tâm của các bác sĩ trong những ngày vừa qua”, cô Gia xúc động nói đến nghĩa tình mà các bác sĩ dành cho con trai mình.
Cô Gia cùng chồng chăm sóc con trai 31 tuổi đang bị hôn mê sâu. |
Nhắc đến những trường hợp như cô Gia, chị Đào hay chị Huyền, Ths bác sĩ Lê Minh Hiển - Trưởng phòng Công tác xã hội (Bệnh viện Chợ Rẫy) cho biết: “Bệnh viện Chợ Rẫy là “rốn” bệnh của các tỉnh phía Nam, những trường hợp phải ở lại điều trị qua Tết đều là bệnh nhân nặng, đặc biệt tại các khoa như khoa Phỏng, khoa Giảm đau và khoa Huyết học”.
Theo bác sĩ Hiển, giọt nước mắt của bệnh nhân và người nhà luôn khiến các y bác sĩ phải trăn trở. Do đó, vào dịp Tết phía bệnh viện luôn cố gắng hỗ trợ, động viên bệnh nhân nghèo bằng cách trao tặng những phần quà thiết thực, giúp các hoàn cảnh trên vẫn được đón Tết. “Đây là những món quà không ai muốn nhận, bởi ai cũng mong muốn được đón một cái Tết mạnh khỏe, sum vầy tại gia đình” - bác sĩ Hiển bày tỏ sự đồng cảm với những bệnh nghèo tại Bệnh viện Chợ Rẫy.