Ocean Group lên kế hoạch rút vốn khỏi loạt dự án BĐS, muốn 'đổi tên cải vận'?

Nửa đầu năm nay, Ocean Group liên tiếp có động thái cho thấy kỳ vọng "chuyển mình" thông qua loạt chủ trương tái cơ cấu khoản đầu tư vào các dự án BĐS, các đơn vị khác và gần nhất là quyết định tăng mục tiêu lãi năm 2021. Trong buổi đại hội trực tuyến tới đây, doanh nghiệp dự kiến trình cổ đông chính thức thông qua việc đổi tên thành Tập đoàn OGC.

Ocean Group tăng mục tiêu lãi năm 2021 sau màn thoát lỗ 6 tháng

CTCP Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group, mã chứng khoán: OCG) vừa công bố điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh cho năm 2021. Cụ thể, đối với công ty mẹ, Ocean Group đặt ra mục tiêu mới là tổng doanh thu 92,7 tỷ đồng, tăng 1,98% và lãi sau thuế 67 tỷ đồng, tăng 165% so với kế hoạch kinh doanh cũ công bố hồi 31/3.

Đối với kế hoạch kinh doanh hợp nhất của tập đoàn, mục tiêu tổng doanh thu mới đạt 739 tỷ đồng, giảm 24% và lãi sau thuế mới đạt 40,5 tỷ đồng, tăng 1,96% so với kế hoạch cũ. Có thể thấy việc tăng mục tiêu lãi năm nay của Ocean Group không đến từ sự cải thiện trong hoạt động kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp.

Tranh chấp giữa EVN Finance và Ocean Group bắt nguồn từ việc ký kết và chuyển nhượng 20 triệu cổ phần Khách sạn Đại Dương (OCH) của Ocean Group cho EVN Finance năm 2014.

Năm 2020, EVN Finance khởi kiện Ocean Group yêu cầu tập đoàn phải thanh toán 116 tỷ đồng gồm khoản tiền chênh lệch, các khoản lãi và phạt vi phạm khác liên quan giao dịch đặt cọc giao dịch trên.

Ngược lại, Ocean Group sau đó có đơn phản tố yêu cầu EVN Finance thanh toán khoản tiền chênh lệch chuyển nhượng cổ phần là 60 tỷ đồng.

TAND quận Ba Đình, TP Hà Nội chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của EVN Finance, buộc Ocean Group phải thanh toán cho EVN Finance số tiền 23 tỷ đồng là tiền phạt vi phạm hợp đồng, lãi chậm thanh toán và chi phí giao dịch. Đồng thời, tòa không chấp nhận yêu cầu phản tố của Ocean Group.

Thay vào đó, kế hoạch tăng lãi năm 2021 được đưa ra sau khi Ocean Group thoát lỗ nửa đầu năm nhờ khoản thu nhập khác 61,6 tỷ đồng do ghi nhận chênh lệch số tiền đã hạch toán với số tiền phải trả Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực (EVN Finance).

Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu hợp nhất của công ty ghi nhận 221 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ do ảnh hưởng của dịch Covid-19. 

Doanh thu tài chính cũng lao dốc từ 272 tỷ đồng còn 7,5 tỷ đồng chủ yếu do không còn các khoản thu từ việc bán cổ phần tại hai công ty con là CTCP Dịch vụ hỗ trợ và Phát triển Đầu tư và CTCP Du lịch Khách sạn Suối Mơ như nửa đầu năm 2020.

Sau khi trừ các khoản chi phí, Ocean Group lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh gần 38 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 114 tỷ đồng.

Tuy nhiên sự xuất hiện của khoản thu nhập khác liên quan đến tranh chấp với EVN Finance đã "cứu cánh" Ocean Group khỏi cảnh thua lỗ. Kết quả là công ty báo lãi sau thuế nửa đầu năm 15,5 tỷ đồng.

So với kế hoạch kinh doanh mới, hiện tại Ocean Group đã được thực hiện được 30% mục tiêu doanh thu và 38% mục tiêu lợi nhuận.

Loạt thay đổi sau màn thoát lỗ quý II của Ocean Group - Ảnh 2.

Tổng hợp: Minh Hiền từ BCTC quý II/2021 của Ocean Group.

Dự kiến rút khỏi loạt dự án BĐS

Bên cạnh việc tăng mục tiêu lợi nhuận trong năm 2021, Ocean Group đang cho thấy kỳ vọng "chuyển mình" thông qua loạt chủ trương mới của doanh nghiệp.

Theo tài liệu Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2021, các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sẽ được tái cơ cấu. 

Đối với mảng trọng tâm đầu tư BĐS, Ocean Group thông tin sẽ tập trung các nguồn lực hiện có trong toàn tập đoàn và huy động vốn ở ngoài để hoàn tất các thủ tục pháp lý, công tác chuẩn bị đầu tư nhằm triển khai hai dự án là Lega Fashion House và dự án 25 Trần Khánh Dư với vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng mỗi dự án.

Dự án Lega Fashion House do công ty đầu tư cùng đối tác Legamex, hiện Ocean Group đang làm việc với các cơ quan có liên quan để được phê duyệt quy hoạch 1/2.000. 

Dự án 25 Trần Khánh Dư do Ocean Group hợp tác đầu tư cùng Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng đang bị chậm tiến độ do liên quan đến quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử TP Hà Nội và chủ trương Nhà nước về sử dụng đất quốc phòng vào mục đích kinh tế. Do đó, dự án sẽ được triển khai sau khi Bộ Quốc phòng có văn bản chấp thuận.

Ocean Group lên kế hoạch rút vốn khỏi loạt dự án BĐS, muốn 'đổi tên cải vận'? - Ảnh 3.

Dự án Lega Fashion House. (Ảnh: Ocean Group)

Bên cạnh những dự án Ocean Group tiếp tục triển khai, doanh nghiệp đồng thời đưa ra kế hoạch rút khỏi ba dự án khác.

Trong đó, Ocean Goup chủ trương rút vốn của công ty mẹ tại dự án Công viên Hồ Điều Hòa để tái cơ cấu các khoản nợ với đối tác tại dự án này. Dự án nằm tại Khu đô thị Nam Trung Yên, với diện tích đất là 112.410 m2, tổng mức đầu tư dự kiến ban đầu là 1.600 tỷ đồng.

Đối với dự án Toà nhà Lê Văn Lương (Licogi 19), do phần vốn của tập đoàn tại dự án rất thấp, Ocean Group cũng sẽ xem xét chấm dứt đầu tư để tái cơ cấu khoản công nợ với đối tác.

Cuối cùng, dự án Gia Định Plaza đã có đối tác quan tâm đề xuất mua lại phần vốn góp của Ocean Group, do đó doanh nghiệp sẽ xem xét việc thoái vốn nhằm bổ sung nguồn tiền cho hoạt động kinh doanh.

Tái cơ cấu các khoản đầu tư để trả nợ, muốn "đổi tên đổi vận"?

Đối với hoạt động đầu tư, Ocean Group sẽ tiếp tục thực hiện tái cơ cấu các khoản đầu tư, thoái vốn cổ phần tại một số đơn vị để bổ sung vốn hoạt động công ty mẹ.

Mục tiêu cấp bách của doanh nghiệp là chi trả các khoản công nợ đang bị thi hành án, các khoản nợ quá hạn thanh toán tại các tổ chức tín dụng nhằm tránh các khoản lãi, lãi phạt, bán giải chấp tài sản đảm bảo.

Đây cũng là nguyên nhân thúc đẩy Ban lãnh đạo Ocean Group kiên quyết muốn bán bớt 20/120 triệu cổ phần OCH tại Khách sạn Đại Dương bất chấp sự phản đối của các cổ đông lớn. Cuộc chiến nội bộ Ocean Group liên quan đến thương vụ này đã kéo dài gần một năm nay và chưa thể đi đến hồi kết.

Đáng chú ý, Ocean Group muốn đổi tên thành CTCP Tập đoàn OGC, đồng thời sửa đổi một số điều lệ liên quan đến vấn đề giao dịch bán tài sản của công ty/chi nhánh công ty sau những "lùm xùm" bán vốn tại Khách sạn Đại Dương.

Theo như thông báo gần nhất của công ty vào đầu tháng 8, những nội dung trọng yếu trên sẽ được HĐQT trình ĐHĐCĐ thông qua trong cuộc họp trực tuyến tới đây. Trước đó, Ocean Group đã hai lần tổ chức bất thành ĐHĐCĐ thường niên 2021, một lần do không đủ số cổ đông nắm từ trên 65% vốn điều lệ để tiến hành và một lần do diễn biến của dịch bệnh.

Mặc dù đứng trước nghi ngờ từ phía kiểm toán về khả năng hoạt động liên tục của Ocean Group (đặc biệt do khoản lỗ luỹ kế 2.624 tỷ đồng tính đến ngày 30/6/2021), song phía Ocean Group cho rằng công ty có thể duy trì hoạt động liên tục.

Nguyên nhân bởi khoản lỗ luỹ kế nêu trên phát sinh trong giai đoạn 2014 - 2017, trong khi từ năm 2018 đến nay công ty liên tục ghi nhận có lãi trên báo cáo tài chính. Ngoài ra, công ty đang tích cực thu hồi các khoản công nợ bên cạnh việc tái cơ cấu các khoản đầu tư. 

CTCP Khách sạn và Dịch vụ OCH (Khách sạn Đại Dương, mã chứng khoán: OCH) là doanh nghiệp thành viên do Ocean Group nắm tỷ lệ vốn góp 59,85%. OCH có vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng, hoạt động chính trong mảng bất động sản du lịch, quản lý khách sạn, nhà hàng và các dịch vụ liên quan.

Sau những "lùm xùm" tranh chấp nội bộ Ocean Group về việc chuyển nhượng cổ phần OCH để có vốn trả nợ, đến cuối tháng 1/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đề nghị Ocean Group tạm dừng mọi biến động đối với gần 120 triệu cổ phiếu OCH do doanh nghiệp này nắm giữ.

Đến cuối tháng 6/2021, Ocean Group bị cưỡng chế kê biên gần 4 triệu cổ phiếu OCH, vừa bằng số cổ phiếu OCH mà doanh nghiệp cầm cố tại Ngân hàng TMCP Quốc Dân.

chọn
ĐHĐCĐ Khang Điền: Tự tin về khả năng trả nợ trái phiếu, dự án hợp tác với Keppel Land có thể kinh doanh từ cuối năm
Lãnh đạo Khang Điền cho biết tự tin về khả năng trả nợ 1.100 tỷ đồng trái phiếu nhờ quỹ tiền mặt dồi dào, nguồn thu từ dự án The Priva và KCN Lê Minh Xuân mở rộng triển khai trong thời gian tới. Năm nay, lợi nhuận chủ yếu của doanh nghiệp sẽ đến từ dự án The Privia.