Từng tốt nghiệp Thạc sĩ Quản trị kinh doanh tại Đại học De Montfort (Anh), điểm thi IELTS đạt 8.5 (kỹ năng nói là 9.0), và đang là một thầy giáo luyện thi IELTS, anh Phạm Quang Tú quyết dạy con thành một em bé song ngữ ngay từ khi con còn chưa chào đời.
Anh Tú Phạm và con gái. Ảnh: TL. |
Khi con còn trong bụng mẹ, ông bố sinh năm 1988 này đã thường trò chuyện bằng tiếng Anh với con. Đến khi bé Tú An ra đời, mỗi tuần anh dành khoảng 5-10 tiếng chỉ để nói tiếng Anh cho con nghe. Đó là những câu nựng, những câu giao tiếp đơn giản hàng ngày hay những câu chuyện kể cho thiếu nhi. An chưa biết nói, cứ mở to mắt nghe bố thì thầm với mình.
Công việc bận rộn, anh Tú thường chỉ gặp con khi cho con uống sữa buổi sáng hay tắm cho con. Anh cố gắng sắp xếp để một tuần có thể cho con đi ngủ 3 lần. Đây chính là những khoảng thời gian quý báu để thực hành tiếng Anh với bé.
15 tháng tuổi, ngoài việc trò chuyện với bố, An bắt đầu học thêm tiếng Anh ở trường mầm non song ngữ. Đến khi hai tuổi, bé được bố mẹ cho xem các video tiếng Anh trên youtube, chủ yếu là Super Simple Songs và Peppa Pig với thời lượng 30 phút mỗi ngày.
"Mẹ", "bà" và "daddy" chính là ba từ đầu tiên Tú An nói lúc chưa đầy một tuổi. Về sau bé còn hay thêm những câu rất tình cảm như "I love you, daddy", "Daddy, I miss you".
Từ khi một tuổi rưỡi, khi bố nói gì với An, bé đều có thể kể lại bằng tiếng Việt. Hiện tại, ở tuổi lên ba, An đã có thể nghe và hiểu tất cả những câu tiếng Anh bố nói với mình, dù nhiều lần bé thích đáp lại bằng tiếng Việt. Bé cũng có thể nói được các câu dài bằng tiếng Anh, chủ động trong nhiều tình huống.
"Con nói được đa số những âm khó như âm S cuối, âm J như trong 'George'. So sánh với các bạn bản ngữ, tiếng Anh của An chậm hơn khoảng một năm", anh Tú cho biết.
Video anh Tú kiên trì dạy con nói tiếng Anh khi bé 2 tuổi:
Nhìn lại quá trình, anh Tú thừa nhận bản thân cũng gặp những khó khăn nhất định. Mỗi khi có người ngoài, việc giả vờ không biết tiếng Việt của anh bị lộ tẩy. "Tới gần 2,5 tuổi, con thậm chí ưu tiên dùng tiếng Việt và không muốn dùng tiếng Anh nữa. Phản xạ của con khi trả lời bất cứ cái gì thì tiếng Việt luôn xuất hiện trước".
Để giao tiếp với con hàng ngày, anh liên tục phải bổ sung từ vựng, đôi khi phải bảo con chờ để bố tra từ điển. Trẻ con thường hỏi những thứ nhỏ bé mà người lớn không để ý, như cái then cài cửa là gì, lim dim mắt là gì...
"Dạy tiếng Anh cho trẻ siêu nhỏ khác hẳn với dạy học sinh ở trung tâm của mình. Mọi nỗ lực dùng sách để dạy đều không hiệu quả cho tới khi con hơn 2 tuổi, bắt đầu thích nghe kể chuyện thì mới dễ dàng hơn", ông bố trẻ tâm sự.
Là cô giáo lớp của Tú An khi bé từ 2 đến 3 tuổi, cô Nguyễn Thị Thu Trà cho biết Tú An có thể hiểu và lắng nghe trọn vẹn các yêu cầu bằng tiếng Anh. Bé sẵn sàng trả lời câu hỏi của giáo viên nước ngoài và tự tin giao tiếp với họ.
Theo tiến sĩ nhi khoa Russia Ha Vinh Leuchter (Nhà nghiên cứu thuộc phòng Phát triển và Tăng trưởng, Khoa Nhi, Bệnh viện Đại học Geneva, Thụy Sĩ), ở lứa tuổi mầm non, trẻ em hoàn toàn có thể giao tiếp tốt với 2, thậm chí 3 ngôn ngữ mà không bị loạn, với điều kiện bé được "ném" vào môi trường ngôn ngữ đó để phát triển tự nhiên, ví dụ trong các gia đình bố mẹ đa quốc gia. Tuy nhiên, nếu bố mẹ chỉ ép bé đến học ở các lớp ngôn ngữ mà về nhà không có môi trường thực hành thì hiệu quả rất thấp, thậm chí một số bé có thể chán và bị rối. |
XEM THÊM
Những bà mẹ 'ghê gớm' sẽ có con thành công sớm hơn
Nghiên cứu cho thấy những người thành công, đặc biệt là nữ giới, thường được nuôi dạy bởi các bà mẹ nghiêm khắc. |
Con thích hay ghét đi học phụ thuộc vào câu nói này của bố mẹ
Câu hỏi đầu tiên bố mẹ hỏi khi trẻ đi học về sẽ quyết định thái độ của trẻ với việc học, trẻ thích hay ... |
‘Người lớn đang đối xử quá tàn nhẫn với bọn trẻ’
Các bạn trẻ vừa phải tìm cách chữa lành những vết thương còn đau đớn từ thời thơ ấu, vừa phải vùng vẫy để tìm ... |