ByteDance đang nhanh chóng trở thành một trong những công ty quyền lực nhất ở mạng nội dung và giải trí số với điểm nhấn là thành công của TikTok.
Công ty này cũng "nhúng chân" vào mảng giáo dục 3 năm trước. Năm nay, ByteDance khẳng định sự nghiêm túc của mình ở mảng giáo dục bằng cách ra mắt nhóm sản phẩm công nghệ giáo dục (edtech) mang tên gọi Dali Education, TechInAsia đưa tin.
Dù nhiều người vẫn hoài nghi về cách tiếp cận thử-và-sai của ByteDance ở mảng giáo dục vốn yêu cầu tỉ lệ "đốt tiền" lớn, ByteDance có những lợi thế mà ít công ty nào khác sở hữu: Nhiều tiền. Bên cạnh đó, công tycũng có thể nhanh chóng tăng qui mô từ sự thành công của hãng loạt ứng dụng khác.
Khó nhưng không ngại
Thị trường giáo dục trực tuyến của Trung Quốc có thể sẽ chạm mốc 63,6 tỉ USD trong năm nay. ByteDance không phải cái tên duy nhất muốn có một phần của miếng bánh: Các "ông lớn" công nghệ Trung Quốc như Tencent, Alibaba, và Baidu cũng đang ấp ủ tham vọng tương tự.
Dù vậy, phần lớn công ty đều gặp nhiều khó khăn để có lãi khi vấp phải cạnh tranh lớn, đồng nghĩa với chi phí thâu tóm người dùng cao hơn. ByteDance không hề nản lòng.
"Kì lân" Trung Quốc đang tích cực mở rộng lĩnh vực kinh doanh ra bên ngoài mảng giải trí, trong đó có thể kể đến trò chơi và thương mại điện tử. Dù thế, giáo dục "nằm trong nhóm ưu tiên hàng đầu", người sáng lập và CEO Zhang Yiming nói.
Chỉ trong vòng 3 năm, nhân sự trong mảng giáo dục của ByteDance tăng lên con số 10.000. ByteDance cũng đưa những lãnh đạo cao cấp nhất của mình để lèo lái mảng kinh doanh mới.
Chen Lin, trước đây là CEO của ứng dụng tổng hợp tin tức Jinri Toutiao, đang lãnh đạo Dali Education. Trong khi đó, Yang Luyu, đồng sáng lập Musical.ly, đang điều hành dự án phần cứng trí tuệ nhân tạo dạy học. Hiện tại, ByteDance đang có khoảng 20 sản phẩm về giáo dục.
Liên tục mở rộng phạm vi
Được mệnh danh là "nhà máy ứng dụng di động Trung Quốc", ByteDance biết cách nhanh chóng mở rộng danh mục sản phẩm và có nguồn lực để làm điều này. Sản phẩm giáo dục của ByteDance hiện đã có thể xếp vào 7 nhóm.
Năm 2018, ByteDance tiến vào mảng học ngoại ngữ với nền tảng gia sư trực tuyến một – một GoGoKid. Một thời gian ngắn sau đó, ByteDance mua lại trường học toán trực tuyến Hua Luogeng và đổi tên thành Qingbei Online School khi chuyển đổi sang giáo dục hệ K12 (từ mẫu giáo đến lớp 12).
Với sản phẩm giáo dục độ tuổi nhỏ GuaGuaLong vừa ra mắt năm nay, sản phẩm học Tiếng Anh của nó chỉ mất đúng 4 tháng để đi từ ý tưởng sang sản phẩm thực tế.
Một trong những sản phẩm của GoGoKid kết hợp giữa học trực tuyến với học gia sư một – một thậm chí chỉ cần đúng 3 tháng để tiến ra thị trường. Dù vậy, nó dừng hoạt động chỉ 1 tháng sau ngày ra mắt.
Bên cạnh đó, GoGoKid cũng cắt giảm 70% định biên nhân sự hồi năm ngoái. Lúc đó, ByteDance nói rằng việc cắt giảm là để giảm chi phí hoạt động song không xác nhận về quy mô.
Đây không phải thất bại duy nhất của ByteDance. Nền tảng livestream AIKid cũng dừng hoạt động sau vỏn vẹn 6 tháng và Qingbei Xiaoban, nền tảng lớp học trực tuyến, cũng ngừng tuyển sinh ít lâu sau khi "chào sân" thị trường.
"ByteDance giỏi ra mắt sản phẩm nhanh chóng thông qua sao chép các công ty khác ở một quy mô và mức độ lớn hơn", bà Stephenie Lee, người sáng lập của dịch vụ đào tạo chuyên nghiệp ZhiFei, chia sẻ. Bên cạnh đó, bà cũng nhấn mạnh ByteDance đang tích cực chiêu mộ nhân tài từ những công ty đối thủ.
Bà Stephenie Lee, người từng làm việc cho công ty giáo dục và dạy học trực tuyến VIPKid, nói rằng GoGoKid rõ ràng đang cố gắng bắt chước những gì VIPKid đang thực hiện.
Tuy nhiên, nhiều người hoài nghi về cách làm của ByteDance. Sau 2 năm làm việc tại EF trong vai trò Phó Chủ tịch Phát triển sản phẩm, Andrea Previtera gia nhập một công ty giáo dục hàng đầu của Anh đang cố gắng mở rộng tầm ảnh hưởng ở Châu Á, bao gồm Trung Quốc, thông qua thâu tóm và sáp nhập.
"Họ cố gắng tìm ra công thức thành công chung cho mảng giáo dục nhưng không thể. Điều này không đồng nghĩa với việc ByteDance cũng đi vào vết xe đổ nhưng đó là điều có thể xảy ra", ông nói với TechInAsia.
Không lợi nhuận, không vấn đề?
Dưới cạnh tranh khốc liệt, phần lớn các công ty trong thị trường giáo dục trực tuyến của Trung Quốc đều chưa có lãi. Chi phí hoạt động, bao gồm hỗ trợ công nghệ và tuyển dụng giáo viên, là rất cao. Bên cạnh đó, chi phí để thâu tóm người dùng cũng không nhỏ.
Dù vậy, mảng công nghệ giáo dục chứng kiến hoạt động gọi vốn tăng vọt trong năm nay. Bên cạnh đó, các công ty edtech cũng không ngại chi tiền cho các hoạt động quảng bá, khuyến mại. TechInAsia ước đoán 10 công ty công nghệ giáo dục hàng đầu ở Trung Quốc đã chi ra hơn 10 tỉ nhân dân tệ (1,52 tỉ USD) chỉ trong tháng 7 và tháng 8.
Trong nửa sau năm 2019, 4 trong số 6 công ty giáo dục trực tuyến đã niêm yết trên sàn chứng khoán có chi phí marketing chiếm tới trên 50% doanh thu.
Hồi tháng 7, ByteDance cho biết mảng giáo dục sẽ không hướng đến mục tiêu lợi nhuận trong 3 năm tới.
"Các công ty có thêm khách hàng dễ dàng nhưng việc giữ chân họ đủ lâu để sinh ra lợi nhuận thì khó hơn", ông Previtera, nhân sự một quỹ đầu tư tư nhân chuyên thực hiện thâu tóm, sáp nhập mảng công nghệ giáo dục ở Châu Á, nói. Dù vậy, ở thời điểm hiện tại, ngay cả việc có khách hàng cũng không dễ dàng cho cạnh tranh lớn.
Dù vậy, cần hiểu rõ rằng việc các công ty công nghệ giáo dục không có lợi nhuận không phải do mảng công nghệ giáo dục không có khả năng tạo ra tiền.
Mảng giáo dục ở Trung Quốc thậm chí còn có thể khả năng tạo ra doanh thu lớn hơn so với các thị trường khác như Mỹ bởi phụ huynh sẵn sàng bỏ thêm tiền để con cái mình có lợi thế lớn hơn.
Vấn đề ở đây là các nhà đầu tư luôn kì vọng các công ty công nghệ giáo dục tăng quy mô nhanh chóng và đồng nghĩa với "đốt tiền" nhanh hơn. "Để đáp ứng yêu cầu tăng trưởng, nhiều công ty cuối cùng đã chi quá nhiều tiền để thâu tóm khách hàng", bà Lee nói.
Dù vậy, với hơn 3 tỉ USD lợi nhuận ròng ghi nhận năm ngoái, ByteDance sẵn lòng chi mạnh tay hơn đổi thủ.
Năm nay, ByteDance dành 600 triệu USD để dành cho các nỗ lực trong mảng giáo dục trực tuyến. Cụ thể, công ty mẹ TikTok sẵn sàng chi lương cho giáo viên cao hơn nếu họ làm việc cho GoGoKid, trong khi đó lại bán các khoá học với phí thấp hơn.
ByteDance cũng có thể tận dựng sự phổ biến của hệ sinh thái ứng dụng của mình. Năm ngoái, các ứng dụng của ByteDance có hơn 1,5 tỉ người dùng hoạt động hàng tháng và hơn 700 triệu người dùng hoạt động hàng ngày.
Ở thời điểm hiện tại, ByteDance dường như tập trung nhiều hơn vào mảng B2C bởi các chuyên gia tin rằng ở mảng B2C "sẽ không có nhiều cơ hội cho người đến sau."