Ông Đặng Thành Tâm: Kinh Bắc chưa có thiệt hại kinh tế do giãn cách xã hội ở Bắc Ninh

Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT của Kinh Bắc cho biết là một đơn vị kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp thì Kinh Bắc cũng không tránh khỏi sự ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng hạ tầng trong thời gian chống dịch, giãn cách.

Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (Mã: KBC) vừa công bố thông tin về diễn biến của dịch COVID-19 đang xảy ra ở Bắc Ninh, Bắc Giang nơi có khu công nghiệp (KCN) Quế Võ và Quang Châu của tổng công ty.

Như đã thông tin trước đó, từ 0h đêm ngày 18/5, 4 KCN là Đình Trám, Quang Châu, Vân Trung và Song Khê - Nội Hoàng ở tỉnh Bắc Giang đã dừng hoạt động để khống chế dịch đang lan rộng cho đến khi có thông báo mới. Còn từ 15 giờ ngày 20/5, tỉnh Bắc Ninh áp dụng biện pháp cách ly xã hội đối với toàn bộ huyện Quế Võ đến khi có thông báo mới.

"Muốn dập dịch cần khoảng thời gian các doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, dự kiến từ 1 đến 2 tuần. Nếu phương án này thực hiện được thì kiểm soát dịch tốt hơn. Khi sản xuất trở lại thì phải làm chặt chẽ hơn khâu phòng chống dịch. Chính quyền sẽ cùng doanh nghiệp kiểm soát dịch bệnh".

Ông Tâm cũng nói thêm đây là sự việc bất khả kháng và tổng công ty đang phối hợp với chính quyền địa phương để phòng chống dịch, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp sớm ổn định sản xuất. 

Là đơn vị kinh doanh hạ tầng KCN, ông Tâm cho biết Kinh Bắc cũng không tránh khỏi sự ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng hạ tầng trong thời gian chống dịch, giãn cách. "Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, tổng công ty không có thiệt hại về kinh tế", chủ tịch Kinh Bắc cho hay.

KCN Quang Châu do CTCP Khu công nghiệp Sài Gòn Bắc Giang, công ty con do Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (Mã: KBC) sở hữu 92,1% tỷ lệ biểu quyết.

KCN Quang Châu nằm tại huyện Việt Yên, có tổng diện tích 426 ha, tổng diện tích đất thương phẩm là 278,4 ha, đã lấp đầy 78,2% tính tới cuối năm 2020. Diện tích đất thương phẩm còn lại 48,3 ha, diện tích đất còn phải đền bù hơn 20 ha.

KCN Quang Châu chủ yếu thu hút các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp cơ khí, chế tạo; điện tử, sản xuất điện; chế biến nông, lâm sản, thực phẩm; dệt may; công nghiệp hỗ trợ.

Nhiều tập đoàn nước ngoài lớn đã đặt nhà máy ở KCN này gồm: Nichirin Viet Nam Co.,Ltd, Umec Vietnam, Crystal Việt Nam, JA Solar, ZYF, Luxshare – ICT, Samkwang Vina, HIQ Vina, Hoseiden, nhà máy của Foxconn,...

Trong các ổ dịch thì Công ty TNHH Hosiden Việt Nam với 6.000 lao động ở KCN Quang Châu là ổ dịch lớn nhất và được Sở Y tế tỉnh Bắc Giang coi là ổ dịch rất nguy hiểm. Đáng lưu ý, nhà máy của Hosiden ở đây chuyên sản xuất linh kiện, bo mạch điện tử, màn hình cảm ứng và là nhà cung ứng cấp 1 cho các sản phẩm của Samsung.

Tính chung cả KCN Quang Châu, tổng số lao động ở đây lên tới 13.000 người. Nguồn lây COVID-19 từ KCN Quang Châu đã lan sang các KCN Đình Trám, Vân Trung. 

Với KCN Quế Võ ở Bắc Ninh, có tổng diện tích 611ha, với 70 căn nhà xưởng xây sẵn có diện tích tiêu chuẩn là 5.160 m2/căn. Trong đó KCN Quế võ hiện hữu có diện tích 300 ha đi vào hoạt động từ năm 2003, KCN Quế Võ mở rộng có diện tích 311 ha đi vào hoạt động từ năm 2006. Hai KCN ở Quế Võ – Bắc Ninh mất khoảng 12 năm để lấp đầy trên 90%.

Tính tới sáng nay (22/5), Bắc Giang và Bắc Ninh tiếp tục là hai "điểm nóng" với số lượng bệnh nhân mới cao nhất cả nước. Trong đó, Bắc Giang đứng đầu với 700 ca mắc còn Bắc Ninh ghi nhận 373 ca tính tới sáng 22/5. 

Kết phiên 21/5, cổ phiếu KBC bất ngờ tăng trần lên 32.800 đồng sau chuỗi các phiên giảm với thanh khoản hơn 7,3 triệu đơn vị. 

Ông Đặng Thành Tâm: Kinh Bắc chưa có thiệt hại kinh tế khi KCN Quang Châu dừng hoạt động và giãn cách xã hội ở Bắc Ninh - Ảnh 2.

Diễn biến giá cổ phiếu KBC một năm gần đây. (Nguồn: tradingview.com)

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.