Ông Nguyễn Đức Chung chiếm đoạt tài liệu mật như thế nào?

Với những sai phạm đã được kết luận, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đề nghị VKSND Tối cao truy tố bị can Nguyễn Đức Chung.

Ngày 20/11, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra bản kết luận điều tra vụ án "Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước" xảy ra tại Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Nhật Cường.

Ông Nguyễn Đức Chung chiếm đoạt tài liệu mật vụ án Nhật Cường như thế nào? - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Đức Chung. (Ảnh: Zing).

Theo điều tra, ông Nguyễn Đức Chung và vợ là Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vụ án xảy ra tại Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Nhật Cường.

Thông qua giới thiệu, ông Chung đã làm quen với bị can Phạm Quang Dũng (cán bộ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - Bộ Công an).

Ngày 16/6/2019, ông Chung đặt vấn đề và được Dũng đồng ý "thu thập, cung cấp thông tin, tài liệu về tình hình, tiến độ và kết quả điều tra".

Ông Chung nhiều lần nhận tài liệu mật và tài liệu vụ án Nhật Cường

Kết quả điều tra xác định, từ tháng 7/2019 đến tháng 6/2020, bị can Dũng đã nhiều lần thu thập, chiếm đoạt được nhiều tài liệu có liên quan đến vụ án "Công ty Nhật Cường". Trong đó, có 5 lần chiếm đoạt 9 tài liệu thuộc danh mục bí mật nhà nước độ "Mật".

Tháng 8/2019, bị can Dũng hai lần dùng điện thoại chụp trộm và photocopy 4 tài liệu ở cơ quan. 

Tháng 9/2019, Dũng photocopy một tài liệu khác ở cơ quan.

Vào tháng 6/2020, bị can Dũng tiếp tục chụp trộm 3 tài liệu với 26 trang tương ứng với 26 file ảnh chụp. 

Lần thứ 5 vào cuối tháng 2/2020 đầu tháng 3/2020, Dũng đã lấy một tài liệu của Cục Cảnh sát kinh tế.

Sau khi thu thập được tài liệu, bị can Dũng đã nhiều lần cung cấp thông tin, tài liệu cho ông Chung thông qua ba phương thức: Sử dụng ứng dụng phần mềm Viber trên điện thoại di động để trao đổi, cung cấp thông tin; chuyển trực tiếp file ảnh chụp tài liệu qua Viber và thông qua người trung gian để cung cấp tài liệu bản giấy.

Kết quả điều tra đến nay có đủ căn cứ xác định ba lần bị can Dũng chuyển 12 tài liệu của vụ án Nhật Cường cho bị can Nguyễn Đức Chung, trong đó có 6 tài liệu thuộc danh mục bí mật Nhà nước độ "Mật".

Ông Nguyễn Đức Chung chiếm đoạt tài liệu mật vụ án Nhật Cường như thế nào? - Ảnh 2.

Bị can Nguyễn Hoàng Trung (trái) và Phạm Quang Dũng. (Ảnh: Bộ Công an).

Lần đầu tiên vào ngày 20/7/2019, theo đề nghị của ông Chung, Dũng bắt taxi từ nhà trên đường Nguyễn Xiển đến nhà ông Chung tại phố Trung Liệt để trao đổi về vụ án. Về nhà, Dũng in tài liệu từ máy tính cá nhân ra giấy. Số tài liệu này ông Chung cử tài xế riêng Nguyễn Hoàng Trung đến nhận để mang về.

Ngày 25/8/2019, Dũng liên hệ với ông Chung để cung cấp ba tài liệu mật. Những tài liệu này được đóng vào một phong bì màu trắng khổ A4 dán kín. Tối cùng ngày, ông Chung chỉ đạo Trung tới nhà Dũng lấy.

Lần cuối cùng, ngày 10/6/2020, Dũng sử dụng ứng dụng Viber chuyển cho ông Chung ba tài liệu mật. Ông Chung chuyển lại cho Trung và yêu cầu in ra giấy. Trung không in ra ngay mà lại chuyển tiếp cho Nguyễn Anh Ngọc, 46 tuổi, cựu phó trưởng Phòng Thư kí biên tập Văn phòng UBND Hà Nội, nhờ in giúp để chuyển lại cho ông Chung.

Những tài liệu này gồm: Báo cáo kết quả trích xuất dữ liệu và thanh toán tiền hàng buôn lậu cho 16 nhà cung cấp của Công ty Nhật Cường; tài liệu báo cáo Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc về tiến độ, kết quả, kế hoạch kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Công ty Nhật Cường và báo cáo kết quả xác minh việc Công ty Nhật Cường cung cấp dịch vụ công cho TP Hà Nội giai đoạn 2017- 2019.

Theo kết luận điều tra, sau khi chuyển 26 file ảnh cho Ngọc, Trung đã xóa tài liệu. Còn bị can Ngọc sao chép, lưu giữ 26 file ảnh trên máy tính tại phòng làm việc và USB.

Chiều 25/6, theo yêu cầu của ông Chung, Trung và Ngọc chỉnh sửa, che phần chữ kí của điều tra viên tại trang cuối file tài liệu mật để in ra giấy để đưa cho cựu Chủ tịch Hà Nội.

Sau khi chuyển 26 file ảnh qua ứng dụng "Viber", Trung đã xóa. Bị can Anh Ngọc sao chép và lưu giữ trên máy tính tại phòng làm việc và thẻ nhớ USB. Khi khám xét nơi làm việc của bị can Anh Ngọc, Cơ quan An ninh điều tra đã thu giữ được số tài liệu này.

Ngoài các lần chuyển tài liệu trên, cơ quan điều tra còn xác định từ tháng 7 đến tháng 12/2019, ông Chung còn có 4 lần yêu cầu lái xe đến nhà bị can Dũng để nhận tài liệu vụ Nhật Cường.

Hồi tháng 9 và 12/2019, Dũng có hai lần chuyển tài liệu điều tra cho ông Chung qua Viber. Tuy nhiên, cơ quan điều tra không đủ căn cứ xác định thông tin, tài liệu cụ thể ông Dũng cung cấp cho cựu chủ tịch Hà Nội nên không kết luận về việc này.

Tách riêng vụ ông Chung cho người tuồn tài liệu mật 10.000 USD

Kết quả điều tra cũng xác định dịp Tết Nguyên đán 2019, bị can Nguyễn Đức Chung thông qua lái xe Nguyễn Hoàng Trung đưa cho Phạm Quang Dũng phong bì có 10.000 USD tại đường Giải Phóng. Sau khi đầu thú, Dũng đã giao nộp số tiền này.

Ngoài ra, cựu cán bộ Cục Cảnh sát kinh tế còn khai tối 30/6, khi đột nhập phòng làm việc của chỉ huy, bị can đã lấy thùng carton. Nghĩ bên trong chứa tài liệu vụ Nhật Cường nhưng khi mở ra, Dũng thấy bên trong có 16 chiếc điện thoại.

Cơ quan điều tra chưa có điều kiện làm rõ bản chất việc bị can Phạm Quang Dũng được bị can Nguyễn Đức Chung cho 10.000 USD và hành vi Dũng chiếm đoạt số điện thoại. Do đó, cơ quan điều tra đã tách hai hành vi này để xem xét, xử lí sau.

Với những sai phạm đã được kết luận, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đề nghị VKSND Tối cao truy tố bị can Nguyễn Đức Chung, Phạm Quang Dũng, Nguyễn Hoàng Trung và Nguyễn Anh Ngọc theo khoản 3, Điều 337 Bộ luật hình sự, với khung hình phạt 10-15 năm tù.

chọn
Chủ dự án Vinhomes Global Gate nhận hơn 51.000 tỷ tiền người mua trả trước trong quý IV
Tại ngày 31/12/2024, khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn của VEFAC chiếm 63.261 tỷ đồng, tăng hơn 51.000 tỷ so với ngày 30/9/2024. VEFAC hiện đang hợp tác cùng Vinhomes để thực hiện dự án Vinhomes Global Gate tại Đông Anh.