Ông Nguyễn Thiện Nhân: 'TP HCM thu ngân sách nhiều, được giữ lại quá ít'

Làm việc với đoàn công tác của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chiều 12/4, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, dân số thành phố chiếm 9,5%, lao động chiếm 82% cả nước; đóng góp 27% thu ngân sách quốc gia nhưng chỉ được dùng 5,2%.

"Phần nộp ngân sách quá lớn, phần giữ lại ít quá. Thành phố có 9,5% dân số đúng ra phải được dùng 9,5% ngân sách. Đây là sự mất cân đối trầm trọng khiến thành phố không còn nguồn lực tài chính công để đầu tư cho hạ tầng", ông Nhân nói.

Ông Nguyễn Thiện Nhân: TP HCM thu ngân sách nhiều, được giữ lại quá ít - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo TP HCM chiều 12/4. Ảnh: Hữu Khoa

Bí thư Thành ủy TP HCM cũng chỉ ra bất cập khi các công trình lớn tại thành phố đều do Bộ quản lý, thành phố muốn làm cũng không được vì vừa không có thẩm quyền vừa không có vốn.

Chẳng hạn như đường Vành đai 3 rất quan trọng nhưng Bộ Giao thông chưa làm được, thành phố muốn làm sớm nên xin cơ chế đi vay và trung ương trả sau. Theo đó, thành phố sẽ cùng các tỉnh bỏ tiền giải phóng mặt bằng trước (khoảng 3.000 tỷ đồng), còn chờ 5 năm nữa số tiền này sẽ cao hơn nhiều lần.

"Nếu đợi đến nhiệm kỳ sau thì dân số thành phố lại tăng thêm một triệu người. Cứ 5 năm thành phố tăng thêm một triệu xe máy, hai nhiệm kỳ thêm 2 triệu xe, tổng cộng là 10 triệu xe thì đường đâu mà đi", ông Nhân nói.

Trước đó, báo cáo với đoàn làm việc của Thủ tướng, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong kiến nghị sớm triển khai dự án đường Vành đai 3, cho thành phố tạm ứng ngân sách 3.000 tỷ đồng để bồi thường giải phóng mặt bằng cho dự án này.

Đồng tình với đề xuất của TP HCM, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng, đường Vành đai 3 và 4 "là cực kỳ quan trọng", nếu không sớm hình thành giao thông thành phố sẽ hỗn độn, xe cộ phải chạy xuyên tâm, kẹt xe càng nặng hơn. "Nếu đợi khi có vốn mới làm thì tiền giải phóng mặt bằng sẽ lên 5.000-7.000 tỷ đồng chứ không phải 3.000 tỷ như hiện nay", ông Thể nói.

Về việc này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ trưởng Giao thông vận tải sớm hoàn thiện thủ tục đầu tư, trình phê duyệt. Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định và báo cáo Thủ tướng.

Ông Nguyễn Thiện Nhân: TP HCM thu ngân sách nhiều, được giữ lại quá ít - Ảnh 2.

Sơ đồ hướng tuyến đường Vành đai 3 TP HCM.

Theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt từ năm 2011, đường Vành đai 3 dài gần 90 km, gồm 4 đoạn với tổng số vốn khoảng 55.805 tỷ đồng. Trong đó, tiền giải phóng mặt bằng là hơn 5.630 tỷ tại 4 địa phương.

Điểm đầu của tuyến bắt đầu từ đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, sau đó đi qua 4 tỉnh thành là Đồng Nai, TP HCM, Bình Dương và Long An. Điểm cuối giao với đường cao tốc TP HCM - Trung Lương và đường cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Tuy nhiên, hiện chỉ có đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn (Bình Dương) dài 16 km đã được đầu tư. Phần còn lại của dự án, gồm Nhơn Trạch - Tân Vạn (gần 35 km); Bình Chuẩn - Quốc lộ 22 (hơn 19 km) và Quốc lộ 22 - Bến Lức (gần 29 km) được đơn vị nghiên cứu đánh giá là thực sự cần thiết và phải nhanh chóng đầu tư nhưng đến nay vẫn chưa có vốn.

Trong đó, riêng đoạn từ Bình Chuẩn, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương đi qua các huyện Củ Chi, Hóc Môn và Bình Chánh của TP HCM để kết nối vào huyện Bến Lức (Long An) dài gần 48 km được đánh giá là "cực kỳ cần thiết" để kéo giảm kẹt xe. Tổng mức đầu tư cho giai đoạn một của đoạn tuyến này là 950 triệu USD.

Để sớm hoàn thành dự án, Tổng Công ty Đầu tư Phát triển và Quản lý Dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (CIPM Cửu Long) - đơn vị thay mặt Bộ GTVT quản lý dự án, kiến nghị đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) có sự hỗ trợ của Nhà nước.

Về công tác giải phóng mặt bằng, CIPM Cửu Long đưa ra giải pháp: các địa phương hỗ trợ ứng trước (TP HCM 2.939 tỷ đồng, Bình Dương 2.055 tỷ, Long An 639 tỷ) sau đó Nhà nước sẽ hoàn trả bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Theo đơn vị nghiên cứu, khi hình thành đoạn tuyến Vành đai 3 trên sẽ kết nối các tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương, Quốc lộ 1A và tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành đang xây dựng. Từ đó, tạo nên một mạng lưới giao thông huyết mạch của TP HCM nối kết với các tỉnh liền kề và 7 tỉnh của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam...

Hữu Công

chọn
Hòa Bình: Sẽ xây 700 căn biệt thự ven hồ Khả, tổng vốn hơn 2.600 tỷ đồng
Khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp Hồ Khả dự kiến sẽ thi công trong giai đoạn tháng 7/2025 - hết quý II/2028, với hạng mục chính gồm 90 căn biệt thự đơn lập và 614 căn biệt thự song lập.