UBND TP đang làm rõ thiệt hại, xem xét xử lí việc cổ phần hóa sai quy định tại công ty TNHH MTV phát triển khu công nghiệp Sài Gòn (IPD) - đơn vị thực hiện dự án đầu tư xây dựng cảng KCN Cát Lái.
IPD có 100% vốn nhà nước, là công ty con của IPC (công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận). Theo phương án được Thủ tướng phê duyệt và quyết định của UBND TP, IPD phải cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ. Thời điểm đó, IPD đang được TP cho thuê hơn 69 ha đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng cảng KCN Cát Lái.
Tuy nhiên việc trình, thẩm định, đề xuất, cơ cấu, quy mô, vốn điều lệ được Thanh tra TP chỉ ra là "không có cơ sở và không phù hợp với quy định".
Cụ thể, khi thực hiện cổ phần hóa, IPD đề xuất 2 phương án về tỉ lệ vốn nhà nước là 49% và 36%. Tuy nhiên, khi trinh lên UBND TP, IPC lại trình 2 phương án tỉ lệ vốn nhà nước tại IPD sau cổ phần hóa là 65% và 75% để IPC có quyền chi phối.
Cùng với đó, IPC đề nghị sẽ phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ nhưng cổ đông nhà nước sẽ không tham gia mua cổ phần. "Khi đó Nhà nước không phải là cổ đông nắm giữ cổ phần chi phối tại IPD, đồng nghĩa việc quản lí, khai thác cảng biển Cát Lái không do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ..." - kết luận thanh tra đánh giá.
Ông Tất Thành Cang
Điều đáng nói, việc cổ phần hóa sai quy định này lại được ông Tất Thành Cang, khi đó là Phó chủ tịch TP có bút phê chấp thuận. Và kết luận thanh tra chỉ rõ: “Việc xác định 75% tỉ lệ vốn nhà nước khi cổ phần hóa được Phó chủ tịch UBND TP Tất Thành Cang chấp thuận trong trường hợp không đúng quy định thì đề xuất biện pháp xử lí”.
Sau khi cổ phần hóa, IPD trở thành công ty CP tiếp vận Đông Sài Gòn (ESL) có vốn điều lệ 652 tỉ đồng. Cũng kể từ đây, ESL có những hoạt động đầu tư sai quy định, đẩy quyền chi phối hoạt động vào tay tư nhân.
Theo kết luận thanh tra, ESL sẽ đầu tư xây dựng, khai thác dự án cảng. Tuy nhiên, ESL góp vốn thành lập pháp nhân mới là Công ty cổ phần Cát Lái - Đông Sài Gòn để khai thác cảng.
"Với tỉ lệ góp vốn 20%, ESL không còn quyền chi phối, dẫn đến kết quả đối tác khác nắm quyền, quyết định việc kinh doanh khai thác cảng" - kết luận thanh tra nhận định.
Trước đó, kết luận của Thanh tra TP HCM tháng 10/2018, cũng chỉ ra sai phạm tại Sadeco có sự tiếp tay của ông Tất Thành Cang trên cương vị Phó bí thư Thành ủy.
Trụ sở IPC tại quận 7, nơi xảy ra nhiều sai phạm, gây thất thoát tài sản nhà nước.
Theo đề án tái cơ cấu, công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC, trực thuộc UBND TP) với tỉ lệ sở hữu vốn tại công ty CP phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco) là 44%, nên không cần giảm tỉ lệ sở hữu vốn. Đặc biệt là trong bối cảnh Sadeco hoạt động kinh doanh đang mang lại lợi nhuận rất cao, tỉ lệ chia cổ tức hằng năm có lúc lên đến 40%.
Thế nhưng, IPC đã trình UBND TP phương án tăng vốn điều lệ và giảm tỉ lệ sở hữu của IPC tại Sadeco từ 44% xuống 28,8%. IPC cũng nêu "Thường trực Thành ủy cũng đã chấp thuận chủ trương phương án phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược để tăng vốn điều lệ tại thông báo 495-TB/VPTU…”.
Tuy nhiên, Thanh tra TP cho biết thông báo này chỉ truyền đạt ý kiến của Phó bí thư thường trực Thành ủy (khi đó là ông Tất Thành Cang - PV), chứ không phải là chủ trương của Thường trực Thành ủy.
Với đề án tăng vốn điều lệ, giảm tỉ lệ sở hữu vốn của IPC tại Sadeco từ 44% xuống 28,8%, IPC đã phát hành cổ phiếu cho công ty Nguyễn Kim không qua đấu giá. Thanh tra TP khẳng định việc làm này là “trái quy định pháp luật”, dẫn đến gây thiệt hại ít nhất 153 tỉ đồng (chỉ tính chênh lệch giá cổ phiếu); nếu tính đầy đủ giá trị gia tăng tài sản của Sadeco lúc thời điểm giá đất tăng cao, con số thiệt hại “sẽ rất lớn”.
Ông Tề trí Dũng, cựu Tổng Giám đốc IPC đã bị bắt hồi tháng 5 do những sai phạm liên quan đến công ty này