Ông Trịnh Văn Quyết đã thu lợi từ thao túng chứng khoán như thế nào?

Ngày 28/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ban hành Kết luận điều tra vụ án hình sự số 34/KL-VPCQCSĐT và chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án đến Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 5), đề nghị truy tố ông Trịnh Văn Quyết và đồng phạm.

Theo Bản kết luận điều tra của Cơ quan Cảnh sát Điều tra (Bộ Công an) đối với vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại CTCP Tập đoàn FLC, CTCP Chứng khoán BOS, CTCP Xây dựng Faros và các công ty có liên quan, Cơ quan CSĐT kết luận, ông Trịnh Văn Quyết là người có trình độ hiểu biết về pháp luật và lĩnh vực tài chính ngân hàng, chứng khoán, sáng lập nên CTCP Tập đoàn FLC, CTCP Chứng khoán BOS và 50 công ty liên quan khác. 

Ông Quyết đã chỉ đạo em gái là Trịnh Thị Minh Huế cùng những người liên quan để thực hiện “Thao túng thị trường chứng khoán”, thu lợi bất chính hơn 723 tỷ đồng; thực hiện “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” chiếm đoạt gần 3.621 tỷ đồng của các nhà đầu tư. 

Thu lợi bất chính 723 tỷ đồng từ thao túng cổ phiếu

Cụ thể, trong thời gian từ ngày 25/6/2017 - 10/1/2022, ông Quyết đã chỉ đạo bà Huế mượn chứng minh nhân dân của 45 cá nhân, thành lập đứng tên 20 doanh nghiệp để mở 500 tài khoản chứng khoán tại 41 công ty chứng khoán, trong đó 141 tài sản mở tại CTCP Chứng khoán BOS và 369 tài sản mở tại các công ty chứng khoán khác (ông Quyết đứng tên 23 tài khoản). 

Để thực hiện việc thao túng thị trường chứng khoán, ông Quyết chỉ đạo bà Trịnh Thị Thúy Nga cấp hạn mức khống cho nhóm tài khoản của ông Quyết mở tại Chứng khoán BOS thời điểm từ ngày 26/5/2017 - 10/1/2022, sau đó chỉ đạo bà Hương Trần Kiều Dung, bà Trịnh Thị Thúy Nga và bà Nguyễn Quỳnh Anh điều hành Chứng khoán BOS ban hành nghị quyết Hội đồng quản trị ủy quyền cho Nga phê duyệt cấp hạn mức khách hàng khống để giao dịch chứng khoán hàng ngày cho 141 tài khoản chứng khoán của nhóm ông Quyết mở tại đơn vị này. 

Sau khi tạo cung cầu giả tạo đối với 5 mã chứng khoán nhóm FLC gồm AMD, HAI, GAB, ART và FLC, giá cổ phiếu tăng, theo chỉ đạo của ông Quyết, bà Huế bán cổ phiếu ra thị trường và giúp ông Quyết thu lợi bất chính với tổng số tiền 723 tỷ đồng. 

Để che giấu hành vi phạm tội, ông Quyết đã chỉ đạo bà Nguyễn Quỳnh Anh, Tổng Giám đốc Chứng khoán BOS chỉ đạo cấp dưới ký chứng từ, ủy nhiệm chi thanh toán bù trừ, hợp thức việc cấp hạn mức khống, hạch toán báo cáo tài chính.

Bà Quỳnh Anh và cấp dưới đã ký tổng cộng 300 ủy nhiệm chi chuyển tổng số tiền gần 24.636 tỷ đồng từ các tài khoản ngân hàng khác của Chứng khoán BOS đến tài khoản mở tại BIDV - chi nhánh Hà Thành để Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam tự động trích tiền thanh toán bù trừ cho 288 ngày giao dịch, trong đó có gần 9.904 tỷ đồng thanh toán cho các lần khớp lệnh mua cổ phiếu thiếu tiền, không có tài sản đảm bảo của 75/141 tài khoản VIP do bà Huế quản lý, sử dụng tại Chứng khoán BOS. 

Ông Quyết cũng chỉ đạo bà Huế sử dụng nguồn tiền của ông Quyết để nộp tiền mặt vào các tài khoản chứng khoán để đặt lệnh mua cổ phiếu, hạch toán nộp rút tiền, điều chuyển dòng tiền mua bán cổ phiếu; hằng ngày chỉ đạo bà Huế sử dụng nhiều tài khoản trong số 500 tài khoản (trong đó ông Quyết đứng tên mở 23 tài khoản) giao cho bà Huế sử dụng để kinh doanh chứng khoán, thao túng thị trường chứng khoán.

Ngoài ra, ông Quyết chỉ đạo bà Huế sử dụng tài khoản của ông Quyết bán chui 74,8 triệu cổ phiếu FLC trong phiên giao dịch ngày 10/1/2022, tổng giá trị khớp lệnh là 1.689 tỷ đồng. 

Số tiền thu lợi bất chính hơn 723 tỷ đồng được sử dụng để mua cổ phần CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways), mua cổ phần CTCP FLC Travel, mua cổ phần CTCP Nông dược HAI (mã: HAI); trả nợ, chuyển vào các tài khoản chứng khoán, chi tiêu cá nhân. 

Nâng khống vốn điều lệ Xây dựng Faros lên 4.300 tỷ đồng

Bên cạnh đó, Cơ quan Điều tra cũng cáo buộc ông Quyết chỉ đạo bà Trịnh Thị Minh Huế, Trịnh Thị Thúy Nga, Hương Trần Kiều Dung, Nguyễn Thiện Phú và các cá nhân là lãnh đạo, nhân viên CTCP Xây dựng Faros, CTCP Tập đoàn FLC đứng tên là cổ đông để thực hiện việc góp vốn khống bằng cách ký khống các chứng từ để Huế sử dụng làm thủ tục nộp tiền vào, rút tiền ra rồi nộp lại,... quay vòng nhiều lần để 5 lần tăng khống vốn điều lệ CTCP Xây dựng Faros từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng (trong khi vốn thực góp là hơn 1.197 tỷ đồng).

Để hợp thức việc rút tiền ra khỏi CTCP Xây dựng Faros, ông Quyết đã chỉ đạo bà Huế soạn thảo để Giám đốc CTCP Xây dựng Faros ký 115  hợp đồng chuyển tiền ủy thác đầu tư, hợp tác kinh doanh, cho vay vốn khống với 12 doanh nghiệp và 6 cá nhân đều là người thân, nhân viên FLC do ông Quyết và bà Huê nhờ đứng ký nhận khống, để hạch toán hợp thức cho việc rút số tiền góp vốn khống ra khỏi CTCP Xây dựng Faros. 

Sau khi nâng khống vốn điều lệ, ông Quyết chỉ đạo ông Doãn Văn Phương, Đỗ Như Tuấn cùng các cá nhân liên quan lập hồ sơ đề nghị cơ quan Nhà nước chấp thuận công ty đại chúng, niêm yết cổ phiếu ROS tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM với số lượng 430 triệu cổ phiếu từ ngày 1/9/2016. 

Từ tháng 9/2016 - tháng 3/2022, ông Quyết giao cho bà Huế sử dụng tài khoản của ông Quyết và 40 tài khoản chứng khoán do Huế nhờ người khác đứng tên để thực hiện mua, bán cổ phiếu ROS trên sàn chứng khoán, thu được hơn 4.818 tỷ đồng của các nhà đầu tư, qua đó chiếm đoạt gần 3.621 tỷ đồng. 

Tại Cơ quan Điều tra, ban đầu, ông Quyết thành khẩn khai báo về việc chỉ đạo bà Huế và đồng phạm thực hiện hành vi “Thao túng thị trường chứng khoán”. Song, khi cơ quan điều tra khởi tố bổ sung hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, ông Quyết đã thay đổi lời khai, không thừa nhận hành vi phạm tội và đổ lỗi cho em gái là bà Trịnh Thị Minh Huế và những người khác. 

Theo Cơ quan Điều tra, hành vi của ông Quyết đã đủ yếu tố cấu thành tội “Thao túng thị trường chứng khoán” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với vai trò chủ mưu, vừa là người thực hiện tội phạm. 

chọn
ĐHĐCĐ KSF: Hướng đến thành cổ đông chiến lược của SCG, dồn lực cho siêu dự án Wonder Tower tại Ciputra
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, lãnh đạo KSF cho biết, trong ba năm tới sẽ tập trung hoàn thành ba dự án Golden River, Sky City và Wonder Tower. Trong ba năm tới doanh nghiệp cần tổng mức đầu tư khoảng 35.000 tỷ đồng, doanh thu dự kiến trên 50.000 tỷ đồng.