Nguyên TGĐ Công ty Khải Thái yêu cầu HĐXX thay đổi người phiên dịch vào thời điểm HĐXX yêu cầu bị cáo nói lời sau cùng trước khi HĐXX bước vào phần nghị án. Lý do được Saga đưa ra là do lo sợ người phiên dịch hiện tại không thể truyền tải được hết những mong muốn của bị cáo đến HĐXX. Yêu cầu này thực sự khiến HĐXX cảm thấy bối rối, nhất là sau khi Luật sư Nguyễn Minh Anh, Luật sư bào chữa cho bị cáo Saga, yêu cầu HĐXX đáp ứng đúng nguyện vọng của thân chủ.
“Việc bị cáo yêu cầu thay đổi là hoàn toàn đúng luật, bản thân phiên dịch cũng trao đổi với tôi là không thạo về ngôn ngữ liên quan đến tố tụng hình sự, anh ta chỉ thông thạo về các ngôn ngữ thương mại. Nếu không thay đổi phiên dịch, quan điểm của tôi là phiên tòa này không khách quan.” Luật sư Nguyễn Minh Anh nói với HĐXX.
Trước đề nghị này, HĐXX đề nghị Thư ký phiên tòa liên hệ tìm người phiên dịch khác, phiên tòa tạm nghỉ và sẽ tiếp tục vào ngày 14/12.
Cùng với việc bị cáo Saga đề nghị thay người phiên dịch, bị cáo Nguyễn Mạnh Linh, nguyên GĐ Công ty TNHH tư vấn đầu tư Khải Thái, cũng ký đơn đề nghị Luật sư bào chữa ngay sau khi Chủ tọa tuyên bố phiên tòa tạm nghỉ.
Bị cáo Hsu Minh Jung (tức Saga), nguyên TGĐ Công ty Khải Thái. |
Trước đó, HĐXX đã tạo điều kiện tối đa cho các bị hại có mặt tại phiên tòa được nói lên quan điểm của mình. Đáng chú ý, tất cả các bị hại đều cho rằng mình….không phải “bị hại” như cách gọi của HĐXX bởi Công ty Khải Thái vẫn trả tiền cho họ theo đúng cam kết trong hợp đồng trước thời điểm Cơ quan CSĐT bắt tạm giam Saga và các đồng phạm vào ngày 01/10/2014.
Ông Phạm Minh Tiến, người được bầu là đại diện cho nhóm 724 bị hại khẳng định với HĐXX ông luôn kêu gọi các NĐT tố cáo Saga lừa đảo nếu có bằng chứng. Tuy nhiên từ đó đến nay nhóm của ông vẫn không có ai tố cáo hoặc đưa ra bằng chứng tố cáo Saga và Khải Thái lừa đảo họ.
“Nếu những gì trong hợp đồng không thực hiện đúng, tôi sẽ là người giúp đỡ NĐT kiện, nhưng cho đến nay chưa có ai tố cáo Saga lừa đảo. Cáo trạng của VKS cũng không nêu tên tuổi người bị lừa đảo. Quá trình xét xử cũng không thấy có ai kêu bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, ông Phạm Minh Tiến nói.
Trong khi đó, bị hại Vũ Thị Tươi bày tỏ mong muốn HĐXX xét xử đúng người đúng tội, lấy quyền lợi cho NĐT.
“Chúng tôi thiệt hại vì Saga bị bắt giữ, tiền của chúng tôi bị giữ hơn 3 năm nay, đến giờ ghép tội Saga lừa đảo thì tôi không nhất trí, mong HĐXX giải quyết quyền lợi cho chúng tôi để nhanh chóng lấy lại tiền”, bà Vũ Thị Tươi nói.
Đồng quan điểm với bà Tươi, ông Lê Mạnh Năm, một công chức về hưu nói: “Khi Tòa gọi chúng tôi là bị hại thì chúng tôi nghĩ rằng Tòa đang bảo vệ chúng tôi. Cuối cùng đúng là chúng tôi là những người bị hại vì Saga bị bắt giữ. Tại sao lại khó khăn trong việc có một thỏa thuận dân sự? Điều này trái với chủ trương của Chính phủ là không hình sự hóa quan hệ kinh tế”.
Tuy nhiên, theo quan điểm của đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân TP. Hà Nội, Khải Thái đăng ký 16 ngành nghề kinh doanh nhưng hoạt động không đúng như đăng ký. Ngoài kinh doanh sàn vàng, công ty không có hoạt động gì khác, cũng như không có tài liệu nào chứng minh có hoạt động đầu tư trong và ngoài nước.
“Đây là vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, sử dụng văn phòng khang trang để lừa bịp NĐT thiếu hiểu biết. Saga không đứng tên bất cứ hoạt động nào để trong trường hợp xảy ra tranh chấp thì Saga không phải chịu trách nhiệm. Trong vụ án này Saga được hỗ trợ tích cực từ các đối tượng đồng phạm. Tất cả các bị cáo đều có trình độ học thức”, Kiểm sát viên Lê Thị Bảo Yên nói.
Bà Lê Thị Bảo Yên khẳng định Viện Kiểm sát giữ nguyên quan điểm về phần luận tội của mình.
Tuy nhiên, Luật sư Nguyễn Minh Anh phản bác lại quan điểm của Viện Kiểm sát khi cho rằng nếu cứ ở trong tù, liệu Saga có khắc phục được hậu quả hay không.
“Việc xem xét có dấu hiệu hay không, chúng ta đang tư duy ngược. Nếu giam một người vào họ không có điều kiện đàm phán thì làm sao giải quyết được?", Luật sư Minh Anh nói.
Tại phiên tòa, các Luật sư cũng thay nhau đề nghị đại diện Viện Kiểm soát đối chất từng vấn đề mà họ cho rằng chưa thỏa đáng.