Cuối ngày 13/12, truyền thông đưa tin Tổng thống Trump và các quan chức cấp cao trong chính phủ Mỹ sẽ được tiêm ngừa vắc xin của Pfizer-BioNTech trong vài ngày tới, công tác phân phối vắc xin có thể bắt đầu ngay hôm nay (14/12).
Tuy nhiên, ông Trump đã phản bác thông tin nêu trên.
Thông qua Twitter, ông cho biết: "Nhân viên làm việc trong Nhà Trắng sẽ tiếp nhận vắc xin trong giai đoạn sau của chương trình tiêm chủng, trừ khi đặc biệt cần thiết. Tôi đã yêu cầu thực hiện điều chỉnh này. Cá nhân tôi chưa lên lịch tiêm ngừa, song tôi hi vọng sẽ tiếp nhận vắc xin ở thời điểm thích hợp. Cảm ơn!"
Ông Trump từng nhiễm Covid-19 và do đó không nằm trong nhóm cần tiêm vắc xin nhất. Tuy nhiên, việc ông tiếp nhận vắc xin sẽ giúp xây dựng niềm tin của công chúng vào độ hiệu quả và an toàn của vắc xin.
Hôm 13/12, các quan chức y tế cảnh báo rằng nhiều người dân Mỹ đang hoài nghi về vắc xin, điều này có thể là một rào cản khiến Mỹ khó đạt được "miễn dịch cộng đồng".
Chia sẻ trên đài ABC, Giám đốc Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) Stephen Hahn nói: "Để vượt qua đại dịch Covid-19, chúng ta cần phải đạt được miễn dịch cộng đồng. Do đó, chúng ta cần phải tiêm chủng cho đông đảo người dân Mỹ, bao gồm cả các cá nhân còn đang do dự và hoài nghi về vắc xin".
Hiện tại, hàng triệu liều vắc xin đang được vận chuyển đến nhiều nơi trên khắp nước Mỹ. Nhân viên y tế tuyến đầu và người cao tuổi tại các viện dưỡng lão là đối tượng đầu tiên được tiếp nhận vắc xin. Các nhân viên thiết yếu trong một số ngành nghề đặc biệt cũng đang trông chờ được tiêm vắc xin.
Theo quan chức thuộc chương trình phát triển vắc xin Operation Warp Speed, từ nay cho đến tháng 3/2021, Mỹ có thể tiêm chủng cho khoảng 100 triệu người dân, tức khoảng 30% dân số Mỹ, thấp hơn mức 70% cần thiết để đạt miễn dịch cộng đồng. Đeo khẩu trang và thực hành giãn cách xã hội vẫn là các biện pháp phòng dịch quan trọng nhất trong nhiều tháng tới.