Dù gần như mọi tổng thống Mỹ đều cố gắng tối đa hóa ảnh hưởng của mình trong những giờ phút cuối cùng tại Phòng Bầu dục, ít ai lại tỏ vẻ coi thường các thể chế của tổng thống và chính phủ như ông Trump.
Trước khi rời Nhà Trắng vào trưa ngày 20/1/2021, ông Trump có thể sa thải những ai ông coi là kẻ thù và ân xá cho các đồng minh và nỗ lực đưa ra những luật mới vượt qua ranh giới truyền thống của quyền lực tổng thống.
Giáo sư khoa học chính trị Emily Sydnor tại Đại học Southwestern nói với Bloomberg: "Khi một tổng thống chỉ còn chờ ngày mãn nhiệm, ông ta sẽ ít bị bó buộc trong thực thi quyền lực hành pháp".
Do ông Trump không cần phải đối mặt với cử tri lần nữa, điều duy nhất có thể kìm hãm ông là các truyền thống ứng xử của tổng thống. Nhưng "lịch sử cho thấy truyền thống không có mấy ảnh hưởng đến chính quyền Trump", giáo sư Emily Sydnor nhận định.
Trên cương vị chủ nhân Nhà Trắng, ông Trump từ chối công bố các tờ khai thuế, thúc đẩy Bộ Tư pháp điều tra các đối thủ chính trị, sa thải ba chánh văn phòng trong 4 năm, cân nhắc bỏ rơi các đồng minh tại châu Âu và Thái Bình Dương cùng hàng loạt hành động khác trái ngược với những người tiền nhiệm.
Ông Trump cũng bị luận tội với cáo buộc gây áp lực buộc chính phủ Ukraine bôi nhọ đối thủ Biden.
Sau khi AP và nhiều hãng truyền thông lớn của Mỹ khẳng định ông Biden đã thắng cử, ông Trump tuyên bố sẽ thách thức kết quả tại một số bang tranh chấp, cáo buộc vô căn cứ rằng có gian lận trên diện rộng trong cuộc bầu cử. Tại Nhà Trắng, các phụ tá đã bắt đầu chấp nhận sự thật rằng thất bại của ông Trump rất khó có thể được cứu vãn dù có khởi kiện.
Trong khi đó, ông Trump đã ra tín hiệu rằng có thể ông đang lên kế hoạch trừng phạt những thành viên trong chính quyền đã không gắng hết sức giúp ông trước Ngày bầu cử.
Ông Trump có vẻ đặc biệt giận dữ với các cố vấn y tế, đổ lỗi họ không ủng hộ nỗ lực mở cửa nền kinh tế của ông. Tại cuộc vận động ngày 2/11 ở Florida, ông Trump đã tỏ vẻ đồng tình với đám đông kêu gào sa thải Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ.
"Đừng nói với ai nhé, nhưng tôi sẽ chờ đến sau cuộc bầu cử. Tôi đánh giá cao lời khuyên của các bạn", ông Trump nói.
Tương tự, ông Trump có thể sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper, người từng công khai phản đối ý định của ông.
Tổng thống đã bày tỏ sự thất vọng với Giám đốc FBI Christopher Wray và Bộ trưởng Tư pháp William Barr trong vài tuần trước cuộc bầu cử. Ông Trump nói rằng Bộ Tư pháp lẽ ra phải truy tố những quan chức liên quan đến cuộc điều tra về mối quan hệ khả dĩ giữa Nga và chiến dịch tranh cử của ông năm 2016 trước khi cử tri bỏ phiếu.
Ông Trump công khai ủng hộ các cáo buộc chống lại con trai Hunter Biden của đối thủ Joe Biden xoay quanh các giao dịch của ông Biden với nước ngoài.
Dù Bộ trưởng Barr là đồng minh đáng tin cậy, ông vẫn có thể bị thay thế bởi một người còn sẵn lòng tuân theo các mệnh lệnh của ông Trump hơn. Và nếu Giám đốc FBI Christopher Wray bị sa thải, bộ tư pháp sẽ bị chính trị hóa mạnh hơn nữa.
(Cục Điều tra Liên bang - FBI là cơ quan trực thuộc Bộ Tư pháp, khác với Cơ quan Tình báo Trung ương - CIA chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng thống Mỹ.)
Ông Trump có thể bổ nhiệm cố vấn đặc biệt để điều tra Hunter, đẩy ông Biden vào thế khó.
Ông Biden đã hứa phục hồi sự tách biệt giữa Nhà Trắng và Bộ Tư pháp. Nếu ông can thiệp để ngừng cuộc điều tra, ông có thể vi phạm lời hứa của mình và thổi bùng các cáo buộc rằng ông đang che đậy cho con trai. Nhưng việc cho phép cuộc điều tra tiếp diễn có nguy cơ dẫn đến một vụ bê bối ngay những ngày đầu của nhiệm kì.
Ông Trump cũng có thể dành hai tháng cuối để thi hành quyền ân xá theo những cách gây tranh cãi. Từ trước cuộc bầu cử, ông đã không ngần ngại ân xá và khoan hồng cho các đồng minh chính trị.
Nhưng từ giờ ông Trump có thể mở rộng phạm vi và ân xá cho các đồng minh và cộng sự thân cận đã bị kết tội hoặc có thể bị truy tố, ví dụ như cựu Giám đốc tranh cử Paul Manafort.
Ông Trump thậm chí có thể tìm cách tự ân xá mình trước, ngăn chặn chính quyền ông Biden truy tố ông về các hành vi phạm tội có thể xảy ra.
Các đời tổng thống Mỹ trước đây cũng tận dụng triệt để quyền ân xá trong những tháng cuối nhiệm kì. Chẳng hạn, Tổng thống George H.W. Bush (Bush cha) ân xá đã ân xá cho 6 quan chức liên quan đến vụ bê bối bán vũ khí cho Iran. Tổng thống Bill Clinton cũng ân xá cho chính em trai mình và nhà tài trợ lớn cho Đảng Dân chủ Marc Rich. Tổng thống Obama cũng đề nghị giảm án cho Chelsea Manning - người cung cấp tài liệu mật cho WikiLeaks.
Các quan chức Nhà Trắng nói rằng vắc xin Covid-19 có thể sẽ sẵn sàng trong vài tuần tới. Ông Trump có thể lớn tiếng ca ngợi việc triển khai vắc xin nhằm khắc sâu dấu ấn của mình.
Ông Trump cũng có thể dốc toàn lực để hành động vì những mục tiêu hàng đầu khác trong những ngày cuối cùng.
Nhiều khả năng ông Trump đang rất muốn ra đòn trừng phạt Trung Quốc, do ông cho rằng đại dịch là nguyên nhân khiến ông thất cử. Ông Trump có thể sẽ mạnh tay vì bây giờ ông không cần phải lo lắng về hậu quả kinh tế nữa.
Ông Trump có thể sẽ khuấy đảo thị trường bằng cách tuyên bố hủy niêm yết mọi doanh nghiệp Trung Quốc khỏi sàn giao dịch Mỹ. Ý tưởng này đã được chính quyền của ông cân nhắc từ trước.
Nếu ông Trump muốn tạo ra dấu ấn cuối cùng về mặt lập pháp trước khi rời Nhà Trắng, cơ hội tốt nhất của ông có thể là ngày hết hạn của đạo luật ngân sách duy trì hoạt động của chính phủ đến ngày 11/12.
Dù cả Đảng Dân chủ lẫn Đảng Cộng hòa có lẽ đều muốn hoãn cuộc chiến ngân sách cho đến nhiệm kì của ông Biden, ông Trump có thể đe dọa phủ quyết bất kì đạo luật tài trợ mới nào nếu các nhà lập pháp không đồng ý với các điều kiện của ông. Thậm chí ông Trump có thể buộc chính phủ đóng cửa.
Tác động của việc chính phủ đóng cửa trong lúc số ca nhiễm Covid-19 gia tăng và nền kinh tế vẫn còn yếu ớt sẽ rất lớn. Các chương trình y tế quan trọng có khả năng bị ngưng lại, sự không chắc chắn có thể làm rung chuyển thị trường chứng khoán.