PGBank sẽ sáp nhập vào HDBank năm 2020?

Ban lãnh đạo Tập đoàn Petrolimex (cổ đông lớn nhất tại PGBank) đặt mục tiêu nhận được phê duyệt cuối cùng đối với đề xuất sáp nhập PGBank vào HDBank trong tháng 6/2020.

Tại cuộc gặp gỡ nhà đầu tư diễn ra mới đây, ban lãnh đạo Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã tiết lộ về tiến trình sáp nhập giữa PGBank và HDBank sau hơn 1 năm công bố.

Sẽ sáp nhập PGBank vào HDBank trong năm 2020

Tập đoàn Petrolimex hiện nắm giữ 40% cổ phần tại PGBank, và là cổ đông lớn nhất tại ngân hàng này. Chia sẻ với nhà đầu tư, lãnh đạo tập đoàn kì vọng sẽ nhận được phê duyệt cuối cùng đối với đề xuất sáp nhập hai ngân hàng này vào tháng 6/2020.

Sau khi hợp nhất, Petrolimex sẽ sở hữu 5,8% cổ phần của HDBank, đồng thời ghi nhận khoản lợi nhuận bất thường khoảng 730 tỉ đồng (theo giá hiện tại của HDBank là trên 28.000 đồng/cổ phiếu), giúp lợi nhuận năm 2020 tăng thêm khoảng 15%.

Trước đó, lộ trình thoái vốn tại PGBank đã được Petrolimex xây dựng từ năm 2015 sau khi kí hợp đồng thỏa thuận sáp nhập với Vietinbank. Tuy nhiên, báo cáo tài chính kiểm toán 2017 của Vietinbank cho biết nhà băng này và PGBank đã tạm dừng giao dịch sáp nhập sau gần 2 năm đàm phán.

PGBank sẽ sáp nhập vào HDBank năm 2020? - Ảnh 1.

Công bố từ tháng 4/2018 nhưng đến nay PGBank vẫn chưa thể sáp nhập vào HDBank. (Ảnh: PGBank).

Đến tháng 4/2018, PGBank kí hợp đồng sáp nhập vào HDBank và đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận về mặt nguyên tắc.

Việc sáp nhập giữa hai ngân hàng sẽ được thực hiện thông qua phương thức hoán đổi cổ phiếu. HDBank sẽ phát hành cổ phiếu để hoán đổi lấy toàn bộ số cổ phiếu đang lưu hành của PGBank.

Ước tính và lượng hóa những lợi ích mang lại từ việc sáp nhập, hai ngân hàng sẽ trình ĐHĐCĐ chấp thuận tỉ lệ hoán đổi là 1:0.621 (1 cổ phiếu PGBank đổi lấy 0.621 cổ phiếu HDBank).

Theo ban lãnh đạo PGBank, cả hai ngân hàng đều đã chuẩn bị các công việc cho công tác bàn giao sáp nhập. Tuy nhiên, mốc thời gian hoàn tất không được lãnh đạo hai bên tiết lộ cho tới thông tin mới nhất từ Petrolimex.

PGBank và HDBank đang làm ăn ra sao?

Việc chưa thể sáp nhập đã có những tác động khác nhau tới cả PGBank và HDBank. Trong khi HDBank không chịu nhiều áp lực từ việc chậm sáp nhập thì kết quả kinh doanh của PGBank lại gặp nhiều khó khăn vì thương vụ.

Cụ thể 9 tháng từ đầu năm, tổng thu nhập hoạt động của HDBank vẫn đạt trên 8.044 tỉ đồng, tăng 19%. Trong đó, các nguồn thu chính là tín dụng và dịch vụ đều tăng trên 25%. Kết quả này giúp ngân hàng thu về 3.448 tỉ lợi nhuận trước thuế, tăng 20% so với cùng kì và là số lãi trước thuế cao nhất mà ngân hàng ghi nhận được trong 9 tháng.

Các chỉ số tỉ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) và tỉ suất sinh lời trên tài sản của ngân hàng đạt lần lượt 20,2% và 1,7%, thuộc nhóm các ngân hàng có tỉ suất sinh lời cao nhất. Tỉ suất lãi thuần (NIM) cũng tăng từ 4,3% quý trước lên 4,6% hiện tại.

PGBank sẽ sáp nhập vào HDBank năm 2020? - Ảnh 2.

Ngược lại, dù ghi nhận lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt 164 tỉ đồng, tăng gần 54% nhưng PGBank đạt được kết quả này chủ yếu là nhờ cắt giảm chi phí dự phòng rủi ro từ 294 tỉ cùng kỳ xuống còn 216 tỉ đồng.

Trong khi đó, tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng lại sụt giảm 2%, đạt 782 tỉ đồng. Đà sụt giảm đến ở hầu hết mảng kinh doanh quan trọng như thu nhập lãi thuần giảm gần 3%, lãi hoạt động dịch vụ giảm 35%, mua bán chứng khoán giảm 56%...

Các chỉ số tài chính của PGBank cũng tăng trưởng thấp so với mặt bằng chung của hệ thống. Như cho vay khách hàng từ đầu năm tăng 2,6%, đạt 22.628 tỉ, huy động tiền gửi tăng 4,4%, đạt 24.381 tỉ đồng

Tính đến cuối tháng 9, tổng tài sản của PGBank đạt 30.940 tỉ đồng, tăng 3,5% so với đầu năm.

Dư nợ cho vay tăng 2,6% nhưng tổng nợ xấu của ngân hàng lại tăng 6%, hiện ở mức 694 tỉ đồng. Trong đó, nợ nhóm 5 - nợ có khả năng mất vốn tăng hơn 100 tỉ, chiếm hơn 500 tỉ đồng. Hiện tỉ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tại nhà băng này cũng đạt xấp xỉ 3%.

Ban lãnh đạo ngân hàng này từng thừa nhận, việc sáp nhập với HDBank kéo dài hơn dự kiến đã ảnh hưởng đến công tác phát triển kinh doanh chung cũng như tăng trưởng dư nợ trong năm 2018.

Thậm chí, ảnh hưởng từ thông tin sáp nhập đã khiến 1/4 nhân viên của nhà băng này thôi việc trong năm 2018. Đến cuối năm 2018, tổng số nhân sự làm việc tại nhà băng này là 1.504 người, giảm 108 người. Trong đó, số nhân viên thôi việc là 385 người, và ngân hàng tuyển thêm 284 người.

"Tỉ lệ thôi việc là 23,88%, rất cao so với những năm gần đây do ảnh hưởng của thông tin sáp nhập", báo cáo của PGBank nhấn mạnh.

chọn
Chuyên gia: Không thể giải quyết bài toán nhà ở giá rẻ thông qua cơ chế thị trường
Dưới góc nhìn của Chuyên gia pháp lý bất động sản Nguyễn Văn Đỉnh, trong nền kinh tế chung, sẽ có những người không thể giải quyết bài toán nhà ở thông qua cơ chế thị trường, kể cả với phân khúc giá thấp nhất họ cũng không thể mua được.