Thanh tra Chính phủ vừa có kết luận thanh tra Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng giai đoạn 2011-2015.
Cho phép nhà đầu tư xây dựng trên mặt cống bê tông các ki ốt kiên cố (!?)
Kết luận thanh tra cho biết, tháng 11/2013, UBND tỉnh Bắc Ninh có quyết phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình ngầm hóa kênh Cống Thôn đoạn từ cống Baza đến cống Thềm Long, phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn cùng hệ thống ki ốt trên mặt kênh (108 ki ốt được xây dựng 2 tầng, gồm 3 dãy, mỗi ki ốt có diện tích khoảng 4x12 m) với tổng trị dự án trên 55 tỷ đồng, theo hình thức hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).
Chủ đầu tư là Công ty TNHH Thượng Hải, tổng thời gian là 48 năm, trong đó thời gian thi công là 3 năm và thời gian vận hành khai thác là 45 năm.
Thanh tra Chính phủ đã khẳng định, việc UBND tỉnh Bắc Ninh về duyệt dự án cho phép nhà đầu tư xây dựng trên mặt cống bê tông các ki ốt kiên cố, cao 2 tầng để kinh doanh dài hạn là không đúng quy định. Việc làm này không rõ hình thức BOT khi nhà đầu tư ký hợp đồng nhượng toàn bộ ki ốt cho khách hàng để thu lợi. Tổng Cục thủy lợi cũng đã có văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh về việc này.
Hợp đồng BOT được ký kết ngày 26/7/2014 với nhà đầu tư quy định thời gian xây dựng 1 năm cho khối lượng ngầm hóa 587m kênh, sau đó mới xây dựng ki ốt trong thời gian 2 năm. Nhưng thực tế, đến tháng 6/2015 chủ đầu tư mới thực hiện được khoảng 50% khối lượng ngầm hóa kênh (290/587m) là quá chậm. Mặc dù vậy đã xây dựng 58/108 ki ốt để kinh doanh là vi phạm hợp đồng cũng như tiến độ đã cam kết.
Việc chủ đầu tư xây dựng ki ốt 2 tầng trên mặt kênh đã khiến người dân địa phương rất bức xúc và gửi đơn khiếu nại nhiều lần tới các cơ quan chức năng vì cho rằng có nhiều điểm thiếu minh bạch, cần làm rõ.
Thanh tra Chính phủ cho rằng, dự án trên được UBND tỉnh Bắc Ninh cho phép thời gian hoàn vốn là 40 năm, 3 năm xây dựng, 5 năm kinh doanh (tổng thời gian là 48 năm) là thiếu cơ sở.
Hợp đồng BOT chưa làm rõ được giá trị hạ tầng đầu tư, đơn giá thuê đất, giá phí hàng hóa (ki ốt) nên thời hạn chuyển giao theo quy định của Chính phủ là không rõ ràng.
“Việc xây dựng danh mục dự án, công bố danh mục dự án, lựa chọn nhà đầu tư chưa làm đúng các quy định theo Nghị định của Chính phủ”- kết luận chỉ rõ.
Với những vi phạm đó, Thanh tra Chính phủ đã yêu cầu UBND tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo các sở ngành liên quan rà soát lại thủ tục, hồ sơ của dự án; xác định thời hạn chuyển giao dự án theo đúng quy định của pháp luật, tránh gây thất thoát nhà nước.
Đồng thời, cơ quan thanh tra yêu cầu không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các khách hàng thuê sử dụng ki ốt, chấm dứt việc áp dụng hình thức đầu tư BOT cho chiều dài 278m kênh còn lại.
Một đoạn thuộc dự án cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 295B tỉnh Bắc Ninh. |
Gây thất thoát ngân sách
Tại dự án xây dựng, cải tạo nâng cấp tỉnh lộ 295B được đầu tư xây dựng theo hình thức BT, Thanh tra Chính phủ phát hiện việc giao đất sai quy định cho chủ đầu tư, mặc dù dự án chưa hoàn thành.
Cụ thể, tháng 9/2011, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bắc Ninh ký hợp đồng BT với Công ty TNHH Xây dựng đường 295B triển khai dự án với tổng vốn đầu tư hơn 1.223 tỉ đồng; thời gian thực hiện 36 tháng kể từ ngày khởi công (27/2/2011). Đến tháng 3/2017, nhà đầu tư đã thi công xong lòng đường, giá trị khối lượng đã nghiệm thu 628 tỉ đồng - chậm tiến độ 36 tháng.
Cơ quan thanh tra nhận định, việc chỉ định nhà đầu tư đàm phán trực tiếp hợp đồng dự án là chưa đáp ứng các điều kiện theo quy định của Chính phủ. UBND tỉnh Bắc Ninh thực hiện giao đất dự án cho nhà đầu tư để thanh toán dự án BT có giá trị tiền sử dụng đất lớn hơn giá trị khối lượng công trình BT hoàn thành.
Theo đó, tổng diện tích đất đã giao trên 1,2 triệu m2, trong đó có gần 131.000 m2 đã xác định phải tính tiền sử dụng đất với số tiền 718 tỉ đồng; còn 917.000 m2 đất giao chưa xác định diện tích tính tiền và chưa tính tiền sử dụng đất. Thời điểm đó công trình BT chưa được hoàn thành, nghiệm thu và chuyển giao cho cơ quan nhà nước nên việc làm này vi phạm quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Bắc Ninh đã xác định tiền sử dụng đất đối ứng BT không tuân thủ quy định đấu giá quyền sử dụng đất mà áp dụng phương pháp so sánh để xác định tiền sử dụng đất phải nộp, gây thất thoát ngân sách nhà nước. Đó là chưa kể tiến độ dự án quá chậm, tổng mức đầu tư điều chỉnh nhiều lần làm tang dự toán gây lãng phí ngân sách nhà nước.
Tổng Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức kiểm điểm nghiêm túc đối với các tập thể, cá nhân có liên quan để xảy ra thiếu sót, tồn tại trong quá trình thực hiện dự án và có giải pháp cụ thể để xử lý, khắc phục.