Giáo sư Nawal Taneja
Đó là nhận định của Giáo sư Nawal Taneja (chuyên gia hàng đầu và được đánh giá là “bộ não” ngành Hàng không thế giới) về thị trường hàng không Việt Nam khi ông vừa đặt chân đến Thủ đô Hà Nội chiều qua (10/12).
- Những năm gần đây, đặc biệt là giai đoạn 2014 - 2018, hàng không Việt Nam phát triển nhanh chóng với mức tăng trưởng trung bình hàng năm tới 20,5% hành khách và 13,2% hàng hóa. Ông có ấn tượng với mức tăng trưởng này? Nó có “nóng” không, thưa ông?
Ở một khía cạnh nào đó, Việt Nam là một quốc gia đang phát triển nên hàng không tăng trưởng mạnh là tín hiệu rất tốt. Miễn là các bạn vẫn kiểm soát được sự cạnh tranh và có đủ công suất sân bay thì mọi chuyện vẫn ổn. Rắc rối sẽ chỉ nảy sinh khi có quá nhiều cạnh tranh. Tôi cho rằng, điều mà Chính phủ cần làm là tạo ra sự cạnh tranh có lợi cho người dân và có lợi cho đất nước nhưng không quá nhiều đến nỗi có thể gây tổn hại cho các hãng hàng không. Lúc đó sẽ không ai được hưởng lợi hết.
- Ở Việt Nam, ngoài 5 hãng hàng không đang khai thác còn có một số doanh nghiệp đang chuẩn bị tham gia vào thị trường. Cái được dễ nhận thấy là hành khách sẽ có nhiều sự lựa chọn. Kế đó là gì, thưa ông?
Đúng vậy, thêm hãng, chắc chắn là thêm lựa chọn. Lợi ích rõ ràng là sẽ có giá vé mới, dịch vụ mới, tốt hơn cho người dân. Tuy nhiên, tôi muốn nói là chỉ tốt khi chúng ta duy trì được sự phát triển bền vững. Hãy nhìn những gì diễn ra tại Ấn Độ.
Ấn Độ có rất nhiều hãng hàng không mới và cũng có rất nhiều hãng trong số đó đã phá sản. Mà việc phá sản đó đương nhiên không tạo ra lợi ích gì cho đất nước. Do đó, tôi cho rằng, điều mà chúng ta cần làm là duy trì được sự cạnh tranh có chừng mực, giống như những gì Trung Quốc đang thực hiện. Thị trường của họ có cạnh tranh nhưng không quá nhiều đến nỗi gây bất lợi cho tất cả mọi người.
“Sự cân bằng” có lẽ là tốt hơn cả. Phải có sự cân bằng giữa “những điều mang lại lợi ích cho các hãng hàng không” và “những điều mang lại lợi ích cho người dân”. Bởi, nếu quá nhiều hãng hàng không ra mắt và sau đó đi đến phá sản, điều này cũng không tạo ra lợi ích gì đối với cộng đồng. Phát triển bền vững là điều rất quan trọng.
- Tại Việt Nam, có thời điểm giá vé chặng bay giữa Hà Nội - TP HCM (dài 750 dặm) chỉ khoảng 25USD, thậm chí thấp hơn nhiều so với chi phí chuyến bay. Ông có thể nói gì về điều này?
Điều đó sẽ không mang lại lợi ích gì cả. Hành khách sẽ vui nhưng chỉ trong thời gian ngắn mà thôi.
- Nhưng thực tế giá vé rẻ có thể khiến người dân đi lại bằng đường hàng không nhiều hơn trước kia thay vì phải chọn những phương thức di chuyển khác?
Đúng, nhưng tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa, giá rẻ như vậy chỉ là tạm thời. Các bạn đang khiến chính bản thân mình trở nên ngốc nghếch khi các bạn không mang lại cho họ một giải pháp lâu dài mà lại là một giải pháp ngắn hạn. Liệu các bạn có thể cung cấp vé máy bay dưới giá thành mãi được không, có thể tồn tại nếu cứ bán vé “không đủ bù chi”? Phát triển bền vững mới là quan trọng.
- Theo ông, Việt Nam nên làm gì để đảm bảo có một khuôn khổ bền vững cho sự phát triển của ngành Hàng không?
Chính phủ phải cân bằng giữa nhu cầu của người dân và nhu cầu của các đơn vị khai thác. Chính phủ cũng cần phải cân bằng giữa nhu cầu của đại chúng, nhu cầu của nền kinh tế và nhu cầu của các đơn vị khai thác, cơ sở hạ tầng. Việc cân bằng sẽ tạo ra lợi ích.
Khi nhắc đến giá vé rẻ, đối tượng hưởng lợi sẽ là người dân. Nhưng chúng ta cũng phải xây dựng nền kinh tế. Mối liên kết giữa vận tải hàng không và nền kinh tế là vận tải hàng không có thể giúp nền kinh tế tăng trưởng và ngược lại. Đây là một vòng tuần hoàn. Nền kinh tế của đất nước có ý nghĩa vô cùng quan trọng và hoạt động kinh doanh hàng không là chất xúc tác giúp nền kinh tế phát triển thực sự nhanh chóng.
Máy bay Airbus A350 của Vietnam Airlines. (Ảnh: Thanh Bình)
- Ông đánh giá như thế nào về vai trò của Chính phủ trong phát triển hàng không?
Vai trò của chính phủ là vô cùng thiết yếu. Chính sách của chính phủ, theo tôi, nên là những chính sách có khả năng khai sáng chứ không thể tùy tiện được.
Nhìn sang các quốc gia có nền hàng không phát triển như: Ethiopia, các nước vùng vịnh, các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Dubai, Abu Dhabi và Qatar… rõ ràng, Chính phủ đã kiểm soát rất chặt chẽ các hãng hàng không và sân bay, để đảm bảo mọi thứ đều được cân bằng.
Từ “kiểm soát” nghe không hay cho lắm vì nó khá tiêu cực. Nhưng các bạn phải cân bằng giữa những điều mang lại lợi ích cho các hãng hàng không và những điều mang lại lợi ích cho người dân.
Nếu Việt Nam muốn tăng trưởng bền vững, hãng hàng không, đơn vị khai thác hạ tầng, kiểm soát không lưu đều phải phối hợp và có kiểm soát.
- Cục Hàng không liên bang Mỹ đã phê chuẩn năng lực giám sát an toàn mức 1 (CAT 1) đối với Cục Hàng không VN. Theo ông, các hãng hàng không Việt Nam có nên sớm mở đường bay thẳng đến Hoa Kỳ?
Việc mở đường bay đến Hoa Kỳ không phải là vấn đề “nên hay không” nữa mà là khi nào. Hay nói cách khác, mở đường bay đến Hoa Kỳ là rất cần thiết, phải sớm được triển khai.
Còn để trả lời câu hỏi “khi nào thì hãng hàng không nên mở đường bay đến Hoa Kỳ?”, rất đơn giản, là khi họ đã suy nghĩ thông suốt mọi góc độ, đã thực sự sẵn sàng.
Bay đến Hoa Kỳ phải cân nhắc rất nhiều trên cơ sở tìm hiểu thị trường, tiếp thị, tần suất bay. Lượng người Việt đang sống ở Hoa Kỳ không nhỏ. Có hơn 1 triệu người Việt Nam đang sinh sống tại Hoa Kỳ. Họ có nhu cầu đi lại nên bạn hãy cho họ một lý do mà họ sẽ rất tự hào khi bay với một hãng hàng không Việt.
- Vấn đề khó khăn các hãng hàng không sẽ gặp phải khi bay từ Việt Nam tới Hoa Kỳ là gì?
Bay từ Việt Nam đến Hoa Kỳ là một chuyến bay rất dài, đòi hỏi loại máy bay đặc biệt với chi phí rất đắt đỏ. Nếu bạn có 2 máy bay có thể bay chặng này là bạn đã có thể mở đường bay. Tuy nhiên, thực tế là bạn sẽ cần nhiều hơn 2 chiếc bởi nếu 1 trong 2 chiếc gặp sự cố, bạn không có gì trong tay. Do đó, sự chuẩn bị phải hết sức kỹ càng, đảm bảo rằng bạn phải có khả năng cung cấp những gì bạn đã hứa. Bạn không thể cung cấp dịch vụ không đạt chuẩn. Bạn không thể hứa quá lên và cung cấp dịch vụ kém cỏi. Do đó, trước khi mở đường bay quan trọng này, hãy xem xét thật kỹ ở mọi góc độ phương tiện, nhân, vật lực, tài chính, thị trường, tiếp thị… và quyết định xem mình đã thực sự sẵn sàng chưa.
- Ông có lời khuyên nào cho các hãng hàng không Việt Nam khi mở đường bay đến Hoa Kỳ?
Mở đường bay Việt Nam - Hoa Kỳ, trước hết phải là đường bay thẳng, không điểm dừng. Nếu bay quá cảnh, các bạn khó cạnh tranh được khi đã có quá nhiều hãng đang khai thác tới Hoa Kỳ từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore hay Đài Loan.
Do đó, tôi cho rằng, điều quan trọng đầu tiên với một hãng hàng không Việt Nam khi mở đường bay đến Hoa Kỳ phải là bay thẳng. Điều thứ hai, tần suất chuyến bay phải nhiều chứ không thể chỉ hai hoặc ba chuyến một tuần.
Kế đó, các chuyến bay thẳng từ cả Hà Nội và TP HCM cần bắt đầu với một thành phố tại Hoa Kỳ, triển khai thật hoàn hảo, sau đó mới mở rộng ra các thành phố khác. Nếu các bạn khai thác các chuyến bay đến hai thành phố khi mới bắt đầu, đây không phải là một phương án bền vững.
Ngoài cung cấp dịch vụ, các bạn cũng cần phải xây dựng một thương hiệu mạnh. Các hãng hàng không Việt Nam chưa được nhiều người biết đến tại Mỹ vậy nên nếu muốn thành công, các bạn sẽ phải phát triển thành một thương hiệu mạnh, một thương hiệu toàn cầu và cần nhiều điều hơn nữa chứ không chỉ đơn thuần là cung cấp dịch vụ hàng không.
- Cảm ơn ông!
Sáng nay (11/12), tại Hà Nội, Bộ GTVT tổ chức Tọa đàm "Hàng không Việt Nam: Cơ hội và thách thức".
Buổi tọa đàm có sự tham gia của lãnh đạo Bộ GTVT, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế T.Ư, Cục trưởng Cục Hàng không VN Đinh Việt Thắng, Tổng giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành, Chủ tịch HĐQT TCT Cảng Hàng không VN Lại Xuân Thanh, Phó tổng giám đốc Vietjet Air Đinh Việt Phương và đặc biệt là Giáo sư Nawal Taneja - chuyên gia quốc tế, được mệnh danh là "bộ não của hàng không thế giới" sẽ cùng nhau trao đổi những vấn đề nóng của hàng không Việt Nam.
Các chuyên gia sẽ làm rõ việc tăng trưởng của thị trường thời gian qua là "nóng hay không nóng", vấn đề quản lý nguồn nhân lực bao gồm cả phi công và thợ máy, cách nào để tránh "chảy máu chất xám" hay việc làm thế nào để thị trường cạnh tranh lành mạnh, phát triển bền vững?...
Một trong những vấn đề được quan tâm nhất hiện nay là mở đường bay thẳng đến Mỹ sẽ được thảo luận kỹ càng, làm rõ những rào cản pháp lý, kỹ thuật, công nghệ, an toàn an ninh hàng không và cả bài toán kinh tế khi mở đường bay thẳng đến thị trường quan trọng này.
Theo thống kê từ Cục Hàng không VN, giai đoạn 2014-2018 thị trường vận tải hàng không Việt Nam có sự tăng trưởng cao, liên tục với mức độ tăng trưởng trung bình giai đoạn là 20,5% về hành khách và 13,2% về hàng hoá.
Năm 2019, thị trường hàng không Việt Nam đón nhận thêm hãng hàng không mới Bamboo Airways đi vào khai thác từ ngày 16/1/2019. Tốc độ tăng trưởng của thị trường năm 2019 dự báo tiếp tục được duy trì ở mức hai con số với mức độ tăng trưởng 11,8 về hành khách và 3% về hàng hóa so với năm 2018. Tổng vận chuyển hành khách đạt 78,3 triệu khách và vận chuyển hàng hóa đạt hơn 1,25 triệu tấn.
Dự báo, năm 2020, tổng thị trường đạt 86,8 triệu khách, tăng 10,8% so với năm 2019; đạt xấp xỉ 1,4 triệu tấn hàng hóa, tăng 11% so với năm 2019.