Nằm ở vị trí địa lý hết sức thuận lợi, Đông Nam bộ là vùng kinh tế trọng điểm, đầu mối giao lưu quan trọng của các tỉnh, thành phía Nam với cả nước và quốc tế. Tuy nhiên, những hạn chế, bất cập về hệ thống giao thông kết nối thời gian qua đang là trở ngại lớn kìm hãm sự phát triển chung. Do vậy, các tỉnh, thành trong vùng cần phối hợp chặt chẽ tìm ra nhiều giải pháp giải quyết “điểm nghẽn” giao thông kết nối liên vùng, thúc đẩy Đông Nam bộ phát triển thành vùng động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước.
Nhiều bất cập về giao thông kết nối
Đông Nam bộ bao gồm TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 chỉ rõ “điểm nghẽn” ảnh hưởng đến liên kết vùng Ðông Nam bộ chính từ mạng lưới kết cấu hạ tầng cấp vùng, liên vùng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối nội vùng và liên vùng còn thiếu, chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến sự phát triển và sức lan tỏa của vùng.
Theo quy hoạch, TP Hồ Chí Minh có năm trục đường bộ và ba tuyến vành đai kết nối với vùng Ðông Nam bộ. Tuy nhiên, hiện nay ngoài trục Quốc lộ 1 được đầu tư cơ bản theo quy hoạch, cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây hoàn thành giai đoạn 1, cao tốc Bến Lức - Long Thành đang được đầu tư thì các trục kết nối còn lại hiện chưa được nâng cấp mở rộng theo quy hoạch.
Các dự án đường cao tốc song hành đều chậm triển khai. Các tuyến vành đai 2, 3, 4 chưa được xây dựng cũng như khép kín. Ðây là nguyên nhân các cửa ngõ và trục kết nối TP Hồ Chí Minh và các địa phương lân cận thường xuyên tắc nghẽn, đặc biệt vào giờ cao điểm.
Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh cho biết, nguyên nhân lớn nhất là cơ chế liên kết vùng còn lỏng lẻo, hình thức, chưa có thể chế dẫn dắt, mỗi địa phương làm một kiểu, manh mún, chưa đồng bộ. Ðiều này không chỉ gây ra sự quá tải về giao thông tại các tuyến đường cửa ngõ mà còn ảnh hưởng sự phát triển kinh tế của từng địa phương và cả vùng.
Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải thuộc nhóm cảng biển có tốc độ tăng trưởng nhanh trên thế giới, với mức tăng khoảng 22%/năm, vẫn đang gặp bất cập về hệ thống giao thông kết nối cảng với các khu, cụm công nghiệp trong vùng, trong đó, tuyến quốc lộ 51 hiện là tuyến đường bộ duy nhất nối Bà Rịa - Vũng Tàu với các tỉnh, thành trong vùng Đông Nam Bộ.
Dù dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đang được gấp rút triển khai các thủ tục để sớm khởi công nhưng vẫn rất cần thiết xây dựng một tuyến đường sắt kéo dài từ Biên Hòa qua Cái Mép. Ðại diện các cảng lớn trong cụm cảng như: CMIT, Tân Cảng Cái Mép, Gemalink… cũng khẳng định những hạn chế về giao thông đang là “điểm nghẽn” cản trở sự phát triển của cụm cảng nước sâu này.
Bên cạnh đó, hệ thống cảng Sài Gòn (Tân Cảng Cát Lái, Cái Mép, Hiệp Phước...) đóng vai trò là cửa ngõ của miền Nam trong các hoạt động ngoại thương, đứng trong top 20 cảng lớn nhất thế giới năm 2020. Tuy nhiên, thực tế hạ tầng giao thông lại chưa tăng kịp theo tốc độ tăng trưởng, dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông, nhất xung quanh khu vực cảng.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Logistics TP Hồ Chí Minh Đặng Minh Phương, cảng Cát Lái quy hoạch tiếp nhận 3 triệu Teus/năm nhưng thực tế tiếp nhận là 5 triệu Teus/năm và trong xu hướng gần là lên đến 8 triệu Teus/năm. Do vậy, giao thông quanh khu vực cảng luôn trong tình trạng ùn tắc nghiêm trọng, làm tăng chi phí hoạt động của doanh nghiệp logistics, giảm năng lực cạnh tranh của ngành.
Nằm giáp với tỉnh Đồng Nai, địa phương phát triển công nghiệp mạnh bậc nhất cả nước, nhưng Bình Phước lại chưa có tuyến đường nối với Ðồng Nai dù hệ thống giao thông khá hoàn thiện. Hiện nhiều doanh nghiệp ở Ðồng Nai mở rộng sản xuất và đặt nhà máy gia công tại Bình Phước, nhưng các doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà vì tuy khoảng cách địa lý không xa nhưng thiếu các cung đường kết nối, đẩy chi phí vận chuyển tăng cao. Điều này làm giảm sức hấp dẫn trong thu hút đầu tư của tỉnh Bình Phước.
Phối hợp thực hiện các giải pháp
Theo lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh, cần có sự phối hợp và điều phối chung trong công tác quy hoạch của các địa phương, quy hoạch vùng và triển khai các dự án hạ tầng giao thông kết nối. Từ định hướng của Nghị quyết về thí điểm cơ chế đặc thù, TP Hồ Chí Minh chủ động phối hợp với các địa phương để xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và vận hành cơ chế liên kết, điều phối, cũng như nghiên cứu đề xuất cơ chế đặc thù phát triển vùng,...
Thực tế, Bộ Giao thông Vận tải đã có nhiều kế hoạch để phát triển hạ tầng giao thông liên kết vùng Đông Nam bộ và các vùng phụ cận, dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư lên đến trên 400.000 tỷ đồng. Riêng trong giai đoạn 2021 - 2026, tập trung đầu tư hoàn thành các tuyến đường bộ cao tốc quan trọng có tính chất liên vùng và kết nối với sân bay quốc tế Long Thành, cảng Cái Mép - Thị Vải như: Đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh (92 km); các tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết (52km thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai), Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 (54 km), Bến Lức - Long Thành (58 km); mở rộng tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Nâng tổng số km đường bộ cao tốc trong vùng Đông Nam Bộ lên khoảng 348 km.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, cần tập trung vào một số giải pháp; trong đó có việc đổi mới tư duy, tầm nhìn, phát huy sự năng động, sáng tạo của các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ trong công tác quy hoạch, quản lý, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác, liên kết nội vùng, liên vùng trong quản lý, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông để tạo không gian kinh tế thống nhất, khắc phục các điểm nghẽn, tăng năng lực cạnh tranh.
Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho rằng, để việc liên kết vùng Đông Nam bộ hiệu quả hơn cần các yếu tố như tổ chức, cơ chế, nguồn lực và thống nhất quan điểm của các địa phương trong vùng. Không chỉ phát triển giao thông đường bộ mà cần tận dụng tiềm năng và phát triển tất cả các mạng lưới giao thông kết nối như đường không, đường thủy, đường sắt.
Từ nay đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng lên kế hoạch tập trung chủ yếu vào phát triển hệ thống giao thông kết nối. Thứ nhất, về đường bộ khởi công tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu vào đầu năm 2023 và dự kiến hoàn thành cuối năm 2025.
Thứ hai, đường Vành đai 4 TP Hồ Chí Minh; trong đó có đoạn qua Bà Rịa - Vũng Tàu đang trình Chính phủ phê duyệt dự án tiền khả thi, sau đó chuẩn bị các thủ tục pháp lý để triển khai đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) vào năm 2024 và dự kiến kết thúc vào năm 2030, đồng bộ với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An và Tp. Hồ Chí Minh khai thác toàn bộ đường Vành đai 4.
Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Bà Rịa - Vũng Tàu Lương Anh Tuấn cho biết, giao thông kết nối (liên tỉnh, liên vùng) được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xác định là vấn đề sống còn trong phát huy và khai thác hết tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Riêng dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao khả năng kết nối, rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa từ các khu kinh tế, công nghiệp lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với cụm cảng biển Cái Mép - Thị Vải. Qua đó, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt là khi kết hợp cùng sân bay quốc tế Long Thành.
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.