Chú búp bê được sang Thái Lan “chuyển giới” của Lê Hoàng Nhật. (Ảnh: Như Hùng).
Sài Gòn, tháng 4, nóng như nung. Những cô gái trẻ trung lẫn phụ nữ tuổi ngũ, lục tuần và cả mấy người cha địu con... mải mê trong "chợ phiên thần tiên" đặc biệt trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1.
Trong không gian quán cà phê, 15 gian hàng được bày biện ngồn ngộn hàng hóa là... búp bê. Khung cảnh chẳng khác gì "phiên chợ thần tiên" mà khách hàng dù tuổi trăng rằm hay 50, 60 cũng đều trông "rất ngây và rất thơ".
Và trong thế giới búp bê này, không ai xa lạ bà Bùi Thị Mỹ Liên - dược sĩ về hưu, khách hàng VIP, sở hữu nhiều búp bê nhất. Bà Liên (59 tuổi, Q.Bình Thạnh) cũng không nhớ rõ mình mê búp bê từ bao giờ, nhưng từ ngày có những "phiên chợ thần tiên" bà không lần nào vắng mặt. Nhiều người nhầm lẫn bà đến đây... vì cháu mình.
Người phụ nữ gốc Huế này, cầm trên tay búp bê Barbie, cười tươi: "Từ thời ăn bo bo khổ sở, tôi đã chơi búp bê và mê mệt luôn đến tận đầu bạc. Kỷ niệm nhất là hồi nhỏ tôi có "một bé" bị mất tay chân, thất lạc. Nhưng nhiều năm sau, khi lùng mua búp bê cổ, vô tình tôi gặp lại đúng "cô bé" ngày xưa mà mình không thể nào quên!".
Đam mê búp bê không tuổi tác.
Bà Liên kể mình có đến 1.000 búp bê của những dòng như Paula, Barbie... với nhiều phiên bản khác nhau. Có phiên bản rất xịn với giá cả 50 triệu đồng. "Tôi thì chưa có con búp bê nào giá tiền tỉ, nhưng "các bé" của tôi thì tiền tỉ không thể mua được, nó là vô giá. Tôi chỉ sưu tập, chứ không bao giờ bán" - bà Liên tâm sự.
Tự thiết kế trang phục cho "con", bà Liên mê âm nhạc nên búp bê nào của bà cũng gắn nhạc cụ. Yêu búp bê đến độ ngày đám cưới con trai, bà tặng con dâu bộ sưu tập 7 con búp bê mặc váy trắng đẹp nhất để trưng bày ngay bàn đón khách.
Ngồn ngộn hàng hóa... búp bê.
Cũng độ tuổi bà Liên, hai chị em bà Nguyễn Lan Hương (55 tuổi) và Nguyễn Phương Dung (45 tuổi, ở Q.Bình Thạnh) người hồ hởi tay xách nách mang những "cô bé" mua được ở chợ phiên, người thì tay dắt cháu ngoại nhỏ tuổi để cùng... "giành nhau" mua búp bê.
Tay vuốt tóc "bé" Musha Nhật ở gian hàng này, mắt nhìn Barbie được "make up" kiểu Tây ở gian hàng bên kia, bà Hương vui vẻ: "Tôi chơi búp bê gần 9 năm nay rồi. Ban đầu chỉ mua chiều cháu ngoại, nhưng sau lại "sa ngã". Mỗi lần có chợ phiên như vầy, bà cháu "bay tưng" mất 20 triệu đồng".
Anh Nguyễn Văn Quý địu con cùng vợ đến hội chợ búp bê.
Bà xã cứ lọ mọ chải chuốt búp bê, cứ đếm từng ngày trông đến chợ phiên. Thôi thì mình chiều. Lành mạnh và vui mà.
Anh Nguyễn Văn Quý
Xưa nay búp bê bé gái luôn được "chiều" nhất, nhưng hiện có người chỉ mê búp bê bé trai. Chuyện sang Thái Lan... chuyển giới tính cho búp bê là hoàn toàn có thật.
Trong hàng trăm búp bê ở chợ phiên, độc nhất là "anh" búp bê trên gian hàng của Lê Hoàng Nhật, hướng dẫn viên du lịch. Một người bạn đỏ mắt tìm búp bê nam ở VN, làm hướng dẫn viên du lịch bên Thái Lan, Nhật biết có thể "chuyển giới" cho búp bê.
"Lần đầu, tôi đích thân mang sang Thái Lan một búp bê bé gái cằm V-line, mắt ướt, tóc dài để chuyển giới. Hai tháng sau, hàng trả về là một bé trai từ mắt đến tóc, tay chân cơ bắp khỏe mạnh" - Nhật cười kể chuyện.
Mẹ và con cùng mê búp bê.
Giá mỗi lần "chuyển giới" trung bình 5 triệu đồng cho "body" búp bê. Nhưng cũng tùy mức độ chuyển đổi, nếu làm mắt xịn như mắt đá, thủy tinh hay kiểu tóc Bob, Undercut, da trắng, sôcôla, rám nắng... thì giá sẽ thay đổi.
Anh Nhật kể cũng có lần dở khóc dở cười khi "chuyển giới" búp bê. Anh từng hồi hộp đợi rất lâu khi mang sang Thái Lan một búp bê để biến thành bé trai. Nào ngờ họ "phẫu thuật" thành búp bê "pêđê" không ra nam mà cũng chẳng nữ.
Cùng đam mê búp bê, nhưng có người chỉ muốn sưu tầm các "bé" có... giấy khai sinh, được "gả bán" rõ ràng. Đi khắp các gian hàng, chị Ánh Thân (40 tuổi, Q.1) dừng lại trước búp bê dòng Bokka, sản xuất năm 2017 và nghe quảng cáo chỉ có một ít ra thị trường.
"Tôi chỉ chơi búp bê có khai sinh đầy đủ, rõ giấy tờ, xuất xứ. Loại này rất đắt, sản xuất có hạn. Như "bé" này chưa tính trang phục giá đã 5 triệu đồng" - chị Thân nói.
Hội chợ búp bê được tổ chức mỗi tháng vào ngày thứ bảy của tuần đầu tiên. Chị Vũ Thị Thanh Thảo được xem là người mở đường cho "phiên chợ thần tiên" tại Sài thành.
Kể từ phiên chợ đầu tiên vào tháng 9-2018, đến nay đã có 7 phiên chợ búp bê được diễn ra. Chị Thảo tâm sự: "Ở Sài Gòn, những người mê búp bê không có sân chơi, chơi riêng lẻ thì bị thị phi như nói mình có vấn đề, chưa kể họ phán chuyện tâm linh bậy bạ... Nên tôi kết nối hội chợ để có chỗ giao lưu đàng hoàng và vui vẻ với nhau".
Nâng niu búp bê mua được.
Ôm khư khư "cô bé" dòng Paula, tóc đen mượt trong chiếc váy len kẻ, chị Phạm Thị Kiều Nga (từ Q.5 sang) chau mày nói: "Tôi mới cự bạn khi nói tuổi này còn chơi búp bê. Vì tôi đến đây là thỏa mãn đam mê, giảm stress sau nhiều áp lực".
Cũng gửi con cho ông bà ngoại, chị Giang (quê Hà Nội) đến phiên chợ như đi... nạp pin. Trước đây vì theo chồng về Quảng Ninh, chị tạm ngừng thú vui này. Sau gia đình lập nghiệp ở TP.HCM, chị lại thỏa sức... "bung lụa". "Được quay lại đam mê này tôi sung sướng lắm. So với nhậu nhẹt, vũ trường, tôi chơi búp bê lành mạnh hơn và làm hứng khởi tinh thần rất nhiều" - chị Giang cười tươi.
Thú chơi không rẻ tiền
Búp bê có nhiều dòng, phổ biến như Disney, Martel, FR, Barbie, Paula... Giá búp bê "nude" thấp nhất cũng cỡ 1 triệu đồng, chưa tính chi phí "thổi hồn" và hoàn thiện.
"Mua búp bê thô về, người chơi thường đi vẽ mặt lại như trang điểm, gọt cằm, làm môi, đính răng giả, tạo lúm đồng tiền, nhuộm tóc... Người sao thì búp bê y chang vậy. Chọn người trang điểm mặt đẹp giá gần 2 triệu đồng. Nhuộm tóc bằng thuốc tốt tầm 1 triệu đồng. Trang phục dạ hội thì giá cao ngất. Tính ra một búp bê có hồn, người chơi có khi mất gần 10 triệu đồng" - chị Thảo kể.
Ngoài ra, còn có những búp bê đặc biệt giá đến hàng chục ngàn đôla Mỹ như búp bê gốm sứ Enchanted Doll được nghệ nhân Nga làm hoàn toàn thủ công.