Ngày 20/2, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã khai mạc phiên họp thứ 7.
"Một số địa phương đã đến giới hạn đỏ"
Một trong những nội dung của phiên họp lần này chính là Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH14.
Liên quan đến Tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (ATTP) (Điều 317 của BLHS năm 2015), có ý kiến cho rằng, cần bổ sung định lượng vào điểm a và điểm b khoản 1 Điều 317 nhằm tránh việc xử lý hình sự quá rộng.
Một số ý kiến khác lại đề nghị không sửa điều này để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về ATTP đang xảy ra phổ biến hiện nay.
Tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, vấn đề ATTP là rất bức xúc hiện nay. Đó cũng là lý do Quốc hội lựa chọn an toàn thực phẩm là chuyên đề giám sát tối cao. Qua giám sát cho thấy, vấn đề ATTP ở mức độ báo động, một số địa phương đã đến giới hạn đỏ.
Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển (Ảnh: VTC) |
Ông Phùng Quốc Hiển dẫn ra các ví dụ về các vụ ngộ độc thực phẩm mới đây ở Lai Châu khiến 8 người chết, 27 người nhập viện; ở Hà Giang hơn 60 người ngộ độc thực phẩm…
Theo vị Phó Chủ tịch Quốc hội này, Ủy ban Tư pháp đang hướng sửa đổi Điều 317 theo hướng giảm nhẹ đi và bày tỏ lo ngại nếu theo quy định trong dự thảo luật sửa đổi sẽ không xử lý được ai.
Vì thế, ông Phùng Quốc Hiển đề nghị giữ nguyên khoản 1 Điều 317 như bộ luật cũ. Theo đó, hành vi vi phạm đã bị xử lý vi phạm hành chính mà tiếp tục vi phạm thì sẽ xử lý hình sự.
Tán thành với ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng việc quy định về các tội vi phạm quy định ATTP phải tránh tràn lan.
Các quy định này cần tập trung vào các đối tượng cố ý vi phạm quy định về ATTP nhằm thu lợi bất chính lớn hoặc gây hậu quả trên diện rộng, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, đặc biệt phải xử lý nghiêm đối với các trường hợp cố tình sử dụng chất cấm trong lĩnh vực thực phẩm.
Bên cạnh đó, theo vị Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật, Chính phủ cũng cần phải có ý kiến thống nhất, chính thức về nội dung này để trình ra Quốc hội.
Hai phương án về phạm vi chịu TNHS của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi
Cũng tại phiên họp ngày hôm nay, liên quan đến vấn đề phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, trình bày báo cáo của Ủy ban Tư pháp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết so với BLHS năm 1999 thì BLHS năm 2015 đã hình sự hóa theo hướng nặng hơn đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi về 3 tội danh.
Đó là các tôi: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, Tội hiếp dâm và Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.
Cụ thể, ngoài việc phải chịu trách nhiệm hình sự về tội rất nghiêm trọng do cố ý và tội đặc biệt nghiêm trọng thì những người này còn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng ở 3 tội danh này.
Theo bản báo cáo, quy định này là chưa phù hợp với chính sách hình sự của Nhà nước ta từ trước đến nay và xu hướng chung của quốc tế.
Tuy nhiên, kết quả thăm dò ý kiến ĐBQH tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, có 266/397 ĐBQH lại đồng ý với phương án vẫn cần thiết xử lý người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi về cả trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng và tội nghiêm trọng ở 03 tội danh trên.
Vì vậy thường trực Ủy ban Tư pháp trình Ủy ban thường vụ Quốc hội hai phương án.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại phiên họp (Ảnh: quochoi.vn) |
Phương án 1 là giữ như quy định của BLHS năm 2015, theo đó đối với 03 tội: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, Tội hiếp dâm và Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về cả tội ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.
Trong khi đó, phương án 2 là giữ như dự thảo Chính phủ trình, theo đó người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về loại tội rất nghiêm trọng do cố ý và tội đặc biệt nghiêm trọng đối với 03 tội danh trên.
Cho ý kiến về vấn đề này, ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm UB Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tán thành phương án 2 của giải trình của Ủy ban Tư pháp và cho rằng theo công ước về quyền trẻ em của Liên Hợp Quốc, tuổi trẻ em được xác định là dưới 18 tuổi.
Dưới tuổi này, về hình thái có thể các em phát triển nhưng thần kinh lại chưa hoàn toàn phát triển đầy đủ. Do đó chưa có sự nhận thức và kiểm soát hoàn toàn đầy đủ hành vi.
Bên cạnh đó, các biện pháp xử lý đối với các em chưa thành niên phải nhìn đến tương lai của các em. Liệu có chắc chúng ta điều chỉnh được hành vi sau khi đưa vào môi trường trại giam hay không.
Ông Phan Thành Bình cũng cho rằng để có cơ sở chính xác và thuyết phục trong việc quy định tội phạm cần có thống kê số lượng trẻ em phạm tội, trong các tội phạm nghiêm trọng có bao nhiêu phần trăm là trẻ em... thay vì nhận định chung chung về hiện tượng trẻ hóa tội phạm để tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với các em.
Tại phiên họp, có cùng quan điểm với ông Phan Thành Bình, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cũng cho rằng trong hai phương án Ủy ban Tư pháp đưa ra thì phương án 2 là phù hợp với tinh thần nhân đạo của Hiến pháp 2013, chính sách thu hẹp đối tượng chịu trách nhiệm hình sự và xu hướng quốc tế.
Phiên họp Thường vụ Quốc hội kỳ này sẽ kéo dài trong 2 ngày (từ ngày 20 đến ngày 21/2).
Trong phiên họp này, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của 2 dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến: dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH14 và dự án Luật Thủy lợi. Đồng thời, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về chế độ và các điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu Quốc hội. Bên cạnh đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về một số nội dung để làm cơ sở cho Chính phủ triển khai thực hiện, trong đó gồm có danh mục dự án và mức bố trí vốn cụ thể cho từng dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016- 2020; cho ý kiến về việc ban hành nghị định của Chính phủ về một số cơ chế, chính sách, tài chính-ngân sách đặc thù đối với đối với thành phố Hồ Chí Minh; cho ý kiến về việc cho phép áp dụng hệ số đặc thù ưu tiên phân bổ vốn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016- 2020 đối với các xã vùng đồng bằng sông Cửu Long;... |