Để thuận tiện cho việc đi lại cũng như tham quan của người dân tại phố đi bộ sở GTVT đã bố trí 78 điểm trông giữ xe ô tô, xe đạp, xe máy với diện tích 17.380m2. Riêng đối với xe đạp, xe máy có tới 54 điểm gửi xe xung quanh các tuyến phố đi bộ,
Tại các địa điểm trông giữ xe, giá trông xe đạp điện, xe máy điện là 2.000 đồng/lượt (ban ngày), 3.000 đồng/lượt (ban đêm); Giá trông xe máy 3.000 đồng/lượt (ban ngày), 5.000 đồng/lượt (ban đêm).Giá trông giữ xe ôtô dưới 9 chỗ là 30.000 đồng/lượt, trên 10 chỗ là 40.000 đồng/lượt (mỗi lượt 120 phút).
Tuy nhiên, trong 2 ngày 2/9 và 3/9 do lượng người đổ về khu vực các tuyến phố đi bộ quá đông, nhiều điểm trông giữ xe của chính quyền quá tải và luôn trong tình trạng không còn chỗ trống, nhiều điểm trông giữ xe tự phát mọc lên.
Các điểm trông xe của chính quyền luôn trong tình trạng chật kín.(Ảnh Chí Duy) |
Phải rất vất vả mới có thểm tìm được một chỗ gửi xe quanh khu vực phố đi bộ. Theo tìm hiểu của phóng viên khu vực Phố Cầu Gỗ và Phố Đinh Liệt là nơi có nhiều bãi xe tự phát nhất kèm theo đó là giá trông giữ xe cao nhất so với các khu vực xung quanh.
Điều này có thể lí giải là do hai con phố này nằm giữa khu vực đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm và khu vực đi bộ trên phố cổ, giá vé gửi xe dao động từ 40-50.000 đồng (cao gấp 5 đến 10 lần giá quy định), trên phố Đinh Lễ còn có nơi nhận trông xe theo giờ cứ mỗ giờ họ sẽ thu của người gửi 20.000 đồng.
Phố Cầu Gỗ và phố Đinh Lễ mọc lên nhiều bãi trông giữ xe tự phát.(Ảnh Chí Duy) |
Anh Trương Bá Duy nhà ở Ba Đình (Hà Nội) cho biết: "Hôm nay đưa cả nhà lên đây chơi, biết là sẽ có tình trạng chặt chém giá trông giữ xe nên tôi đã cẩn thận hỏi trước thì được trả lời cũng như những nhà khác nên yên tâm cho xe vào, đến khi lấy vé xong xuôi họ mới nói giá gửi xe là 40.000 đồng. Tôi thắc mắc thì họ bảo nhà bên cạnh cũng vậy, xung quanh đây đều như thế cả, ghi vé rồi thì phải trả tiền. Vì không muốn vợ con mất vui nên tôi cũng tặc lưỡi cho qua".
Cũng như anh Duy chị Thanh (23 tuổi) ở Thanh Xuân cho biết: "Lúc gửi xe thấy người trông xe mặc quần áo bảo vệ lại ở trươc cửa siêu thị nên nghĩ là điểm trông xe của chính quyền, thế là tôi yên tâm gửi xe ở địa chỉ 63 phố Cầu Gỗ đến khi đi chơi về thanh toán tiền họ đòi tới 30.000 đồng cho hơn 1 tiếng gửi xe. Thực sự tôi rất bức xúc nhưng cũng đành trả tiền chứ biết làm sao".
Người đàn ông áo xanh dắt xe cho khách và thu 50.000 đồng một xe.(Ảnh Chí Duy) |
Trước cửa số nhà 116 phố Cầu Gỗ là điểm gửi xe của chính quyền với giá niêm yết là 5000 đồng vào buổi tối đối với xe máy nhưng ngay bên cạnh ở địa chỉ 110-114 Cầu Gỗ là điểm trông giữ xe tự phát do 2 người đàn ông trông coi, giá mà người dân phải trả cho 2 người đàn ông này là 50.000 đồng một xe.
Một tấm vé trông giữ xe không hề có thông tin rõ ràng có giá 50.000 đồng.(Ảnh Chí Duy) |
Các tuyến phố xung quanh như Hàng Bạc, Hàng Buồm, Lương Văn Can,... cũng có rất nhiều điểm trông xe tự phát và có giá chung là 20.000 - 30.000 đồng.
Ngòai việc nở rộ các bãi gửi xe tự phát tha hồ chặt chém người dân thì việc số lượng người đổ về tham quan phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm quá đông cũng gây ra tình trạng quá tải tại các nhà vệ sinh công cộng do chỉ có 3 nhà vệ sinh xung quanh hồ.
Người xếp hàng dài bên ngoài các nhà vệ sinh công cộng.(Ảnh Chí Duy) |
Chờ đợi khá lâu để đến lượt đi vệ sinh.(Ảnh Chí Duy) |
Trước đó ngày 31/8 ông Đinh Hồng Phong - Phó chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, để tạo điều kiện cho người dân, chính quyền quận sẽ khảo sát, vận động nhà hàng, khách sạn và các hộ dân xung quanh bờ hồ bố trí điểm vệ sinh miễn phí cho khách và sẽ có bảng hướng dẫn để ở ngoài. Nhưng theo quan sát của phóng viên Việt Nam Mới xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm rất khó để tìm thấy những tấm biển hướng dẫn khu vệ sinh miễn phí.
Rất khó để tìm thấy những tấm bển hướng dẫn khu vệ sinh miễn phí như thế này.(Ảnh Chí Duy) |
Mong rằng trong thời gian tới phía chính quyền quận Hoàn Kiếm cũng như TP Hà Nội sẽ có những thay đổi phù hợp và tích cực hơn nhằm đem lại một không gian đi bộ thoải mái cho người dân tới tham quan cảm thấy dễ chịu và thuận tiện hơn.