Hiện trường vụ cháy quán karaoke số 68 Trần Thái Tông, Cầu Giấy, Hà Nội |
Những người liên quan đến vụ cháy đều đang phải trả giá cho những gì mình gây ra, song ký ức kinh hoàng về vụ cháy vẫn ám ảnh trong tâm trí của nhiều người dân Thủ đô.
Ám ảnh kinh hoàng
Khoảng 14h chiều 1/11/2016, lửa bất ngờ bùng lên dữ dội tại quán karaoke Lộc Phát, số 68 Trần Thái Tông. Đám cháy nhanh chóng lan sang 3 ngôi nhà bên cạnh. Đến 17h cùng ngày, đám cháy mới cơ bản được khống chế.
Có mặt tại hiện trường vụ cháy khi đó, PV Báo Giao thông ghi nhận, để phun nước làm mát và dập tắt hoàn toàn, cảnh sát phải dùng rìu phá các lớp tôn chắn mặt tiền của quán karaoke.
Đồng thời, thay nhau tiếp cận điểm cháy ở các tầng cao bằng xe thang và sử dụng vòi phun nước vào bên trong các ngôi nhà cháy.
4 ngôi nhà nơi xảy ra cháy đều đang kinh doanh nhà hàng, karaoke. Đích thân Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, Giám đốc Công an TP Đoàn Duy Khương đã trực tiếp xuống hiện trường chỉ đạo công tác cứu hộ cứu nạn, khắc phục hậu quả.
Đến hơn 23h30 khuya cùng ngày, hàng trăm cảnh sát PCCC và lực lượng cứu hộ vẫn túc trực tại hiện trường, tìm kiếm những người mắc kẹt bên trong đám cháy.
Gần 20 chiếc xe cứu thương được điều đến hiện trường. Lần lượt, thi thể 13 nạn nhân bị cháy đen được đưa ra ngoài, chuyển về nhà tang lễ quận Cầu Giấy trong sự bàng hoàng của những người chứng kiến.
Đây đều là những khách vào hát tại phòng 502 của quán 68 Trần Thái Tông, còn những nhà xung quanh may mắn không xảy ra thiệt hại về người. Cho đến vài ngày sau, cảnh tan hoang sau vụ cháy vẫn còn ngổn ngang, thiệt hại tài sản lên tới hàng chục tỷ đồng.
Theo kết luận điều tra, nguyên nhân cháy là do quá trình hàn cắt kim loại bằng hồ quang điện ở khu vực cửa ra vào làm bắn các vẩy hàn có nhiệt độ cao vào phần cách âm gắn trên tường gây cháy, sau đó lan ra xung quanh dẫn đến vụ cháy.
Ngày 2/11/2016, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án hình sự, đồng thời triệu tập nhóm 3 công nhân hàn xì sửa chữa quán karaoke số 68 Trần Thái Tông để lấy lời khai.
Quán karaoke 68 Trần Thái Tông hiện đã được cho thuê làm văn phòng và cửa hàng hoa quả |
Siết chặt quản lý
Một ngày cuối tháng 8/2018, PV Báo Giao thông trở lại khu vực nói trên và ghi nhận, nhà 68 Trần Thái Tông đã không còn kinh doanh karaoke mà tầng 1 đang được cho thuê làm cửa hàng bán hoa quả nhập khẩu, các tầng trên và mặt sau của căn nhà được cho một công ty bất động sản thuê làm văn phòng.
Chị Nguyễn Thị Lý, một người bán nước ngay sau nhà 68 cho biết, sau vụ cháy, chủ nhà đóng cửa suốt hơn một năm và vừa qua mới sửa sang lại để cho thuê.
Theo ghi nhận, tại trước cửa nhà 68, 70, 72, cột bơm cứu hỏa cùng những lối thoát hiểm được lắp đặt tại các căn nhà.
Trong đó, căn nhà số 70 trước đây được thuê làm nhà hàng, nhưng do không có khách nên chủ quán đã trả lại nhà và hiện tại được công ty chuyển phát nhanh thuê lại để làm việc. Còn căn nhà số 72, 74 cũng đã được sửa sang lại.
Theo một số thông tin, chủ căn nhà 74 cũng đang có ý định mở quán karaoke nhưng chưa được cấp giấy phép.
Sau vụ cháy xảy ra vào tháng 11/2016, UBND quận Cầu Giấy đã có quyết định tạm dừng hoạt động đối với tất cả các quán karaoke trên địa bàn để tiến hành kiểm tra. Công an TP Hà Nội sau đó cũng đã tiến hành tổng kiểm tra 1.204 quán karaoke trên toàn thành phố về công tác phòng cháy chữa cháy.
Đáng chú ý, sau tổng kiểm tra 88 quán tại quận Cầu Giấy, ngoài 3 quán đã dừng hoạt động, 85 quán còn lại đều vi phạm về phòng cháy chữa cháy.
Đáng chú ý, ngày 22/8 vừa qua, Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội đã công khai danh sách 892 cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn vừa bị đình chỉ do không bảo đảm các điều kiện, quy định về PCCC.
Theo thống kê, số quán karaoke vi phạm các quy định về PCCC chủ yếu tập trung ở ngoại thành. Đông Anh là địa bàn có nhiều cơ sở bị đình chỉ nhất với 121 quán (chiếm 13,5%)…
Trong khu vực nội thành, quận Đống Đa đứng đầu danh sách với 40 cơ sở vi phạm, sau đó đến quận Hai Bà Trưng với 28 cơ sở, Hoàn Kiếm 12 cơ sở và tại quận Cầu Giấy có số quán karaoke vi phạm PCCC ít nhất với 4 trường hợp.
Theo ghi nhận, ngoài phố karaoke Trần Thái Tông trước đây, dịch vụ karaoke trên địa bàn quận Cầu Giấy còn tập trung trên đường Nguyễn Khang, Xuân Thủy, Vũ Phạm Hàm, Nguyễn Thị Định...
Khảo sát cho thấy, giá phòng tại các quán karaoke được tính tùy theo diện tích, chẳng hạn như phòng dưới 10 người có giá 300.000 đồng/h hát, phòng trên 10 người giá 400.000 đồng/h, phòng trên 20 người từ 500-700.000 đồng/h...
Vậy, đến thời điểm này nếu vào hát tại các quán karaoke ở quận Cầu Giấy đã có thể yên tâm nếu có xảy ra hỏa hoạn?
Đem câu hỏi này trao đổi với một lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC số 3 (Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội), đơn vị phụ trách kiểm tra về công tác PCCC địa bàn quận Cầu Giấy, vị này khẳng định: “Các quán karaoke trên địa bàn Cầu Giấy hoạt động trở lại đã bổ sung, hoàn thiện các hạng mục về công tác PCCC.
Đối với các cơ sở kinh doanh karaoke không đảm bảo công tác PCCC cũng như không được cấp phép thì ngành chức năng trên địa bàn đã cho đóng cửa, không được phép hoạt động”.
Chiều 23/8, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Lương Mậu Hùng, Trưởng phòng Văn hoá thông tin, UBND quận Cầu Giấy cho biết, năm 2016 toàn địa bàn Cầu Giấy có 85 quán karaoke hoạt động.
Sau khi xảy ra vụ cháy quán karaoke trên đường Trần Thái Tông, UBND quận đã quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ tất cả số quán karaoke trên địa bàn. Sau đó, qua kiểm tra, có 15 quán không thể khắc phục được các yêu cầu theo quy định về phòng cháy, chữa cháy.
Trên cơ sở này, ngành chức năng quận Cầu Giấy đã tuyên truyền vận động chủ cơ sở chuyển ngành nghề kinh doanh khác.
Theo ông Hùng, đến thời điểm hiện tại trên địa bàn quận còn 70 quán karaoke, trong đó 57 quán đã khắc phục, đảm bảo công tác phòng cháy, chữa cháy; 13 quán còn lại chưa khắc phục được. Số này nằm rải rác trên địa bàn 5 phường.
“Đối với 13 quán karaoke chưa khắc phục, đảm bảo công tác phòng cháy, chữa cháy, UBND quận đã chỉ đạo UBND các phường cắt điện, cử đoàn liên ngành giám sát gác trực không cho hoạt động. Nếu cố tình mở cửa đón khách sẽ xử lý nghiêm”, ông Hùng nói.
Ngày 26, 27/3/2018, tòa sơ thẩm, TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Diệu Linh, chủ quán karaoke 68 Trần Thái Tông mức án 9 năm tù giam. Bị cáo Lê Thị Thì (tức Lê Thị Thanh, SN 1962, chủ cơ sở hàn xì ở Cầu Giấy, Hà Nội) và Hoàng Văn Tuấn (SN 1993, ở Cầu Giấy, Hà Nội), là thợ hàn trực tiếp gây ra vụ cháy) cùng nhận 7 năm tù giam về tội “Vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy”. Về dân sự, tòa tuyên buộc các bị cáo phải liên đới bồi thường cho người bị hại bao gồm tổn thất về tinh thần, mai táng phí, chu cấp cho con cái nạn nhân đến năm 18 tuổi. Sau vụ cháy quán karaoke 68 Trần Thái Tông, Sở Cảnh sát PCCC thành phố đã kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với 3 cá nhân của Phòng Cảnh sát PCCC số 3 gồm: Một lãnh đạo phòng, một chỉ huy đội và một cán bộ phụ trách địa bàn. Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy cũng đã ký quyết định kỷ luật bà Nguyễn Thị Xuân Nữ, Phó trưởng Phòng Văn hóa thông tin và bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh, Phó chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu với hình thức cách chức. Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu Nguyễn Quang Thắng nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo. |
Lính cứu hỏa kể lại gần 6h chiến đấu với “thần lửa” để cứu người trong đám cháy karaoke KingDom
“Khi đối mặt với đám cháy, điều duy nhất tôi nghĩ trong đầu là làm sao để dập tắt lửa càng nhanh càng tốt. Sau ... |