Phụ huynh 'khẩu chiến' về trường công - tư: 'Chờ từng ngày hết cấp I để chuyển khỏi trường công'

Với hai luồng quan điểm trái chiều, người ủng hộ trường tư, người khẳng định trường công nhiều ưu điểm hơn đã khiến cho vấn đề trường công – trường tư lại tiếp tục được mang ra "mổ xẻ".

Tranh cãi về trường công – trường tư vẫn chưa đến hồi kết. Phụ huynh vẫn rối bời, tranh cãi vẫn nổ ra, quan điểm vẫn trái chiều. Trong hai bài viết trước, chúng tôi đã mang đến hai góc nhìn trái ngược nhau của bà mẹ trẻ Nguyễn Hương Linh và nữ nhà báo Thu Hà.

Còn nội dung được đề cập đến trong bài viết này sẽ chia sẻ những quan điểm của các bậc phục huynh về chuyện cho con cái học trường nào là phù hợp nhất. Những chia sẻ thẳng thắn, thực tế của họ sẽ phần nào mang đến một cái nhìn đa chiều.

Nhiều lập luận ủng hộ trường tư

Chị Hoa Pham – một phụ huynh có con gái đang học trường tư đã đưa ra nhiều lý do khiến chị quyết định cho con chuyển khỏi trường công và theo học trường tư, cũng như chia sẻ tiêu chí chọn trường học cho con.

phu huynh khau chien ve truong cong tu cho tung ngay het cap i de chuyen khoi truong cong
Chị Hoa Pham đã thẳng thắn chia sẻ quan điểm ủng hộ trường tư

"Bé lớn học trường công ở Quận 1, cũng là trường điểm và khá nổi tiếng. Năm lên lớp 3 nhà tôi chuyển về Quận 7 ở giữa chừng nên bé vẫn phải học ở Quận 1. Có một câu chuyện xảy ra cho con mà sau đó tôi quyết định chuyển trường.

Bé ăn rất tốt và thường không bỏ bữa, tuy nhiên có bạn ăn ít và sợ cô la nên len lén múc cơm bỏ xuống dưới đất ngay chân con tôi. Cô bảo mẫu đã bắt con bé nhà mình phải bốc cơm dưới đất lên ăn... Mọi người thấy có dã man không? Tối về nghe con bé kể trong hoảng loạn, tôi đã lên trường nói chuyện và cô đã xin lỗi, năn nỉ để tôi không báo lên Ban giám hiệu vì sẽ bị đuổi việc.

Rồi còn chuyện các cô bán đồ học tập, thu tiền các bé thì thối lại thiếu rất nhiều tiền do mẹ không có tiền lẻ đưa bé. Một số bé khá giang hồ, bắt con tôi phải làm này làm kia nếu không sẽ bị đánh và bị tẩy chay...

Bé lớn nhà tôi sang lớp 4 đã qua học trường tư và gần nhà dù ba mẹ phải "cày bừa" vất vả hơn. Bé thay đổi, hoạt bát và tự tin. Bé thứ hai ngay từ học mẫu giáo tôi cũng cho học trường tư.

Tiêu chí chọn trường cho con tôi khá đơn giản: Trường gần nhà, hai bé nhà tôi sáng đi bộ vài bước chân là tới và tôi chọn nơi ở hiện tại gần trường cho con đi học. Rất tiện cho cả bố mẹ và con cái. Bé cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc khi đi học mỗi ngày. Cơ sở vật chất tốt, lớp đủ ánh sáng tự nhiên. Hồi con học trường công, bé không dám đi toilet và mẹ cũng không dám luôn. Lớp học buổi chiều chỉ có quạt máy và như một cái lò hầm, tội tụi nhỏ lắm.

Điều cuối cùng là hãy đồng hành cùng thầy cô và con, ai cũng có những lúc không đúng, không hoàn hảo. Hãy thẳng thắn trao đổi trên tinh thần xây dựng, hãy dạy các con kính trọng thầy cô và tuân thủ theo quy định của trường. Và đi học không chỉ là điểm số mà còn học rất nhiều điều từ cuộc sống, những ứng xử xung quanh với thầy cô bè bạn. Hãy luôn bên cạnh con để chúng có thể tin tưởng và sẵn lòng chia sẻ mọi điều".

Hoặc như chị Mây Lim đã đưa ra những điều "kém vui" của trường công khiến cho môi trường này không phải là sự lựa chọn của chị. "Tôi muốn con hạnh phúc, vui vẻ khi đến trường. Mỗi ngày đến trường là một ngày vui. Sẽ kém vui nếu nhà vệ sinh bẩn, kém vui nữa nếu sợ sệt cô và sợ trình bày, sợ nói ra điều mình nghĩ, kém vui khi liên tục mất đồ mà không một ai nhận lấy, kém vui khi viết văn mà phải viết điều đúng như yêu cầu của cô.

Kém vui khi nhìn các bạn vô tư xả rác, kém vui khi con kêu con ngồi chật lắm, con 40kg được ngồi 3 bạn một bàn bé tí, lớp con 60 bạn. Kém vui khi thấy các bạn trai lớp lớn chạy ra tụt quần trêu các bạn gái nhỏ (mà người lớn trong trường không để tâm xử lý) nên tôi chọn trường tư cho bạn thứ hai nhà tôi. Bạn thứ nhất thì chờ từng ngày hết cấp I để chuyển khỏi trường công".

"Tôi cũng đã chọn cho con mình học trường tư và đang hài lòng về lựa chọn của mình. Vất vả chút xíu nhưng chẳng phải lo tháng này cho cô bao nhiêu? Chẳng phải nghĩ ngợi làm vừa lòng cô giáo. Thấy con vui vẻ đến trường, tôi cũng yên tâm làm việc. Vất vả chút nhưng đem lại cho con tuổi thơ hạnh phúc và con được học được chơi đúng lứa tuổi của con", là chia sẻ ủng hộ trường tư của chị Thao Tran

"Bao thế hệ người dân Việt Nam gắn với mái trường công vẫn nên người, vẫn thành tài"

Trong khi đó, chị Bảo Ngọc cũng thẳng thắn nêu ra những lập luận của mình để bảo vệ quan điểm: Trường công tốt hơn trường tư. Không chỉ nêu ra những nhược điểm, ưu điểm của trường công mà chị Bảo Ngọc còn chia sẻ những cách để giúp con cái hoàn thiện bản thân hơn nhờ sự quan tâm của chính gia đình.

phu huynh khau chien ve truong cong tu cho tung ngay het cap i de chuyen khoi truong cong
Ngược lại, chị Bảo Ngọc hoàn toàn dành "phiếu bầu" cho trường công với nhiều ưu điểm vượt trội

"Những điều kiện cần và đủ để một bé học trường công phát triển toàn diện không thua kém một bé học trường tư. Quan trọng là: Cha mẹ quan tâm sát sao con cái, không phó mặc 100% cho nhà trường và thầy cô. Chọn một trường công tốt và điểm cho con, chọn lớp chọn cho con (với điều kiện trong khả năng của con).

Cho con tham gia các lớp ngoại khoá. Chọn các trung tâm ngoại ngữ tốt, chất lượng cho con theo học hoặc thuê thêm gia sư Việt, giáo viên nước ngoài. Cho bé đi du lịch nhiều, đi bụi, khám phá cuộc thiên nhiên và con người các vùng miền. Có thể cho bé tham gia thêm các chương trình từ thiện, trao tặng quà các bạn nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, các cụ già viện dưỡng lão, các bạn nhỏ vùng cao.

Nói chung không cần khuôn mẫu mà tuỳ hoàn cảnh để tạo cho bé một tính cách biết yêu thương và chia sẻ. Từ đó cũng nhận thấy mình được học hành trong điều kiện đầy đủ, được che chở yêu thương là một điều hạnh phúc. Bản thân càng phải cố gắng hơn nữa để không phụ lòng cha mẹ.

Rõ ràng là có khá nhiều các hoạt động ngoại khoá và giao lưu mà cha mẹ nếu bớt chút thời gian thì vẫn có thể cùng con giao lưu, không cần quá lệ thuộc vào trường lớp. Đơn giản chỉ là khi con đi học về, tôi hay trò chuyện với con hỏi con chuyện trường lớp: Con học có vui không? Học môn gì? Chủ đề gì? Hôm nay con có hiểu bài không? Cô giáo dạy như nào? Chuyện về bạn bè con trên lớp hôm nay chơi gì? Con gặp vấn đề gì trên lớp cần mẹ góp ý hay giúp đỡ không?

Thực tế chất lượng về học vấn trường công hơn hẳn trường tư. Những yếu kém cũng là do khách quan mang tới vì thu học phí thấp, lương giáo viên thấp mới phát sinh những tiêu cực như điều kiện cơ sở vật chất không được đẹp như trường tư, sinh ra việc dạy thêm học thêm. Nhưng con mình tự tin kiến thức học tốt thì cũng không giáo viên nào trù úm được nếu con không đi học.

Những tiêu cực như các con rụt rè nhút nhát, tôi thấy phần lớn do tính cách của các con và sự giáo dục của gia đình. Chứ nhiều bạn học trường công nhưng vẫn mạnh dạn đề đạt nguyện vọng riêng của mình một cách tự tin và cởi mở cùng thầy cô.

Các cô giáo trường công còn rất dễ thương, yêu nghề. Không phải giáo viên nào cũng tha hoá biến chất đâu. Như cô giáo chủ nhiệm con tôi, vào ngày 20/11 năm rồi, các phụ huynh gửi tặng cô hoa và kèm phong bì. Cô chỉ nhận hoa và gửi lại phụ huynh phong bì đó. Trân trọng những người thầy cô trường công tận tâm, tận lực.

Ở môi trường nào cũng có nhưng bất cập nhưng hãy mạnh dạn đấu tranh để đẩy lùi cái xấu và xây dựng những điều tốt đẹp. Bao thế hệ người dân Việt Nam gắn với mái trường công vẫn nên người, vẫn thành tài, vẫn đi Tây đi Tàu. Hơn nữa, tôi biết có những phụ huynh cho con học trường tư và thấy những bất cập trong chất lượng dạy học rồi lại phải đổi sang trường công, số đó không nhiều, nhưng cũng không phải là không có.

Đồng tình với chị Bảo Ngọc, chị Thanh Anh nhấn mạnh rằng bản thân biết ơn những gì mà trường công mang đến. Chị chia sẻ: "Suy từ bản thân tôi ra, học trường công trong nước đến năm 15 tuổi thì bắt đầu đi du học. Thật lòng mà nói tôi biết ơn những gì mình được dạy trong trường công lập vì ra nước ngoài những kiến thức tôi đã được học hơn hẳn học sinh bản xứ, thế là vào top và luôn dẫn đầu.

Và kể cả khi qua nước ngoài học tiếp cấp III tôi cũng học trường công lập bên đó chứ không vào trường quốc tế hay trường tư. Tôi cũng giữ quan điểm sau này sẽ cho con học trường công lập, hết cấp 2 sẽ cho các con đi du học, y chang như hành trình mà bố mẹ mình đã cho tôi đi"

Ngoài ra có anh Đinh Hoàng Thư cũng chia sẻ một mẩu đối thoại ngắn với con sau một tuần nhập học trường 10tr/tháng. Theo đó, dù được dạy rất nhiều điều bổ ích nhưng giáo viên rất nghiêm khắc và không thân thiện đã khiến cho học sinh, mà cụ thể là con của anh Hoàng Thư sợ hãi.

"Ba à, cô dạy con rất nhiều trong tuần này: Có trách nhiệm với bản thân. Giờ nào việc đó. Lễ phép với người lớn, lịch sự với bạn bè. Phải đặt mục tiêu để vươn đến. Ham học, chủ động, chính trực, quan tâm, tôn trọng, sáng tạo...

Mà ba ơi, năm nay cô của con rất nghiêm khắc, cô ít thân thiện và hiếm khi cười. Con căng thẳng đến cứng người mỗi khi nghe tiếng cô la trong lớp, không khí những lúc đó rất ngột ngạt. Hôm qua giờ tập viết có mấy bạn viết sai ô ly cô xé tập tại chỗ và bắt viết lại, tiếng xé tập làm con giật mình thon thót, run lẩy bẩy. Mà sao ngộ lắm ba, lúc cô đứng kế bên thì con viết đẹp lắm, khi cô đi xa con lại run không viết được. Con thấy các bạn cũng hốt hoảng, bạn Thành ngồi gần con bị xé tập thì riu ríu muốn khóc.

Con không rõ khi làm như vậy cô có biết là tụi con bị tổn thương hay không? Ôi sao một ngày đi học của con bây giờ thật dài. À mà đây là thảo luận riêng tư nha ba".

Đó chỉ là số ít trong rất nhiều quan điểm của các bậc phụ huynh được chia sẻ trên mạng xã hội. Mỗi người đều đưa ra những lý lẽ để bảo vệ quan điểm của mình, cũng vì vậy mà "cuộc chiến" so sánh giữa trường công – trường tư vẫn luôn nóng, tạo nên những luồng tranh luận không hồi kết.

chọn
Đấu giá đất ở Thanh Oai (Hà Nội): Chỉ có 12 trường hợp nộp đủ tiền
Tiếp tục thông tin về tiến độ nộp tiền sau trúng đấu giá đất tại huyện Thanh Oai (Hà Nội), ngày 16/9, lãnh đạo huyện cho biết: Với 68 thửa đất trúng đấu giá, đến thời hạn cuối cùng phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định, chỉ có 12 trường hợp nộp đủ tiền; 56 thửa đất không nộp tiền hoặc không nộp đủ. Đáng chú ý, 12 trường hợp nộp tiền có giá trúng cao nhất là 55,167 triệu đồng/m2.