Thạc sĩ Nguyễn Văn Học, Phòng khám Nam học - Tình dục, Khoa Tiết niệu Nam học, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biết một trong những biến chứng thường gặp và nghiệm trọng của bệnh lan truyền qua đường tình dục ở phụ nữ là viêm vùng chậu. Đây là bệnh xảy ra ở vùng phía trên của đường sinh dục nữ.
Nếu không điều trị, bệnh viêm vùng chậu có thể gây sẹo đường sinh dục, gây ra vô sinh, thai ngoài tử cung, đau vùng chậu mạn tính. Thống kê ở Mỹ mỗi năm ghi nhận xấp xỉ 750.000 phụ nữ được chẩn đoán bệnh viêm vùng chậu, sau đó bị vô sinh do nhiễm trùng. Khi có biến chứng gây thai ngoài tử cung do bệnh viêm vùng chậu, đa số thai nằm trong vòi trứng.
(Ảnh: Womenshealth) |
Bác sĩ Học giải thích cơ chế gây viêm vùng chậu xảy ra do vi trùng từ âm đạo đi qua cổ tử cung rồi lan lên cao đến các vị trí khác của đường sinh dục nữ. Vi trùng lậu và Chlamydia là hai thủ phạm gây ra hầu hết trường hợp phụ nữ bị viêm vùng chậu do bệnh tình dục. Vi trùng thường xâm nhập vào tử cung, vòi trứng, buồng trứng và tiếp tục phát triển gây viêm rồi tạo sẹo tại đường sinh dục, đôi khi gây tắc vòi trứng, gây vô sinh. Phụ nữ trẻ và bé gái nhiễm các vi trùng này rất dễ bị viêm vùng chậu vì cổ tử cung đang trong giai đoạn trưởng thành, vi trùng dễ dàng xâm nhập từ dưới lên trên đường sinh dục.
Bệnh viêm vùng chậu có triệu chứng rất mơ hồ nên hầu hết người bệnh đi điều trị trễ, tạo cơ hội cho vi trùng sinh sôi và lan rộng. Khi bệnh biểu hiện triệu chứng, bệnh nhân cảm thấy đau bụng dưới, đau khi giao hợp, kinh nguyệt không đều, có huyết trắng từ âm đạo và cổ tử cung, đau vùng sinh dục, sốt, buồn nôn và ói mửa. Thông thường triệu chứng không rõ ràng cho đến khi bệnh diễn tiến đến giai đoạn nguy hiểm.
Bệnh viêm vùng chậu theo khuyến cáo cần điều trị bằng một hoặc nhiều loại kháng sinh kết hợp sẽ cải thiện tình trạng nhiễm trùng. Bệnh nhân cần được theo dõi trong ba ngày điều trị, sau 4 đến 6 tuần tái khám để đảm bảo nhiễm trùng đã hết.
Bác sĩ khuyến cáo bạn tình của người bị viêm vùng chậu cũng phải được điều trị ngay cả khi không có triệu chứng để phòng nhiễm trùng tái phát. Nếu nhiễm trùng vùng chậu diễn tiến nặng với triệu chứng buồn nôn, ói mửa, sốt cao hoặc bị áp xe buồng trứng, vòi trứng, nên nhập viện điều trị. Bệnh nhân mang thai, người bệnh không cải thiện với thuốc uống hoặc không thể uống thuốc, cũng nên nhập viện để dùng thuốc truyền qua đường tĩnh mạch. Một số trường hợp cũng cần nhập viện theo dõi để đảm bảo người bệnh không bị các bệnh lý cần phẫu thuật khẩn, chẳng hạn như viêm ruột thừa.