Proptech ở đâu trong tương lai của bất động sản Việt Nam?

Thị trường Proptech đang hấp dẫn dòng vốn đầu tư và từng bước chiếm vị thế mới trên thị trường bất động sản thế giới. Tại Việt Nam, tuy mới mẻ, lĩnh vực này đang được thúc đẩy khá mạnh mẽ trong thời gian gần đây.

“Tương lai của bất động sản” đang định hình tại Việt Nam

Proptech - viết tắt của cụm từ Property Technology - công nghệ bất động sản, được hiểu là việc ứng dụng công nghệ thông tin và kinh tế học nền tảng vào thị trường bất động sản; giúp các cá nhân, doanh nghiệp nghiên cứu, giao dịch mua bán, thuê, cho thuê và quản lý bất động sản hiệu quả.

Nghiên cứu của Đại học Oxford gọi Proptech là “The Future of Real Estate” - tương lai của bất động sản. Proptech được mô tả là sự chuyển đổi số trong ngành này.

Gốc rễ của Proptech gồm các lĩnh vực: Smart Real Estate - bất động sản thông minh, Real Estate Fintech - tài chính bất động sản và The Sharing Economy - kinh tế chia sẻ. Trong đó, Smart Real Estate là các nền tảng cung cấp thông tin bất động sản, quản lý bất động sản như Nest, Digital Realty, Equinix, Aggreko.

Real Estate Fintech là nền tảng hỗ trợ giao dịch bất động sản, đơn cử như Zillow, Zoopla, LendInvest, OpenDoor. The Sharing Economy là nền tảng tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng chung bất động sản, cho thuê bất động sản như AirBnB, WeWork.

Proptech đang thu hút lượng lớn vốn đầu tư. Năm 2021, giá trị đầu tư vào lĩnh vực này đạt 32 tỷ USD. Theo ghi nhận từ CRETI, đây là mức đầu tư cao nhất từ trước đến nay. Nguồn vốn đầu tư Proptech ở Đông Nam Á cũng đang trên đà phục hồi khi đạt hơn 70 triệu USD vào năm 2019, tương đương hơn 40% so với mức huy động được trong năm 2018, theo Tech In Asia. 

Ở Việt Nam, ngoài các Proptech đã có chỗ đứng như platform thông tin Batdongsan.com.vn hay giải pháp cho thuê văn phòng trọn gói DreamPlex, các startup nhỏ hơn đã gọi vốn được hơn 40 triệu USD.

Có thể kể đến Propzy (platform tìm kiếm thông tin và giá cả bất động sản - 25 triệu USD), Rever (platform môi giới bất động sản - 16,5 triệu USD), Homebase (platform cung cấp giải pháp đầu tư bất động sản cho người vay dưới chuẩn ngân hàng) - 30 triệu USD, Citics (nền tảng dữ liệu bất động sản bao gồm định giá, mua, cho thuê, vay đầu tư) gọi đã vốn hơn một triệu USD. 

Theo ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, phát triển Proptech không phải là một giải pháp, trào lưu tạm thời do Covid-19 mà nó đã và đang là xu hướng của thời đại. Dịch bệnh chỉ là yếu tố thúc đẩy nhanh hơn việc ứng dụng công nghệ vào các hoạt động, dịch vụ bất động sản.

Kể cả khi dịch bệnh qua đi thì công nghệ cho bất động sản vẫn rất cần thiết, xuyên suốt hành trình từ lúc tìm kiếm thông tin đến lúc chốt giao dịch và cả quá trình sau đó nữa như tài chính, pháp lý… Đây là xu thế chung của thế giới. Theo FinTech Global, tính đến quý III/2021, tổng nguồn vốn rót vào các proptech toàn cầu đã đạt 7,1 tỷ USD, tăng 122% so với cả năm 2020.

“Tôi dự đoán trong thời gian tới, Proptech sẽ được đầu tư phát triển và ứng dụng rộng rãi hơn trong nhiều lĩnh vực khác nhau của thị trường bất động sản. Việt Nam đang có nhiều điều kiện lý tưởng cho Proptech tiếp tục phát triển tới với cơ cấu dân số trẻ, thường xuyên sử dụng công nghệ (tính đến đầu năm 2022, hơn 72 triệu người dùng internet, chiếm khoảng 73% dân số) và quy mô thị trường bất động sản dự kiến lên tới 21 tỷ USD.

Khi tính minh bạch của thị trường bất động sản được chú trọng hơn, các quy trình bán hàng, nghiên cứu nhu cầu, chiến lược tiếp thị và quản lý giao dịch sẽ được đẩy mạnh nhờ công nghệ AI, big data, AR và blockchain”, ông Nguyễn Quốc Anh nhận định, đồng thời tin rằng thị trường proptech sẽ đón nhận nhiều tay chơi mới ngoài 60 startup đang hoạt động hiện nay.

Ông Neil MacGregor, Tổng giám đốc Savills Việt Nam cũng tin rằng, thị trường bất động sản Việt Nam có tiềm năng rộng lớn của với tổng dân số lên tới hơn 97 triệu người tính đến năm 2021. Thị trường vẫn đang trong giai đoạn non trẻ với rất nhiều vấn đề tồn đọng cần được giải quyết và Proptech có khả năng làm được điều này. Thị trường Proptech đang khai thác nhóm dân số am hiểu công nghệ này, đặc biệt là nhóm cư dân trong các tòa nhà chung cư, sử dụng các ứng dụng quản lý bất động sản.

Proptech có thể thay thế nghề môi giới?

Đã có những hình dung về triển vọng này, cũng giống như xe tự hành sẽ thay thế shipper trong ngành giao vận. Tuy nhiên, câu trả lời là không thể, hoặc còn rất lâu.

Trong khoảng vài năm trở lại đây, dưới tác động của Covid-19, người mua và người bán không thể gặp được nhau. Vai trò của công nghệ trong quá trình giao dịch bất động sản đã phát huy tác dụng. Đây được đánh giá là một giai đoạn rất tốt giúp thị trường “làm quen” với Proptech.

Tuy nhiên phần lớn các ứng dụng Proptech trên thị trường hiện nay còn đang phân mảnh, thiếu sự kết nối. Các Proptech hiện tại chỉ đang giải quyết những phần nhỏ trong cả một hành trình xuyên suốt từ khi tìm kiếm đến lúc mua bất động sản. Người dùng đang phải tìm kiếm quá nhiều công nghệ khác nhau trên các nền tảng khác nhau.

Các Proptech đang thiếu các giải pháp tích hợp có thể đưa thêm trải nghiệm cho người dùng. Một nền tảng ứng dụng xuyên suốt trong toàn bộ quá trình giao dịch, mua bán bất động sản, kết nối giữa các chủ đầu tư, đơn vị môi giới, tài chính ngân hàng và các công ty công nghệ với người dùng sẽ giúp khách hàng tìm được hầu hết thông tin họ cần.

Về phía người mua nhà, họ chưa hoàn toàn tin vào các thông tin online. Gần như 100% người mua phải đến tận địa điểm để xem thông tin, trải nghiệm. Đối với những sản phẩm có giá trị lớn như bất động sản, người mua vẫn ưa chuộng việc được trực tiếp xem, chạm, nghe. Ngay với thị trường phát triển như Mỹ hoặc các nước châu Âu, vai trò của công nghệ cũng chưa thể thay thế hoàn toàn các khâu truyền thống trong một giao dịch bất động sản.

Theo giới chuyên gia, Proptech có thể đáp ứng 50 - 60% nhu cầu của người mua trong quá trình tìm kiếm thông tin dữ liệu trước khi ra quyết. Trước khi đi xem bất động sản, khách hàng có thể đọc tin, xem video, tham khảo những bình luận, đánh giá của cộng đồng.

“Trong 5 - 10 năm tiếp theo, công nghệ vẫn sẽ là một công cụ hỗ trợ nhà môi giới mang lại những trải nghiệm tốt nhất cho người tìm kiếm bất động sản, hoàn toàn không thể thay thế cho môi giới”, ông Quốc Anh dự báo.

chọn
D2D ước lãi thêm 800 tỷ từ dự án Lộc An
Năm 2024 - 2029, D2D sẽ thực hiện tiếp giai đoạn 2 khu dân cư Lộc An với tổng mức đầu tư gần 1.116 tỷ đồng. Tổng doanh thu dự kiến trong giai đoạn 2 là hơn 2.181 tỷ đồng, lợi nhuận dự kiến 795 tỷ đồng.