PVMachino liên tục đi gom đất sau khi tách khỏi Tập đoàn Dầu khí

Khoảng một năm trở lại đây, PV Machino - thành viên cũ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam liên tục trúng các dự án bất động sản ở Thái Bình và Lạng Sơn. Tính đến quý IV/2023, doanh nghiệp này đang đầu tư vào nhiều dự án bất động sản tại Khánh Hoà, Hưng Yên và Hà Nội.

Sở Kế hoạch và Đầu tư Lạng Sơn vừa công bố liên danh CTCP Máy - Thiết bị Dầu khí (PVMachino, mã chứng khoán: PVM) và CTCP Kinh doanh và Đầu tư Đông Bắc là nhà đầu tư duy nhất đăng ký thực hiện dự án Khu đô thị mới Đông Kinh, phường Đông Kinh, TP Lạng Sơn.

Dự án này có diện tích đất thực hiện gần 17,7 ha, diện tích đất xây dựng nhà ở gần 4,5 ha. Cơ cấu sản phẩm có 41 căn nhà liền kề xây thô, 345 lô đất ở liền kề không xây thô, 2 khu nhà ở xã hội (cao 9 tầng), 40 lô đất ở tái định cư cùng một số công trình khác. Quy mô dân số 3.200 người. 

Sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án gần 997 tỷ đồng. Ngoài ra còn có chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư gần 117 tỷ đồng. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm, tính từ ngày nhà đầu tư được quyết định giao đất, cho thuê đất. Tiến độ thực hiện kéo dài 5 năm.

Phía đông dự án giáp ranh giới xã Hợp Thành, huyện Cao Lộc; phía tây giáp khu dân cư hiện trạng phường Đông Kinh, phía bắc giáp khu dân cư hiện trạng và đường Ngô Quyền; phía nam giáp khu dân cư hiện trạng và dự án hạ tầng kỹ thuật khối 8 phường Đông Kinh. Trước đó, dự án đã được UBND tỉnh Lạng Sơn chấp thuận chủ trương đầu tư vào ngày 8/8/2023.  

Phối cảnh CCN Đình Lập, một dự án của PVM ở Lạng Sơn. (Ảnh: PVM).

Trong liên danh nhà đầu tư nói trên có sự xuất hiện của PVM. Khu đô thị Đông Kinh tại Lạng Sơn không phải dự án bất động sản đầu tiên mà doanh nghiệp nhắm đầu tư.

PVM tiền thân là Tổng Công ty Máy và Phụ tùng trực thuộc Bộ Thương mại ra đời từ năm 1956, đến năm 2005 chuyển sang mô hình công ty mẹ - con và đến tháng 3/2009 trở thành thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Từ tháng 11/2014, PVM là thành viên của Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (PV Power, mã chứng khoán: POW) - trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Đến tháng 3/2021, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (PV Power, HoSE: POW) đã thoái toàn bộ 51,58% lượng cổ phần sở hữu tại PVM. Kể từ ngày 19/3/2021, PVM không còn có vốn nhà nước.

Tính đến cuối năm 2023, PVM có vốn điều lệ hơn 386 tỷ đồng, trụ sở đặt tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Các ngành nghề chiếm trên 10% tổng doanh thu của PVM chủ yếu là cung cấp vật tư, máy móc, phụ tùng thay thế cho các nhà máy điện; phân phối vật tư, thiết bị, nguyên vật liệu cho một số hãng như Siemens, Toshiba...

Những năm qua, PVM đang đẩy mạnh hoạt động trong mảng bất động sản.

Trong ĐHĐCĐ diễn ra vào tháng 4/2023, PVM từng chia sẻ về kế hoạch đầu tư, tham gia đấu thầu các dự án đầu tư trong lĩnh vực bất động sản, năng lượng tái tạo. Cụ thể, công ty đã xây dựng một danh mục đầu tư dự án chia làm 5 nhóm, gồm: Đất nền; bất động sản thương mại dịch vụ; chung cư; bất động sản công nghiệp và năng lượng tái tạo.

PVM cũng có kế hoạch hợp tác đầu tư với các đối tác như CTCP Licogi 13, CTCP Xây dựng Phục Hưng Holding và triển khai một số dự án bất động sản đất nền tại Thái Bình, dự án công nghiệp tại Hưng Yên, Lạng Sơn và một số dự án khác.

Báo cáo tài chính quý IV/2023 cũng cho thấy, PVM đang hợp tác cùng Licogi 13 và CTCP Đầu tư Tesla để đầu tư dự án khu dân cư sinh thái Cam Phú tại TP Cam Ranh, Khánh Hoà. Trong đó, phần vốn góp của PVM tại dự án này là 30%. 

Ngoài ra, PVM cũng đang hợp tác với CTCP Đầu tư Thương mại Đông Đô để nghiên cứu, triển khai và phát triển các dự án đầu tư bất động sản, cụm khu công nghiệp tại các tỉnh phía bắc, trong đó tập trung tại Thái Bình và Nam Định. 

Như kế hoạch đề ra, năm 2023, PVM đã lần lượt trúng 3 dự án bất động sản.

Tháng 4/2023, UBND tỉnh Lạng Sơn đã chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư dự án cụm công nghiệp Đình Lập tại huyện Đình Lập đối với liên danh PVM - CTCP Đầu tư Kinh doanh An Phú Hưng.

CCN Đình Lập có quy mô hơn 71 ha, nằm cạnh Quốc lộ 4B, cách thị trấn Đình Lập khoảng 2 km. Vào năm 2022, dự án này được UBND tỉnh Lạng Sơn bổ sung vào Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh thời kỳ 2011 - 2020, xét đến năm 2025. 

Phối cảnh khu dân cư thôn Thái, dự án được chấp thuận cho PVM vào năm 2023. (Ảnh: PVM).

Tháng 7/2023, UBND tỉnh Thái Bình đã phê duyệt danh sách xếp hạng nhà đầu tư và kết quả lựa chọn nhà đầu tư dự án nhà ở thương mại Tiền Phong - Phú Xuân, TP Thái Bình với quy mô hơn 5,8 ha.  Nhà đầu tư dược duyệt là liên danh PVM và CTCP Nhà Mỹ Xuân Hà Nội. Liên danh này sau đó đã thành lập doanh nghiệp dự án là Công ty TNHH Machino Phú Xuân.

Đến tháng 8/2023, liên danh PVM - Phục Hưng Holdings - CTCP Nacico được Thái Bình phê duyệt là chủ đầu tư của dự án phát triển nhà ở thương mại khu dân cư thôn Thái, xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư với quy mô 7,8 ha, gồm 299 căn nhà liền kề, biệt thự. 

Bên cạnh những dự án trên, tại Hà Nội, PVM có một phần vốn góp vào dự án HH3 Nam An Khánh (khoảng 10%). Báo cáo tài chính quý IV/2023 cho thấy, PVM đã nhận khoản tiền đặt cọc 17,6 tỷ đồng để chuyển nhượng phần vốn này cho Công ty TNHH TP Inmex. Ngoài ra, PVM đang sở hữu khu đất rộng 2,4 ha tại thôn Dục Nội, xã Việt Hùng, huyện Đông Anh.

Còn tại Hưng Yên, PVM cũng đang đầu tư Cụm công nghiệp Quán Đỏ tại huyện Phù Cừ với quy mô 66,5 ha nằm gần quốc lộ 38B. 

chọn
Chủ tịch Lương Minh Tuấn: Kính siêu trắng sẽ là mũi nhọn 5 năm tới của Đạt Phương, dự kiến mang về doanh thu nghìn tỷ từ 2026
Theo kế hoạch, quý I /2025 Đạt Phương sẽ khởi công nhà máy sản xuất kính siêu trắng tại Thừa Thiên - Huế, dự kiến từ 2026 sẽ mang về doanh thu 1.500 - 2.000 tỷ đồng. Chủ tịch Đạt Phương cho biết, đây là ngành mũi nhọn của Đạt Phương trong thời gian tới, doanh nghiệp đang có những lợi thế lớn trên thị trường kính siêu trắng.