PVMachino thu về hơn trăm tỷ nhờ bán căn hộ Ngoại giao đoàn và dự án Nam An Khánh

9 tháng đầu năm, PVMachino đã chuyển nhượng toàn bộ các căn hộ dự án NO1-T6, T7 khu Ngoại giao đoàn với giá trị 99 tỷ đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp còn nhận thêm khoảng 18 tỷ tiền phạt từ Công ty TNHH Thương mại Hưng Việt TP Inmex liên quan đến việc chuyển nhượng dự án HH3 Nam An Khánh.

Hoàng Huy tổng hợp BCTC hợp nhất quý III/2024 PVM. (Đơn vị tính: tỷ đồng).

CTCP Máy - Thiết bị Dầu khí (PVMachino, mã chứng khoán: PVM) vừa qua đã công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý III/2024 với doanh thu thuần tăng 29% so vơi cùng kỳ lên 517 tỷ đồng. Biên lãi gộp cải thiện nhẹ từ 3,78% lên 4,97%.

Trong quý III, doanh thu tài chính của PVM chỉ ghi nhận 3,5 tỷ đồng, giảm 94% do cùng kỳ phát sinh hơn 295 tỷ lãi bán các khoản đầu tư. Chi phí quản lý doanh nghiệp giảm mạnh 97% xuống còn 1,6 tỷ đồng. Trừ các chi phí, PVM lãi sau thuế 5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ gần 6 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần đạt 1.378 tỷ đồng, tăng 25%, trong đó có 99 tỷ đồng là doanh thu bất động sản (cùng kỳ mảng này không có doanh thu).

Trong 9 tháng, PVM nhận thêm gần 18 tỷ tiền phạt nhận từ Công ty TNHH Thương mại Hưng Việt TP Inmex. Đây là khoản đặt cọc của Hưng Việt liên quan đến việc chuyển nhượng phần vốn góp 10% giá trị dự án Nam An Khánh.

Do đã quá thời hạn mà Hưng Việt không đóng bổ sung tiền theo hợp đồng, đồng thời PVM đã thực hiện chuyển nhượng thành công dự án Nam An Khánh cho đối tác khác, do đó PVM phạt Hưng Việt vi phạm hợp đồng số tiền nói trên.

Kết quả, PVM lãi sau thuế 43 tỷ đồng sau 9 tháng, giảm 73% so với cùng kỳ. Với hoạch doanh thu 2.480 tỷ và lãi sau thuế 58 tỷ, đến nay doanh nghiệp đã thực hiện lần lượt 56% và 83% mục tiêu.

Tài sản tại ngày 30/9 là 1.130 tỷ đồng, không biến động nhiều so với đầu năm. Tồn kho giảm mạnh từ 159 tỷ xuống còn 52 tỷ do PVM đã chuyển nhượng toàn bộ các căn hộ dự án NO1-T6, T7 khu ngoại giao đoàn trong quý I/2024.

Chi phí dở dang dài hạn tập trung tại 3 dự án là Khu dân cư An Phú (8 tỷ); dự án nhà ở Tiền Phong - Phú Xuân (10 tỷ) và khu nhà ở tại Việt Hùng, Đông Anh, Hà Nội (0,8 tỷ đồng).

Nợ phải trả tính đến 30/9 là 425 tỷ đồng, gần như đi ngang so với đầu năm, trong đó nợ vay chiếm khoảng 295 tỷ đồng. So với đầu năm, PVM đã tất toán được một số khoản nợ cho các đối tác, trong đó có Taseco Land (40 tỷ đồng).

Liên tục gom đất sau khi tách khỏi nhóm Dầu khí

 Đồ họa: Alex Chu.

PVM tiền thân là Tổng Công ty Máy và Phụ tùng trực thuộc Bộ Thương mại ra đời từ năm 1956, đến năm 2005 chuyển sang mô hình công ty mẹ - con và đến tháng 3/2009 trở thành thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Từ tháng 11/2014, PVM là thành viên của Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (PV Power, mã chứng khoán: POW) - trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Đến tháng 3/2021, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (PV Power, HoSE: POW) đã thoái toàn bộ 51,58% lượng cổ phần sở hữu tại PVM. Kể từ ngày 19/3/2021, PVM không còn có vốn nhà nước.

Tính đến cuối năm 2023, PVM có vốn điều lệ hơn 386 tỷ đồng, trụ sở đặt tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Các ngành nghề chiếm trên 10% tổng doanh thu của PVM chủ yếu là cung cấp vật tư, máy móc, phụ tùng thay thế cho các nhà máy điện; phân phối vật tư, thiết bị, nguyên vật liệu cho một số hãng như Siemens, Toshiba...

Tại ĐHĐCĐ diễn ra vào tháng 4/2023, PVM từng chia sẻ về kế hoạch đầu tư, tham gia đấu thầu các dự án đầu tư trong lĩnh vực bất động sản, năng lượng tái tạo. Cụ thể, công ty đã xây dựng một danh mục đầu tư dự án chia làm 5 nhóm, gồm: Đất nền; bất động sản thương mại dịch vụ; chung cư; bất động sản công nghiệp và năng lượng tái tạo.

PVM cũng có kế hoạch hợp tác đầu tư với các đối tác như CTCP Licogi 13, CTCP Xây dựng Phục Hưng Holding và triển khai một số dự án bất động sản đất nền tại Thái Bình, dự án công nghiệp tại Hưng Yên, Lạng Sơn và một số dự án khác.

Báo cáo tài chính cho thấy, PVM đang hợp tác cùng Licogi 13 và CTCP Đầu tư Tesla để đầu tư dự án khu dân cư sinh thái Cam Phú tại TP Cam Ranh, Khánh Hoà. Trong đó, phần vốn góp của PVM tại dự án này là 30%. 

Ngoài ra, PVM cũng đang hợp tác với CTCP Đầu tư Thương mại Đông Đô để nghiên cứu, triển khai và phát triển các dự án đầu tư bất động sản, cụm khu công nghiệp tại các tỉnh phía bắc, trong đó tập trung tại Thái Bình và Nam Định.

Năm 2023, PVM đã lần lượt trúng 3 dự án bất động sản, gồm cụm công nghiệp Đình Lập (71 ha) tại huyện Đình Lập, Lạng Sơn; dự án nhà ở thương mại Tiền Phong - Phú Xuân, TP Thái Bình (5,8 ha); dự án phát triển nhà ở thương mại khu dân cư thôn Thái, xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư, Thái Bình (7,8 ha).

Bên cạnh những dự án trên, tại Hà Nội, PVM từng đầu tư vào dự án HH3 Nam An Khánh (khoảng 10%), hiện đã chuyển nhượng toàn bộ vốn góp như đã đề cập ở trên. Ngoài ra, doanh nghiệp đang sở hữu khu đất rộng 2,4 ha tại thôn Dục Nội, xã Việt Hùng, huyện Đông Anh.

Tại Hưng Yên, PVM cũng đang đầu tư Cụm công nghiệp Quán Đỏ tại huyện Phù Cừ với quy mô 66,5 ha nằm gần quốc lộ 38B. 

Tuy nhiên, hồi tháng 5 vừa qua, HĐQT của PVM bất ngờ công bố phương án thu hồi vốn hợp tác đầu tư tại 3 dự án. Theo đó, từ nay đến tháng 5/2025, doanh nghiệp sẽ thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận tại 3 dự án gồm: Khu dân cư thôn Thái; CCN Quán Đỏ và CCN Đình Lập.

chọn
Khang Điền có thể vượt mục tiêu lãi năm nhờ The Privia
SSI ước tính, trong quý IV Khang Điền sẽ bàn giao tất cả 1.043 căn hộ dự án The Privia và ghi nhận trước doanh thu từ 800 căn. Nhờ đó, lãi ròng năm 2024 của Khang Điền có thể đạt 971 tỷ đồng và vượt mục tiêu đề ra.