FLC nợ hơn nghìn tỷ tiền thuê đất, đã trích lập 100% khoản công nợ gần 11.000 tỷ

Lãnh đạo FLC thông tin đã chấm dứt hoạt động đầu tư 14 dự án bất động sản với tổng chi phí cần phải thu hồi khoảng 450 tỷ. Và hiện tập đoàn có 8 dự án có nguy cơ bị thu hồi.

Sáng 12/10, CTCP Tập đoàn FLC (Mã: FLC) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường lần 2. Tại đại hội, lãnh đạo tập đoàn đã có báo cáo thực hiện các công việc theo nghị quyết ĐHĐCĐ ngày 4/3/2023.

Toàn cảnh ĐHĐCĐ bất thường của FLC sáng 12/11. (Ảnh: HK). 

Đến nay, FLC đã thực hiện ký các hợp đồng hợp tác triển khai dự án, hợp đồng chuyển nhượng một phần và toàn bộ các dự án như sau: 

- Hợp đồng phát triển dự án và đang thực hiện chuyển nhượng các dự án thành phần theo hợp đồng phát triển dự án đã ký tại các dự án bất động sản thuộc xã Hiệp Thành, xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu do FLC làm Chủ đầu tư. 

- Hợp đồng nguyên tắc phát triển dự án với đối tác để triển khai các dự án thành phần thuộc Dự án Khu phức hợp Đak Đoa, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai do FLC làm chủ đầu tư.

Ngoài các dự án đã chuyển nhượng, hợp tác triển khai, tổng số lượng dự án do FLC là chủ đầu tư hoặc liên danh làm chủ đầu tư là 54 dự án, tại 14 tỉnh thành từ Bắc tới Nam.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch COVID-19 (giai đoạn 2019 đến 2021) và sự kiện liên quan đến vụ án của các nguyên lãnh đạo tập đoàn (năm 2022) tình hình tài chính của tập đoàn ảnh hưởng nghiêm trọng.  Trong nhiều giai đoạn, FLC ở trong tình trạng mất khả năng thanh toán. 

Cùng với đó, phương án tái cơ cấu bộ máy, cắt giảm nhân sự, thay đổi bộ máy quản lý điều hành đã dẫn tới các hoạt động triển khai thi công tại các dự án bị ngừng trệ trong thời gian dài. 

Theo đó, hầu hết các dự án của tập đoàn đang ở trong tình trạng hết hạn tiến độ đầu tư, nợ nghĩa vụ tài chính, nợ khách hàng, nợ thủ tục pháp lý để đủ điều kiện thi công xây dựng, hoàn thiện công trình. 

Đặc biệt, việc tập đoàn chưa phát hành báo cáo tài chính được kiểm toán cũng đồng nghĩa với việc không đủ hồ sơ để điều chỉnh gia hạn tiến độ, từ đó, nhiều thủ tục pháp lý liên quan đến dự án đến nay vẫn chưa có phương án để tiếp tục triển khai theo quy định. 

Do đó, nhiều dự án đang ở trong tình trạng không thể triển khai các thủ tục pháp lý, từ đó chưa đủ điều kiện kinh doanh và khai thác vận hành.

Trong tổng số 54 dự án nêu trên, một trong những vướng mắc chính ảnh hưởng lớn nhất đến các hoạt động pháp lý đó là các dự án đang bị hết hạn tiến độ, số lượng 12 dự án. Từ lý do hoạt động pháp lý không được triển khai dẫn đến các rủi ro, nguy cơ về các dự án có nguy cơ bị thu hồi, số lượng 8 dự án.

Những khó khăn vướng mắc chung các dự án vướng phải gồm:

Thứ nhất, những dự án đã hết hạn tiến độ phải gia hạn quy thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, theo quy định pháp luật, một trong những hồ sơ bắt buộc phải có là báo cáo tài chính được kiểm toán của 2 năm gần nhất. Tuy nhiên hiện nay nội dung này không thể đáp ứng. Rủi ro cho việc này là dự án sẽ chậm đưa đất vào sử dụng, khi đủ điều kiện gia hạn dự án phải nộp tiền sử dụng đất bổ sung cho thời gian chậm đó, thậm chí có thể bị thu hồi.

Đối với những dự án đang xây dựng dở dang mà đã có giấy phép xây dựng thì tiếp tục thi công, tuy nhiên do tình hình tài chính khó khăn nên việc xây dựng rất chậm, ảnh hưởng đến khách hàng và tiến độ chung của dự án. 

Đối với những dự án đang xây dựng dở dang mà có những hạng mục chưa có giấy phép xây dựng hoặc những dự án mới được giao đất đang trong quá trình lập hồ sơ thiết kế trình thẩm định. Đặc điểm chung là các hạng mục công trình này không thể thẩm định thiết kế và cấp giấy phép xây dựng do tiến độ thực hiện dự án đã hết hạn, không thể gia hạn. 

Một tình trạng khác của các dự án trên đó là đang nợ tiền thuê đất, tiền sử dụng đất rất lớn, tổng nghĩa vụ tài chính phải nộp lên đến hơn 1.000 tỷ đồng. Điều này là rào cản rất lớn trong việc địa phương tháo gỡ vướng mắc các thủ tục pháp lý của dự án. 

Khó khăn vướng mắc chung hiện tại là không chứng minh năng lực tài chính, không cung cấp được hồ sơ báo cáo tài chính.

Đặc biệt với 3 dự án có nguy cơ rất cao bị thu hồi Dự án Khu đô thị Yên Lạc Green City, Dự án Khu đô thị Bắc Sông cầu - Phân khu A, dự án Khu đô thị mới Vị Thanh, phường V, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. Tình trạng pháp lý chung là đã hoàn thành lựa chọn chủ đầu tư, chuẩn bị giải phóng mặt bằng để giao đất và làm các thủ tục thiết kế thi công, chưa có phát sinh chi phí đầu tư. Tuy nhiên khó khăn vướng mắc lớn nhất hiện nay đó là FLC không bố trí được kinh phí để chi trả. 

Mặt khác, tiến độ thực hiện dự án đã chậm hoặc đã hết hạn hoặc bảo đảm thực hiện dự án hết hạn, nếu muốn tiếp tục thực hiện thì tập đoàn phải chứng minh năng lực tài chính. 

Với các dự án này để có thể đảm bảo quyền và thu hồi giá trị đã đầu tư chỉ có thể xem xét theo các phương án: Chứng minh năng lực tài chính và chuyển kinh phí giải phóng mặt bằng tiếp tục thực hiện dự án; Tìm đối tác có đủ năng lực để hợp tác đầu tư.

Trong trường hợp không thực hiện theo 2 phương án trên, cần thiết có phương án chủ động/tự nguyện chấm dứt hoạt động dự án trước khi tỉnh có quyết định thu hồi để chủ động thu hồi chi phí đã bỏ ra (trường hợp tỉnh quyết định thu hồi tập đoàn sẽ không được bồi thường/hoàn trả/thu hồi chi phí đã đầu tư);

Đối với 14 dự án đã chấm dứt hoạt động đầu tư. Các dự án đã chấm dứt hoạt động đầu tư có 2 hình thức, tập đoàn tự chấm dứt hoặc tỉnh chủ động thu hồi.

Lý do chấm dứt hoạt động đầu tư gồm: Không chứng minh năng lực tài chính triển khai dự án; Các thủ tục pháp lý dự án trước khi giao chủ đầu tư chưa đảm bảo quy định pháp luật; Chủ đầu tư không đảm bảo tiến độ thực hiện dự án; Hiệu quả kinh tế của dự án không cao. Phương án xử lý hiện nay cho các dự án đã chấm dứt đó là thu hồi lại chi phí đã đầu tư. 

Tuy nhiên để thực hiện nội dung này mất rất nhiều thời gian vì phải phụ thuộc vào địa phương lựa chọn nhà đầu tư mới thực hiện dự án sau đó FLC sẽ làm việc để xác định các chi phí đã bỏ ra.

Tổng chi phí cần phải thu hồi ước tính khoảng 450 tỷ.

Tổ hợp chung cư FLC Complex, Phạm Hùng, Hà Nội. (Ảnh: FLC). 

 

Đã trích lập toàn bộ khoản phải thu gần 11.000 tỷ

Về việc thực hiện trích lập dự phòng phải thu khó đòi, dự phòng tổn thất khoản đầu tư vào các đơn vị khác và giá trị hàng tồn kho thực tế trên báo cáo tài chính của công ty và các công ty con và thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính. 

Theo phê duyệt của ĐHĐCĐ bất thường 2023, số công nợ phải thu bao gồm các khoản cho vay, nợ phải thu, hợp tác đầu tư tính đến 31/12/2022 là 10.602 tỷ đồng. 

Trong đó, các khoản xác định chưa thể truy đòi 7.936 tỷ đồng đưa vào chi phí một lần và theo dõi ngoài: Số liệu hợp nhất đã ghi nhận thực hiện trong năm 2021 và 2022 xóa nợ 7.936 tỷ đồng, đạt 100%.

Các khoản tiếp tục truy đòi, đàm phán thu nợ 2.666 tỷ đồng: Toàn hệ thống đã thực hiện trích lập 100%. 

Về khoản đầu tư vào CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways): Giá gốc khoản đầu tư của FLC vào Bamboo Airways là 4.015 tỷ đồng đã trích lập 100% giá trị đầu tư (năm 2021 trích lập 373 tỷ đồng, năm 2022 trích lập 3.642 tỷ đồng). 

Khoản đầu tư vào CTCP Quản lý vốn và Tài sản FLC Holding (FCA) giá trị khoản đầu tư gần 568 tỷ đồng, đã trích lập 100%. 

Khoản đầu tư vào Công ty TNHH Một thành viên FLC Land giá trị khoản đầu tư là 300 tỷ đồng, đã được trích lập 100%. 

Đối với tình trạng thực tế của hàng tồn kho, theo số liệu tại báo cáo hợp nhất quý IV/2021, giá trị tồn kho là 2.159 tỷ đồng, sau khi thực hiện kiểm kê, tra lục và xác định lại, giá trị hàng tồn kho thực tế ghi nhận là 1.600 tỷ đồng.

Thực hiện Nghị quyết ngày 20/9/2022 của HĐQT, tập đoàn đã thực hiện ký kết hợp đồng kiểm toán số với Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn UHY để kiểm toán báo cáo tài chính riêng và hợp nhất của tập đoàn và các công ty con. 

Tuy nhiên, sau 2 năm nỗ lực cả hai bên vẫn chưa thống nhất được các nội dung liên quan tới báo cáo tài chính nên chưa phát hành báo cáo kiểm toán cho năm 2021, điều này cũng làm ảnh hưởng tiến độ thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính các năm tiếp theo. 

Đến hiện tại, Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn UHY đang tiếp tục thực hiện hợp đồng kiểm toán, công ty đang hết sức nỗ lực phối hợp cùng đơn vị kiểm toán UHY thực hiện hoàn tất công tác kiểm toán phát hành báo cáo tài chính kiểm toán 2021. 

Vấn đề liên quan đến phương án trả nợ trái phiếu dự án Quảng Bình 9, tại kỳ họp bất thường năm 2023, trên cơ sở báo cáo của HĐQT, ĐHĐCĐ đã phê duyệt thông qua chủ trương giãn thời hạn thanh toán tiền gốc trái phiếu trong thời gian phù hợp và hoán đổi tiền gốc, lãi trái phiếu với các bất động sản do công ty đang đầu tư và phát triển, cụ thể như sau:

 - Trả nợ gốc, lãi trái phiếu số tiền: 283 tỷ đồng và vẫn đang tiếp tục huy động nguồn lực để thanh toán các nghĩa vụ. 

- Đã tổ chức hội nghị trái chủ bằng phương pháp lấy ý kiến bằng văn bản xin thông qua nội dung gia hạn kỳ hạn trái phiếu. Tuy nhiên, chưa được các trái chủ đồng ý. 

Ngoài ra, cũng đã nhiều lần phản hồi/đề xuất bằng văn bản với các trái chủ về việc hoán đổi nghĩa vụ bằng bất động sản và các sản phẩm/dịch vụ khác của Tập đoàn FLC. 

Trong thời gian tới, công ty tiếp tục phối hợp cùng các đơn vị tư vấn phát hành, huy động nguồn lực tài chính thanh toán các nghĩa vụ trái phiếu, đưa ra các giải pháp hoán đổi nghĩa vụ hoặc giãn tiến độ thanh toán gốc, lãi trái phiếu. 

chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.