Cách Hà Nội khoảng 150 km, Lạng Sơn là một trong 7 tỉnh biên giới giáp Trung Quốc, nằm ở nút giao kinh tế với các tỉnh Cao Bằng, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Quảng Ninh và Bắc Giang, có nhiều tuyến giao thông lớn đi qua như Quốc lộ 1A, 1B, 4A, 4B và tỉnh lộ 279.
Địa phương này cũng là điểm đầu tiên của Việt Nam nằm trên hai tuyến hành lang kinh tế gồm: Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng và Lạng Sơn - Hà Nội - TP HCM - Mộc Bài, là cửa ngõ kết nối Trung Quốc với các nước ASEAN.
Với địa hình phức tạp với hơn 80% diện tích là đồi núi, thị trường BĐS Lạng Sơn trước đến nay nhìn chung ít sôi động hơn so với các tỉnh lân cận. Tuy nhiên, khoảng 3 năm trở lại đây, tỉnh vùng biên này lại là nơi hội tụ của rất nhiều doanh nghiệp BĐS lớn nhỏ.
Năm 2021, Lạng Sơn bắt đầu nổi lên khi liên tục đón các doanh nghiệp lớn về tìm hiểu, nghiên cứu đầu tư dự án.
Đơn cử như CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam (mã chứng khoán: IDJ) đề xuất tài trợ quy hoạch, triển khai thực hiện KĐT sinh thái Yên Trạch; Tập đoàn Sovico công bố tham gia hồi sinh Khách sạn - Sân golf Hoàng Đồng tại TP Lạng Sơn. FLC, Kosy hay SM Group... sau đó đã lần lượt đề xuất làm các dự án BĐS.
Trước làn sóng đầu tư, Lạng Sơn đã công bố mời đầu tư 10 dự án nhà ở, du lịch quy mô lớn với tổng mức đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng giai đoạn đến năm 2025, trong đó có 7 dự án tại TP Lạng Sơn.
Năm 2022, thị trường BĐS bước vào giai đoạn đi xuống, song Lạng Sơn vẫn có sức hút đối với nhiều doanh nghiệp BĐS lớn như TNG, Sunshines Home, Quốc tế Sơn Hà, Tân Hoàng Minh, Phú Thái, Midgroup, Intracom, Viglacera, Anh Phát Corp... Cũng trong năm này, Sun Group đã khởi công quần thể du lịch, sinh thái cáp treo Mẫu Sơn hơn 7.300 tỷ đồng.
Năm 2023, điểm nhấn lớn nhất của Lạng Sơn trong năm là vào cuối tháng 8, khi Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư khu công nghiệp VSIP Lạng Sơn với diện tích 600 ha, tổng vốn 275 triệu USD.
Đến cuối tháng 9/2023, Tập đoàn BGI đã khởi công Khu đô thị phía Đông Nam thị trấn Đồng Mỏ (huyện Chi Lăng) với tổng mức đầu tư 674 tỷ đồng. An Phú Hưng - công ty con của Phục Hưng Holdings cuối tháng 12/2023 khởi công dự án Cụm công nghiệp Đình Lập gần 700 tỷ đồng.
Nhìn chung, trong bối cảnh suy thoái của thị trường, làn sóng đầu tư vào Lạng Sơn năm 2023 vừa qua có phần ảm đạm hơn giai đoạn 2021 - 2022, khi địa phương chỉ đón một vài doanh nghiệp tìm về như GP Invest, Telin Group hay Midland.
Số liệu của Sở Xây dựng tỉnh Lạng Sơn công bố vừa qua về nhà ở và thị trường bất động sản (BĐS) trên địa bàn cho thấy, tính riêng quý IV/2023, địa phương này có 2 dự án BĐS được chấp thuận chủ trương đầu tư, không có dự án đủ điều kiện đưa vào kinh doanh.
Về lượng giao dịch trong quý, tỉnh ghi nhận 56 giao dịch căn hộ chung cư (diện tích 3.373 m2) và 52 ô đất để xây dựng nhà ở theo hình thức phân lô, bán nền (diện tích 5.506 m2), đều là BĐS của dự án được giao dịch thông qua sàn.
Giá giao dịch trung bình đối với phân khúc đất nền khoảng 9 triệu đồng/m2; với nhà ở xã hội gần 11,9 triệu đồng/m2. Trước đó trong quý III, Lạng Sơn ghi nhận 34 giao dịch chung cư và 12 giao dịch đất nền.
Thống kê trong cả năm 2023, tỉnh Lạng Sơn hoàn thành đưa vào sử dụng 217 căn nhà ở xã hội (diện tích 14.476 m2); đang thi công xây dựng 1.236 m2 nhà ở thương mại; không có nhà ở, đất ở phục vụ tái định cư.
Khu vực đô thị có 1.200 căn nhà ở (diện tích 98.871 m2); khu vực nông thôn có 2.121 căn (diện tích 545.172 m2). Ngoài ra, địa phương có 601 nhà ở, đất ở được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.