Lộ diện vị trí đắc địa của KCN VSIP Lạng Sơn: Giáp cao tốc và tuyến đường sắt tốc độ cao, sẽ chia hai phân kỳ đầu tư

KCN VSIP Lạng Sơn có quy mô khoảng 600 ha với vốn đầu tư 275 triệu USD, được bao quanh bởi cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng được quy hoạch thành đường sắt tốc độ cao. Theo kế hoạch, dự án sẽ triển khai theo hai giai đoạn là 2022 - 2027 và 2027 - 2032.

Công ty TNHH VSIP Lạng Sơn vừa công bố một báo cáo liên quan đến dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp VSIP Lạng Sơn. Dự án này được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư vào ngày 15/5/2023, đến ngày 10/10 vừa qua đã được UBND huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500.

Vào ngày 29/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Singapore đã tham dự Hội nghị thúc đẩy triển khai các dự án hợp tác đầu tư Việt Nam - Singapore. Trong khuôn khổ buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trao cho đại diện VSIP quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án KCN VSIP Lạng Sơn.

KCN VSIP Lạng Sơn có tổng diện tích khoảng 600 ha, nằm trên địa bàn 2 xã Hồ Sơn và Hòa Thắng, huyện Hữu Lũng. Phía bắc dự án giáp thôn Na Ví và thôn Đồng Gia, xã Hồ Sơn; phía nam giáp thôn Suối Ngang 1, xã Hòa Thắng; phía đông giáp đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn; phía tây giáp đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn.

Vị trí KCN VSIP Lạng Sơn nhìn trên bản đồ. (Ảnh chụp từ báo cáo).

Cần chuyển đổi 133 ha đất rừng

Về hiện trạng, phần đất lập quy hoạch dự án nằm ở một phần các xã Hồ Sơn, Hòa Thắng, chủ yếu là đất nông nghiệp, lâm nghiệp trồng cây lâu năm, cây công nghiệp, cây ăn quả diện tích lúa hạn chế. Đất ở nông thôn các làng phân bố dọc theo các tuyến giao thông liên thôn quy mô nhỏ, mật độ thấp.

Trong đó, đất nông nghiệp chiếm khoảng 530 ha (bao gồm: đất lúa 105,5 ha; đất rừng sản xuất 133 ha; đất trồng cây lâu năm 256 ha; đất trồng cây hàng năm khác 34 ha; đất nuôi trồng thuỷ sản 2,5 ha). Đất phi nông nghiệp tại dự án là 65 ha (bao gồm: đất ở 37 ha; đất giao thông thuỷ lợi 22 ha; đất kênh rạch, suối 6 ha và một phần nhỏ đất nhà văn hoá, nghĩa trang). Còn lại đất chưa sử dụng chiếm khoảng 5 ha.

Nhà ở tại khu vực dự án chủ yếu là nhà cấp IV, nhà xây kiên cố hạn chế bám dọc đường ĐT.242, ĐT.245. Trong ranh giới thực hiện dự án không bị ảnh hưởng đối với công trình công cộng và công trình văn hóa.

Hiện trạng dân cư trong ranh đất lập quy hoạch gồm hai xã Hồ Sơn và Hòa Thắng, trong đó xã Hồ Sơn gồm 4 thôn (Trại Nhạm, Nhất Hà, Phú Vị, Tám Nhăm) với 213 hộ và 904 nhân khẩu phải di dời; xã Hòa Thắng gồm 3 thôn (Suối Ngang 1, Suối Ngang 2, Xóm Chùa) với 230 hộ và 860 nhân khẩu phải di dời.

Nhìn chung, quá trình thực hiện, dự án sẽ thu hồi 37 ha đất ở với khoảng 443 hộ dân bị ảnh hưởng. Thu hồi và chuyển mục đích sử dụng khoảng 133 ha đất rừng, chủ yếu là đất rừng sản xuất, loài cây rừng trồng phổ biến là keo, bạch đàn,...

Về hiện trạng giao thông, các tuyến đường đối ngoại của dự án hiện có ĐT.242 đi cắt ngang theo hướng tây - đông, rộng 6 - 7 m; tuyến ĐH96 chạy giáp ranh giới phía bắc rộng 6 - 7 m; tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng chạy giáp ranh giới phía đông; tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn chạy tiếp giáp phía tây.

Khu vực quy hoạch có địa hình dốc, chủ yếu là đồi núi có cao độ 20 - 65 m. Khu vực dân cư thôn xóm hiện hữu cao độ nền 20 - 30 m. Khu vực đồi núi có độ dốc lớn, cao độ nền 30 - 65 m. Cao độ tại những điểm trũng (đất trồng lúa, đất ao hồ…) 18 - 20 m.

Khu vực này hiện chưa có hệ thống thu gom nước mặt. Nước mưa hiện trạng chủ yếu được tập trung tại những điểm như khu vực có cao độ thấp như ao hồ, rồi tự thấm hoặc chảy vào hai con sông phía nam dự án, chảy theo hướng đông - tây rồi chảy ra sông Thương.

Chia hai phân kỳ đầu tư 

Về tính chất, đây sẽ là khu công nghiệp tập trung đa ngành ưu tiên phát triển công nghiệp sạch, công ngh nghệ tiên tiến, ít gây ô nhiễm môi trường, được đầu tư xây dựng mới đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, có đầy đủ các khu vực chức năng như: nhà máy, kho tàng công nghiệp; điều hành dịch vụ, giao thông,hạ tầng kỹ thuật, bãi đỗ xe... Về quy mô, đây là dự án nhóm A theo tiêu chí của pháp luật về Luật đầu tư công.

Trong cơ cấu sử dụng đất, dự án sẽ bố trí khoảng 428 ha đất xây dựng các công trình nhà máy kho tàng; 69 ha đất dành cho cây xanh mặt nước; 7 ha làm công trình hành chính, dịch vụ; đất giao thông sẽ chiếm hơn 86 ha và còn lại là đất hạ tầng kỹ thuật.

Trong đó, đất nhà máy kho tàng sẽ được chia thành 27 lô đất với diện tích dao động 7 - 35 ha/lô, mật độ xây dựng 60%, chiều cao tối đa 7 tầng, hệ số sử dụng đất 4,2 lần. Công trình hành chính, dịch vụ sẽ gồm 3 lô đất với mật độ xây dựng 50%, cao tối đa 9 tầng; hệ số sử dụng đất 4,5 lần. 

Về quy hoạch giao thông, KCN VSIP Lạng Sơn sẽ lấy cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn làm động lực thúc đẩy phát triển cho toàn khu. Tuyến cao tốc này có nút giao đấu nối ngay trong phạm vi dự án (nút giao Hồ Sơn), mặt cắt ngang đường rộng 34 m.

Dọc ranh giới phía đông bắc và đông nam có tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng. Đây là tuyến đường sắt liên vận Á - Âu kết nối Hà Nội và các tỉnh đông bắc, được định hướng là tuyến đường sắt tốc độ cao. Do vậy, giao cắt với đường sắt tại các trục đường chính là giao cắt khác mức, bố trí cầu vượt qua đường sắt để đảm bảo an toàn và giao thông thông suốt.

Hệ thống giao thông đối nội của dự án sẽ bao gồm các tuyến đường rộng 22,5 - 85,5 m, thiết kế theo mô hình ô bàn cờ. 

Về tiến độ, KCN VSIP Lạng Sơn sẽ được chia thành 2 phân kỳ đầu tư.

Trong đó, phân kỳ 1 (2022 - 2027) sẽ đầu tư phần phía nam dự án, giới hạn từ ranh phía bắc đến trục giao thông đông - tây nối với nút giao Hồ Sơn và khu hạ tầng kỹ thuật. Giai đoạn này sẽ đầu tư xây dựng nhà điều hành, khu dịch vụ, nhà máy xử lý nước thải, trạm cấp nước, trạm biến áp, một số khu cây xanh cảnh quan và khoảng 402 ha đất xây dựng nhà máy, xí nghiệp.

Phân kỳ 2 (2027 - 2032) sẽ đầu tư phần phía bắc dự án, giới hạn từ ranh phía bắc đến trục giao thông đông - tây nối với nút giao Hồ Sơn về phía bắc đi ĐH.96, bao gồm 10 lô đất công nghiệp, 1 trung tâm hành chính dịch vụ, tổng diện tích khoảng 197,5 ha.

Tổng mức đầu tư của KCN VSIP Lạng Sơn là hơn 6.361 tỷ đồng, tương đương gần 275 triệu USD. Trong đó, vốn góp của nhà đầu tư là 954 tỷ đồng, tương đương hơn 41 triệu USD.

Một dự án của VSIP tại Bình Dương. (Ảnh tư liệu: Hoàng Huy).

VSIP muốn làm thêm 12 dự án mới tại Việt Nam

Về chủ đầu tư, VSIP Lạng Sơn thành lập vào ngày 3/7/2023 với vốn điều lệ hơn 954 tỷ đồng, trụ sở đặt tại huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn. Chủ sở hữu của VSIP Lạng Sơn là CTCP Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP).

VSIP được thành lập vào năm 1996 với vốn điều lệ 946 tỷ đồng trên cơ sở hợp tác giữa hai Chính phủ là Singapore do SembCorp dẫn đầu và phía Việt Nam là Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp – CTCP (Becamex IDC, mã chứng khoán: BCM).

Trong 6 tháng đầu năm 2023, VSIP báo lãi sau thuế 442,3 tỷ đồng, tương đương giảm 55,4% so với cùng kỳ năm 2022. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) của doanh nghiệp giảm từ 7,45% ở kỳ trước về mức 3,13%.

Tại ngày 30/6, tổng tài sản của VSIP đạt mức 24.478 tỷ đồng, giảm 13 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp cũng giảm 3,5% còn 14.149 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả là 10.329 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm, trong đó dư nợ trái phiếu là 990 tỷ đồng, giảm gần 4%. 

Đến nay, đã có 11 KCN của VSIP tại Việt Nam đi vào vận hành.Tại buổi làm việc ngày 29/8, Việt Nam và Singapore đã ký kết biên bản hợp tác phát triển 12 dự án VSIP mới tại các địa phương gồm: Nam Định, Khánh Hòa, Ninh Bình, Hải Phòng, Tây Ninh, Hải Dương, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Bình Phước, Quảng Ngãi, Thái Bình).

Lạng Sơn dự kiến có 15 KCN đến năm 2050

Theo hồ sơ trình thẩm định quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh này dự kiến có 15 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích khoảng 4.125,2 ha và 37 CCN với tổng diện tích khoảng 1.904,7 ha trên địa bàn.

Khu vực phát triển các KCN dự kiến tập trung tại các huyện Hữu Lũng, Chi Lăng, Lộc Bình. Đối với CCN, tỉnh sẽ bố trí tại tất cả các huyện trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, bao gồm: TP Lạng Sơn, huyện Hữu Lũng, Chi Lăng, Văn Lãng, Lộc Bình, Tràng Định, Bắc Sơn, Văn Quan, Bình Gia và Đình Lập; giai đoạn sau bổ sung thêm các CCN tại các huyện: Tràng Định, Bắc Sơn, Cao Lộc, Văn Lãng, Đình Lập, Hữu Lũng.

Giai đoạn 2021 - 2025, Lạng Sơn dự kiến có hai KCN với diện tích 761 ha; giai đoạn 2026 - 2030, tỉnh quy hoạch bổ sung mới 5 KCN với diện tích 1.293 ha.

Giai đoạn 2031 - 2050, tỉnh bổ sung mới 8 KCN với diện tích 2.070 ha. Như vậy đến năm 2050, toàn tỉnh có 15 KCN với tổng diện tích khoảng 4.125,2 ha