Qatar - nơi đàn ông khổ vì lấy vợ

Cô dâu muốn hoành tráng vì kết hôn là "sự kiện cả đời" còn chú rể phải tiết kiệm nhiều năm, thậm chí vay nợ vì đám cưới. 
qatar noi dan ong kho vi lay vo
Cô dâu chú rể trong một đám cưới truyền thống ở Qatar. Ảnh: Telegraph

Qatar là quốc gia vùng Vịnh giàu có nhất thế giới với GDP bình quân đầu người gần 130.000 USD. Tuy nhiên, gánh nặng chi trả cho những đám cưới ngày một xa hoa đang khiến đàn ông nước này khó lấy vợ, theo Al Jazeera.

Dân số Qatar là 2,5 triệu người nhưng số phụ nữ chưa đầy 700.000 người. Tại quốc gia Hồi giáo này, giống như bao người đàn ông khác, Jamal Qassim là người chịu trách nhiệm trả mọi chi phí đám cưới.

Qassim phải làm việc và tiết kiệm 9 năm mới đủ 123.000 USD trả tiền làm đám cưới.

"Tôi thậm chí chưa từng có cơ hội đi du lịch ra ngoài Qatar. Tôi chỉ biết tiết kiệm và tiết kiệm, không dám mua xe sang", Qassim nói, hối tiếc vì đã mất quá nhiều tiền cho đám cưới mà cuộc hôn nhân chỉ duy trì vài tháng. Anh ly hôn cuối năm 2012.

Tỷ lệ kết hôn ở Qatar giảm liên tục từ năm 2010, theo thống kê của chính phủ. Một phần do chi phí kết hôn tăng, một phần do phụ nữ được học hành và có bằng cấp cao hơn, tham gia lực lượng lao động nhiều hơn nên ít phụ thuộc chồng. Phụ nữ Qatar cũng sinh con đầu lòng muộn hơn và sinh ít con hơn. Tỷ lệ ly hôn tăng lên từ năm 2001, còn tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi kết hôn vẫn độc thân là 25%.

Ông Hassan Al-Ibrahim, một chuyên gia xã hội học Qatar cho biết đây là một quốc gia nhỏ, nơi mọi người đều biết nhau. Vì thế, "ai cũng trông đợi được mời tới dự đám cưới. Họ luôn cho rằng bạn sẽ mời họ tới dự đám cưới của em trai hay em gái. Do đó, bạn không thể nói 'Tôi chỉ muốn tổ chức một đám cưới nhỏ' vì có thể khiến người khác cảm thấy bị sỉ nhục".

Trở lại với Qassim, anh cho biết gia đình cô dâu tương lai khi đó "vẫn kiên quyết muốn tổ chức đám cưới lớn" và khi anh cố gắng tổ chức nhỏ lại, chỉ có hai gia đình với nhau, "họ đã đe dọa hủy cưới".

Xa xỉ

Đối với tầng lớp trung lưu và bình dân ở Qatar, kết hôn đồng nghĩa với việc gánh thêm một khoản nợ, khiến hôn nhân căng thẳng ngay từ khi bắt đầu.

Số lượng trung tâm tiệc cưới ở đây ít, tiền thuê đắt, khoảng 8.000 - 42.000 USD. Đàn ông Qatar cũng phải tặng quà cưới, thường là trang sức đắt tiền cho cô dâu. Họ cũng phải trả tiền tiệc cho cả nhà trai và nhà gái.

Fadi Attieh, nhân viên công ty tổ chức sự kiện La Noce ở Doha, cho biết đám cưới của nhà trai rất đơn giản, thường là chỉ tới chào hỏi, ăn uống rồi tạm biệt. Tuy nhiên, đám cưới của nhà gái thường được tổ chức cực kỳ hoành tráng, "giống như trong truyện cổ tích Disney".

Năm 2006, chi phí cho đám cưới của nhà gái khoảng 10.000 - 28.000 USD thì năm 2013, con số này tăng lên 28.000 - 69.000 USD và vẫn tiếp tục tăng, có thể lên tới hàng trăm nghìn USD.

Bốn cô gái Qatar trẻ trung, hấp dẫn, chưa kết hôn, nói rằng phụ nữ Qatar coi đám cưới là "sự kiện cả đời" vì thế họ muốn nó thật đặc biệt. Aisha, một người trong đó, sinh ra trong một gia đình đông anh em. Vì thế, đám cưới chắc chắn phải tổ chức thật lớn vì số khách nhà ngoại khoảng 100 người, còn nhà nội là 250.

Cả bốn người đều cho rằng đàn ông dám bỏ tiền làm đám cưới xa hoa cho vợ càng khẳng định giá trị của mình.

"Tôi chỉ muốn có một đám cưới hạnh phúc thôi", Aisha nói.

qatar noi dan ong kho vi lay vo 9 nước 'tẩy chay' Qatar: Khi người giàu cô đơn
qatar noi dan ong kho vi lay vo Qatar bị 'từ mặt', dân cuống cuồng tích trữ lương thực
chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.