Nhóm phụ nữ đi bộ qua khu vực West Bay ở thủ đô Doha. Ảnh: Getty |
Hanan, bác sĩ người Ai Cập sống tại quốc gia giàu dầu mỏ và khí đốt Qatar đã 4 năm, mua thêm vài chiếc vali vào cuối tuần trước.
Cô còn tới ngân hàng và chuyển một phần khoản tiền tiết kiệm tới Ai Cập và đến trường học của các con ở Qatar để rút hồ sơ.
Hanan mang mọi tài sản giá trị khi cô và gia đình bay tới Cairo để gặp người thân vài ngày tới. Họ có thể sẽ không quay trở lại Qatar.
Bất an
“Mọi người Ai Cập tại đây đều thấy bất an. Chúng tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Có thể chính quyền Qatar sẽ yêu cầu chúng tôi rời đi hoặc chính phủ Ai Cập yêu cầu chúng tôi hồi hương”, Hanan nói.
Đã một tuần kể từ khi 9 quốc gia Arab, dần đầu là Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Ai Cập, tuyên bố cắt quan hệ và áp đặt lệnh phong tỏa kinh tế đối với Qatar sau khi cáo buộc nước này hỗ trợ các nhóm khủng bố.
Không khí bao trùm thủ đô Doha lúc này là cảm xúc lẫn lộn giữa nỗi sợ hãi, bất định nhưng kiên nhẫn khi người dân đang tìm cách đối phó với khủng hoảng chính trị và ngoại giao mà ít người tưởng tượng rằng nó sẽ tác động bất ngờ tới cuộc sống của họ như hiện nay.
Ngày 9/6, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson kêu gọi liên minh chống Qatar do Saudi Arabia dẫn đầu giảm nhiệt căng thẳng bởi tình hình hiện nay kéo theo “những hậu quả không mong đợi" gồm tình trạng thiếu lương thực, các gia đình phân tán và quá trình học tập của trẻ em bị gián đoạn.
Cắt sợi dây ngoại giao và kinh tế giữa các nước vùng Vịnh cũng gây tổn hại cho các doanh nghiệp Mỹ và quốc tế, đồng thời "cản trở các hoạt động quân sự của Mỹ trong khu vực và chiến dịch chống lại Nhà nước Hồi giáo IS”, theo ông Tillerson.
Chưa đầy một giờ sau đó, Tổng thống Donald Trump có phát biểu "như dội gáo nước lạnh" vào những lời kêu gọi trước đó của Ngoại trưởng Tillerson khi nói với các phóng viên tại Washington rằng, Qatar từng là "nhà tài trợ khủng bố ở mức rất cao". Qatar nhiều lần bác bỏ cáo buộc này.
Các thành viên của liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu tỏ ra hoan nghênh lời yêu cầu của ông Trump rằng Qatar cần chấm dứt việc “tài trợ và tư tưởng cực đoan của nước này”. Tuy nhiên, nhóm vẫn im lặng trước lời kêu gọi của ngoại trưởng Mỹ nhằm giảm áp lực kinh tế đối với Doha.
Trong một tuyên bố hôm 8/6, chính phủ UAE ca ngợi "sự lãnh đạo của Trump trong việc thách thức việc tài trợ ‘gây chướng mắt’ của Qatar đối với chủ nghĩa cực đoan”.
Áp lực tăng từng ngày
Căng thẳng vùng Vịnh không có dấu hiệu hạ nhiệt. Ảnh minh họa: AP |
Nhóm 9 nước Arab tuyên bố cắt liên kết đường bộ, đường biển và hàng không với Qatar, quốc gia phụ thuộc nhiều vào hàng lương thực và nhu yếu phẩm nhập khẩu. Các quốc gia cũng thông báo cho phép công dân Qatar sống ở nước ngoài có 2 tuần để rời khỏi đất nước họ, đồng thời kêu gọi công dân của mình hồi hương.
Tổ chức Ân xá Quốc tế cho rằng Saudi Arabia, Bahrain và UAE "đang đùa giỡn với hàng ngàn người dân vùng Vịnh trong tranh chấp giữa họ và Qatar”.
“Những biện pháp mạnh đó gây ảnh hưởng nghiêm trọng, làm chia tách trẻ em từ tay cha mẹ và khiến các cặp vợ chồng sống chia cách. Công dân trên khắp khu vực, không chỉ ở Qatar mà còn ở những quốc gia thực thi những biện pháp này đứng trước nguy cơ mất việc làm và giáo dục bị gián đoạn”, James Lynch, phó giám đốc Tổ chức Ân xá Quốc tế ở khu vực Trung Đông, cho hay:
Bà Walaa El-Kadi, một phụ nữ Lebanon, sống gần cả cuộc đời ở Qatar, cho biết: "Chúng tôi lo lắng về việc mất quyền tiếp xúc người thân ở các nước GCC khác”. Bà đề cập đến Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh, một tổ chức gồm 6 quốc gia vùng Vịnh trong đó có Qatar, Saudi Arabia và UAE.
Mustafa, cũng tới từ Lebanon, không giấu được sự lo lắng.
Là quản lý của một công ty xây dựng, nhưng trong tuần này, anh phải đối mặt với sự chậm trệ của một số dự án. Công ty phải nhập nguyên liệu thô và các mặt hàng khác qua biên giới Saudi Arabia và UAE giờ đây phải chuyển sang lấy hàng từ Đức, Ấn Độ.
"Chúng tôi phải đối mặt với sự chậm trễ ít nhất từ 2 đến 3 tuần", Mustafa nói.
Cả Bahrain và UAE đều công khai tuyên bố phạt tù nhiều năm những người bày tỏ thiện cảm với Qatar hoặc chỉ trích các chính sách của chính phủ đối với Doha trên các phương tiện truyền thông xã hội hoặc bất kỳ phương tiện truyền thông nào khác.
Siêu thị Al Meera ở Doha hôm 10/6. Cấm vận kinh tế dẫn tới nguy cơ thiếu nhu yếu phẩm ở Qatar thời gian tới. Ảnh: AFP/Getty |
Tại một số siêu thị ở Doha, vẫn còn một số nhu yếu phẩm thực phẩm nhập khẩu từ Saudi Arabia chẳng hạn như sữa và sữa chua. Tuy nhiên, các sản phẩm được tích trữ từ đầu tuần đã không còn.
Giờ đây, sữa và nước trái cây từ Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng quan trọng của Qatar, được bày bán trên các kệ, bù lấp các sản phẩm thiếu hụt từ Saudi Arabia và UAE. Tuy nhiên, người ta vẫn lo ngại về khả năng dân Qatar thiếu một số thực phẩm trong tương lai.
"Ngay bây giờ, khi tôi mua 12 củ hành, họ hỏi liệu tôi có thực sự cần hành hay không", Haithem Elgamal, 19 tuổi, nói về câu hỏi của các nhân viên siêu thị Al Meera.
Tại Sân bay Quốc tế Hamad ở thủ đô Doha, tài xế taxi cảm thấy tức giận. Hàng chục chuyến bay, chủ yếu là của hãng Qatar Airways bị dừng hoặc hoãn. Điều đó có nghĩa là số lượng hành khách đi taxi cũng giảm. “Thật tệ”, một tài xế than thở.
Không khúm núm
Trong khi đó, nhiều người dân ở Qatar lo ngại trước viễn cảnh về một cuộc xung đột quân sự giữa Qatar và các nước láng giềng.
Một số người yêu nước thậm chí đặt quốc kỳ Qatar trước cửa nhà. Tranh chấp ngoại giao có thể kéo theo suy nghĩ thù dịch lâu dài.
"Tôi sẽ không bao giờ mua các sản phẩm của Saudi Arabia và UAE nữa. Tôi sẽ trung thành với những nước ủng hộ chúng tôi lúc này”, một người đàn ông Qatar rời khỏi siêu thị Al Meera cho hay.
Theo Elgamal sinh ra ở Qatar, nhưng mang quốc tịch Ai Cập, Qatar nên duy trì tính độc lập và không cần phải khúm núm trước nhóm các nước đã cắt quan hệ ngoại giao với họ.
“Tôi sẽ không rời khỏi Qatar ngay cả khi chính quyền Ai Cập kêu gọi chúng tôi trở lại" anh nói. "Đây là đất mẹ của tôi”.
Đối với bác sĩ Hanan, áp lực đang gia tăng từng ngày.
Gia đình và bạn bè của cô ở Ai Cập liên tục gửi email và tin nhắn hỏi thăm sự an toàn của cô qua Facebook mỗi ngày.
Rất nhiều bạn của Hanan đã hoãn chuyến bay về Ai Cập vì sợ không thể trở lại Qatar. Đó là lý do tại sao Hanan lại mang theo những tài sản quý giá nhất của cô khi lên chuyến bay về quê hương.
"Tôi có thể hoãn chuyến đi, nhưng lại quá sợ hãi nếu ở lại", cô nói.
3 kịch bản cho cuộc khủng hoảng Qatar
Nguy cơ chiến tranh nổ ra ở vùng Vịnh từ khủng hoảng Qatar là rất thấp, khi các nước đều muốn giải quyết căng thẳng ... |
Vì sao Qatar không nao núng khi bị thế giới Arab cô lập?
Dù bị 9 quốc gia Arab cô lập ngoại giao, Qatar vẫn nắm trong tay quân bài chi phối sự ổn định của cả khu ... |
Thời sự 06:59 | 10/07/2017
Thời sự 10:43 | 23/06/2017
Thời sự 02:04 | 16/06/2017
Thời sự 02:51 | 15/06/2017
Thời sự 14:29 | 13/06/2017
Thời sự 12:31 | 12/06/2017
Thời sự 12:01 | 12/06/2017
Thời sự 08:23 | 12/06/2017