Quảng Ninh: Cao tốc Vân Đồn – Tiên Yên hơn 3.600 tỷ đồng có thể chậm tiến độ do địa hình phức tạp

Cao tốc Vân Đồn – Tiên Yên đã phải triển khai muộn mất hơn một năm do phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, hiện tuyến cao tốc đang gặp khá nhiều khó khăn trong quá trình tổ chức thi công, đòi hỏi chủ đầu tư và nhà thầu phải tập trung cao nhất.

Theo kế hoạch, đến tháng 12/2021, cao tốc Vân Đồn - Tiên Yên sẽ hoàn thành để đưa vào khai thác đồng bộ cùng tuyến cao tốc Tiên Yên - Móng Cái.

Trước đó, nhằm đảm bảo phương án tài chính trong triển khai cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, vào tháng 7/2020, tỉnh Quảng Ninh đã tách cao tốc Vân Đồn - Móng Cái thành hai dự án độc lập, gồm: Vân Đồn - Tiên Yên và Tiên Yên - Móng Cái.

Quảng Ninh: Cao tốc Vân Đồn – Tiên Yên hơn 3.600 tỷ đồng có thể chậm tiến độ do địa hình phức tạp   - Ảnh 1.

Thi công nền đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái. (Ảnh: Báo Quảng Ninh).

Cao tốc Tiên Yên - Móng Cái được triển khai theo hình thức BOT, khởi công từ năm 2019, còn cao tốc Vân Đồn - Tiên đến năm 2021 mới hoàn thiện các thủ tục pháp lý điều chỉnh để bắt đầu tổ chức thi công.

Cao tốc Vân Đồn - Tiên Yên được thiết kế có chiều dài 16,08 km, 4 làn xe, tốc độ tối đa 120 km/h. Tổng mức đầu tư hơn 3.600 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh.

Phạm vi cao tốc Vân Đồn – Tiên Yên được giới hạn như sau: điểm đầu tại Km71 (thuộc xã Đài Xuyên, huyện Vân Đồn, nối với cao tốc Hạ Long - Vân Đồn), điểm cuối tại Km87+080 (thuộc xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên, nối với cao tốc Tiên Yên - Móng Cái).

Theo báo Quảng Ninh, phía chủ đầu tư dự án đã cho tăng tốc tổ chức thi công để bù lại thời gian chậm một năm vì điều chỉnh tài chính. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, dự án lại đối mặt với rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ tổng thể.

Quảng Ninh: Cao tốc Vân Đồn – Tiên Yên hơn 3.600 tỷ đồng có thể chậm tiến độ do địa hình phức tạp   - Ảnh 1.

Nhà thầu thực hiện nạo vét bùn trong giới tuyến để thay đất tại Km73+900. (Nguồn: Báo Quảng Ninh).

Cụ thể, toàn tuyến đi qua địa hình có địa chất phức tạp, chủ yếu là bãi triều, có nền đất yếu, lún sâu. Theo tính toán của đơn vị tư vấn, có đoạn bùn đất sâu đến trên 10 m. Các biện pháp đối phó hiện đang tốn nhiều thời gian (để thực hiện bấc thấm và thay đất) và chi phí khá cao (biện pháp cọc đất).

Hơn nữa, đoạn lún phức tạp nhất tuyến dài 4,8 km nằm tại khu vực huyện Vân Đồn có đến 7 cầu bắc qua lạch biển, dẫn đến tuyến đường thi công không liền mạch, bị chia cắt. Do đó, công tác vận chuyển đất, cát thay thế và bùn thải đến điểm tập kết gặp phải nhiều khó khăn. Muốn tiếp cận công trường thi công đoạn 4,8 km, phương tiện phải đi qua 15 km gồm đường rừng và đường dân sinh nhỏ hẹp; có vị trí không tiếp cận bằng đường bộ phải nạo vét luồng lạch tiếp cận bằng đường thuỷ… Điều này dẫn đến quãng đường vận chuyển kéo dài, khó khăn, tốn nhiều thời gian.

Để khắc phục những vấn đề nêu trên, chủ đầu đã tiến hành họp hiện trường, yêu cầu các nhà thầu tổng hợp khó khăn, đề xuất giải pháp kỹ thuật chi tiết tại từng vị trí để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

Đồng thời, chủ đầu tư cũng thực hiện điều chỉnh lại phương án đường công vụ, xây dựng thêm hai cầu tạm, mỗi cầu dài 12 m để rút ngắn quãng đường, thời gian vận chuyển đất, cát đắp nền về công trường.

Ngoài ra, các nhà thầu được giao nâng công suất xử lý bấc thấm, nhằm rút ngắn thời gian xử lý nền đất yếu; tập trung nguyên vật liệu để sẵn sàng tổ chức thi công khi địa chất đã ổn định. Các đoạn tuyến không bị ảnh hưởng do địa chất sẽ được tập trung đẩy mạnh thi công góp phần đảm bảo tiến độ và chất lượng cao tốc Vân Đồn - Tiên Yên. 

chọn
'Đất huyện ven trúng đấu giá gấp nhiều lần khởi điểm là đúng thực tế'
Thứ trưởng Tài nguyên & Môi trường cho rằng các địa phương đã kiểm soát chặt công tác đấu giá nhưng thời điểm giao thoa giữa luật cũ và mới phần nào khiến giá trúng tăng cao.