Hôm nay, Quốc hội thảo luận về thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực. Nhiều đại biểu đã nêu quan điểm về quy hoạch đô thị mới, chỉ ra những bất cập khi điều chỉnh quy hoạch,...
Đại biểu đoàn Hà Nội Nguyễn Anh Trí đề nghị Quốc hội bổ sung định hướng phát triển không gian ngầm ở các thành phố lớn, nhất là Hà Nội và TP HCM.
"Tôi nghĩ rằng đây là vấn đề rất quan trọng sau 30-50 năm nữa, lúc đó nhu cầu mở rộng thành phố chắc chắn sẽ có, việc mở rộng theo hướng lấy thêm đất là rất tốn kém và có thể bất khả thi. Việc mở rộng theo hướng đi ngầm dưới lòng thành phố đã có sẽ hữu hiệu hơn", ông Trí phát biểu.
Đại biểu đoàn Hà Nội cho rằng nếu có quy hoạch để xác định được đâu là tàu điện ngầm, đâu là siêu thị ngay bây giờ thì sau này sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.
Ông Trí nhận định việc đang phát triển các công trình ngầm nhỏ lẻ nhưng đã gặp những bất cập khó điều chỉnh hoặc điều chỉnh được thì rất tốn kém. Bởi vậy, cần tập trung đội ngũ, chuyên gia trong và ngoài nước giỏi; nên có một nguồn kinh phí đủ lớn để làm cho được việc phát triển quy hoạch không gian ngầm ở các thành phố của Việt Nam.
Ngoài ra, đại biểu này nhận định cần quyết tâm xây dựng hệ thống tàu điện ngầm ở các thành phố, nhất là Hà Nội và TP HCM.
"Chỉ với hệ thống tàu điện ngầm đồng bộ, hiện đại, hợp lý thì mới có thể giải quyết căn cơ tình hình giao thông quá tải, lộn xộn hiện nay và sau này" ông Trí cho hay.
Hiện nay, Hà Nội đang vận hành tuyến đường sắt đô thị duy nhất là Cát Linh - Hà Đông. Dự kiến đoạn trên cao tuyến Nhổn - ga Hà Nội sẽ hoàn thành trong năm nay, đề xuất vận hành toàn tuyến vào năm 2029. Nhiều tuyến đường sắt đô thị khác đi nổi và ngầm cũng đang trong quá trình đầu tư.
Còn tại TP HCM đang phát triển các tuyến đường sắt đô thị như Bến Thành - Suối Tiên, Bến Thành - Tham Lương...
Đại biểu đoàn Hà Nội Trần Việt Anh cho biết theo báo cáo, việc điều chỉnh quy hoạch được kiểm soát ngày càng chặt chẽ, tuân thủ Luật Quy hoạch và Luật Xây dựng. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế và phản ánh từ cơ sở thì các dự án, đặc biệt các dự án đô thị được điều chỉnh quy hoạch phát sinh rất nhiều bất cập.
Thông thường chúng ta chỉ nhận thấy ngay lập tức các áp lực của sự gia tăng về giao thông đô thị cho khu vực, nhưng áp lực lớn nhất được đặt lên chính quyền địa phương tại khu vực đó là về an ninh, y tế, giáo dục hay thiết chế văn hóa, hạ tầng xã hội. Có những dự án sau điều chỉnh dân số tăng thêm gần 1 phường.
Qua đại dịch Covid-19 càng bộc lộ rõ, chúng ta không thể tăng thêm một đồn công an hay một trạm y tế được, trường học và các thiết chế sẽ từ từ bộc lộ, gánh nặng sẽ được đặt lên chính quyền địa phương và ngân sách nhà nước sẽ phải đầu tư nhiều năm để khắc phục và đảm bảo quyền lợi cho người dân, trong khi nhà đầu tư được hưởng ngay hạ tầng sẵn có của khu vực”, đại biểu Trần Việt Anh nêu.
Trên cơ sở đó, vị đại biểu đoàn Hà Nội kiến nghị, cần có khảo sát, đánh giá tác động đối với các dự án đô thị của các khu vực quy hoạch ổn định được điều chỉnh những năm gần đây để có góc nhìn chính xác về việc điều chỉnh quy hoạch.
Đại biểu đoàn Hưng Yên Nguyễn Đại Thắng đánh giá trong quá trình triển khai Luật quy hoạch vẫn còn tồn tại những hạn chế, không phù hợp với thực tiễn chưa kịp thời được sửa đổi, bổ sung. Một số quy định về đấu thầu, lựa chọn tư vấn quy hoạch được ban hành trước khi Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư công luật có hiệu lực nên chưa có sự đồng bộ.
Đại biểu cho rằng công tác quy hoạch giữ vai trò rất quan trọng nên chúng ta phải có quy hoạch tốt, do đó quy hoạch phải đi trước một bước.
"Phải làm tốt công tác quản lý quy hoạch, hạn chế thấp nhất việc phải điều chỉnh quy hoạch. Việc quy hoạch phải điều chỉnh là minh chứng quy hoạch chưa tốt, chưa có tầm nhìn chiến lược dài hạn, chưa phù hợp thực tiễn”, ông Thắng nhận định.
Theo báo cáo của Đoàn giám sát Quốc hội, sau hơn ba năm thực hiện Luật Quy hoạch sửa đổi, mới có 7 trên 111 quy hoạch được phê duyệt; trong đó có một quy hoạch quốc gia, hai quy hoạch vùng, tỉnh và 4 quy hoạch ngành.