Quy hoạch xác định các chỉ tiêu cụ thể năm 2020 như sau: nhu cầu vận tải toàn vùng đến là 101 triệu tấn hàng hóa và 185 triệu lượt hành khách với tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2010 – 2020 là 8,5% - 9,5%/năm đối với hàng hóa và 7,5% - 8,5%/năm đối với hành khách.
Khối lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển trong vùng năm 2020 là 40 – 50 triệu tấn; tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2010 – 2020 là 15%/năm, khối lượng hành khách thông qua các cảng hàng không trong vùng năm 2020 là 15 – 16 triệu lượt hành khách với tốc độ tăng bình quân 12%/năm.
Về kết cấu hạ tầng giao thông, từng bước nâng cấp mở rộng hệ thống cảng biển đáp ứng nhu cầu. Tổng công suất đến năm 2020 đạt 40 – 50 triệu tấn/năm.
Từng bước nâng cấp mở rộng hệ thống cảng hàng không đáp ứng nhu cầu; hoàn thành cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng công suất 4 triệu hành khách/năm vào năm 2011. Tổng công suất các cảng hàng không của vùng đến năm 2020 là 20 – 25 triệu hành khách/năm và 3 triệu tấn hàng hóa/năm.
Định hướng phát triển đến năm 2030, thỏa mãn được nhu cầu vận tải và dịch vụ vận tải của xã hội với chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế, giá thành hợp lý và cạnh tranh, nhanh chóng, an toàn; kết nối thuận lợi giữa các phương thức vận tải, giữa các tỉnh, thành phố trong vùng, với cả nước và quốc tế.
5 hành lang vận tải chính của vùng bao gồm:
Hành lang ven biển: là một bộ phận của hành lang ven biển Bắc Nam quốc gia quan trọng nhất cả nước, bám theo tuyến chính là quốc lộ 1A hiện tại, nối liền các đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển trong vùng. Hành lang này bao gồm cả các phương thức vận tải: đường sắt, đường bộ và đường biển.
Hành lang Đà Nẵng – quốc lộ 1A – (quốc lộ 9 – Lao Bảo) và hành lang Đà Nẵng – quốc lộ 14B – 14D – Nam Giang: là hai nhánh của hành lang kinh tế Đông Tây; các hành lang này ngoài phục vụ nhu cầu vận tải của vùng còn phục vụ hàng quá cảnh của Lào và Đông Bắc Thái Lan.
Hành lang Đà Nẵng – Tây Nguyên: là hành lang vận tải kết nối cảng biển Đà Nẵng với khu vực Tây Nguyên, bám theo tuyến chính là quốc lộ 14B và đường Hồ Chí Minh hiện tại.
Hành lang Dung Quất – Tây Nguyên: là hành lang vận tải kết nối cảng biển Dung Quất với khu vực Tây Nguyên, bám theo tuyến chính là quốc lộ 24 hiện tại.
Hành lang Quy Nhơn – Tây Nguyên: đây là hành lang vận tải quan trọng nối cảng biển Quy Nhơn với Tây Nguyên và nước láng giềng Campuchia, bám theo tuyến chính là quốc lộ 19 hiện tại.
Quy hoạch dự kiến quỹ đất giành cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2020 là 430 km2, chiếm 1,5% so với diện tích toàn vùng (không tính đất giành cho giao thông trong nội thị thành phố, thị xã).