Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030: Cơ hội tìm ra động lực mới để phát triển

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, đối với xây dựng Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, Hòa Bình phải xác định đây là cơ hội tốt tìm ra điểm nghẽn, động lực mới, giá trị mới để phát huy, đột phá, đạt được mục tiêu đề ra.

Tỉnh Hòa Bình có vị trí quan trọng, thuận lợi, trung tâm kết nối với Hà Nội, vùng Đồng bằng Bắc Bộ và các tỉnh miền núi phía Bắc, là cầu nối, bệ đỡ cho cả vùng Tây Bắc. Tuy nhiên, Hòa Bình chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế, tài nguyên khoáng sản, thiên nhiên, khí hậu, vị trí địa lý.

Do đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, đối với xây dựng Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, Hòa Bình phải xác định đây là cơ hội tốt tìm ra điểm nghẽn, động lực mới, giá trị mới để phát huy, đột phá, đạt được mục tiêu đề ra.

Những điểm nghẽn trong quá trình phát triển

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh vừa tiến hành thẩm định Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050. Theo đó, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao sự quan tâm, chỉ đạo của tỉnh Hòa Bình trong xây dựng quy hoạch.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, muốn phát triển, phát huy những tiềm năng, lợi thế đang có và khắc phục những rào cản thì việc quy hoạch đóng vai trò rất quan trọng, đó là định hướng, sắp xếp, cụ thể hóa chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội để tìm giá trị, cơ hội mới.

 Thành phố Hòa Bình. (Ảnh tư liệu: Trọng Đạt/TTXVN).

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, Quách Tất Liêm cho biết, Hòa Bình là tỉnh thuộc vùng Trung du và miền núi phía Bắc có diện tích tự nhiên 4.590,29 km2 với dân số năm 2020 là 861.216 người. Quy mô GRDP (theo giá hiện hành) của tỉnh tính đến năm 2020 đạt 49.706 tỷ đồng; đứng thứ 6 trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc và chiếm 7,3% GRDP toàn vùng.

GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 57,72 triệu đồng/người, tăng gấp gần 3 lần so với năm 2010 (đạt 20,77 triệu đồng), cao hơn trung bình của vùng Trung du và miền núi phía Bắc (sau Thái Nguyên, Lào Cai và Bắc Giang), tăng gần 18 triệu đồng so với năm 2015.

Tăng trưởng GRDP (theo giá so sánh 2010) bình quân giai đoạn 2011-2020 của tỉnh đạt 5,88%/năm, xếp thứ 6 trong vùng. Cơ cấu ngành kinh tế của tỉnh Hòa Bình về cơ bản đang chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp song song với tăng tỷ trọng ngành công nghiệp – xây dựng.

Tuy nhiên, ông Quách Tất Liêm cho biết, quá trình phát triển của tỉnh còn gặp những khó khăn, điểm nghẽn như: địa hình chia cắt dẫn tới phát triển kinh tế - xã hội không đồng đều, khó khăn trong phát triển nông nghiệp; hệ thống thủy lợi còn nhiều bất cập: Dòng chảy bị cản trở cục bộ do hệ thống giao thông, hệ thống kè chống trượt lở được xây dựng ở cao độ đảm bảo không ngập lụt.

Bên cạnh đó, xu thế xuất cư đã làm ảnh hưởng đáng kể tới quy mô dân số và lực lượng lao động của tỉnh. Đào tạo lao động chưa bắt kịp xu hướng và nhu cầu việc làm, chất lượng nhân lực chưa cao, có sự chênh lệch đáng kể về trình độ và cơ hội tiếp cận khoa học, công nghệ giữa các vùng. Một bộ phận đồng bào dân tộc sống ở các vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn vẫn duy trì các phương thức sản xuất truyền thống, nhỏ lẻ, chưa theo hướng hàng hóa, phương thức tiêu dùng chưa hướng tới phát triển thị trường.

Không những thế, công nghiệp phát triển chưa mạnh và chưa có nhiều dự án quy mô lớn, công nghệ cao. Sản xuất nông nghiệp hiệu quả còn thấp. Phát triển khoa học, công nghệ chưa tạo được đột phá; ứng dụng khoa học, công nghệ chưa thực sự mạnh mẽ. Ngành du lịch chưa phát triển mạnh, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch còn nhỏ, phân tán, và thiếu kết nối.

Cùng với đó, hạ tầng giao đường thủy chưa đảm bảo cả số và chất lượng. Hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông liên kết phát triển với bên ngoài còn yếu kém, hành lang kinh tế nội tiểu vùng Tây Bắc chưa mạnh. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp còn nhỏ lẻ, các dự án phần lớn có quy mô nhỏ, chưa tận dụng được lợi ích từ kinh tế quy mô…

Tập trung phát triển kết cấu hạ tầng

Để phát triển nhanh, bền vững, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quách Tất Liêm cho biết, mục tiêu tổng quát của Quy hoạch tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 đề ra là Hòa Bình đạt trình độ phát triển khá, có mức thu nhâp trung bình thuộc nhóm dẫn đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc với vị trí là trung tâm kết nối giữa Hà Nội với vùng Tây Bắc.

Kinh tế phát triển dựa trên dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong đó: công nghiệp là động lực, du lịch là mũi nhọn, nông nghiệp sản xuất hàng hóa, công nghệ cao là cơ sở, gắn kết với hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại và hệ thống đô thị thông minh và đô thị xanh; quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên, đảm bảo môi trường. Phát triển kinh tế gắn với mục tiêu cuối cùng là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, duy trì và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, bảo đảm quốc phòng, an ninh vững mạnh.

Theo đó, tỉnh Hòa Bình đặt ra các chỉ tiêu phát triển cụ thể như: Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt 9%/năm; tỷ lệ giảm nghèo đa chiều bình quân hàng năm đạt từ 2 đến 2,5%.

Cơ cấu kinh tế: tỷ trọng công nghiệp, xây dựng chiếm 51%; dịch vụ 32%; thuế sản phẩm 4,0%; nông, lâm nghiệp và thủy sản 13%. GRDP bình quân đầu người đạt 185 triệu đồng/người. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội đạt 8%/năm. Kim ngạch xuất khẩu đạt 4.500 triệu USD, nhập khẩu đạt 3.580 triệu USD. Thu ngân sách nhà nước đạt 16.000 - 18.000 tỷ đồng.

Chia sẻ về Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ông Nguyễn Phi Long, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình cho biết, Quy hoạch tỉnh là bản quy hoạch được lập theo cách tiếp cận tích hợp, đa ngành theo quy định của Luật Quy hoạch, nhằm cụ thể hóa tầm nhìn, quan điểm, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia, phù hợp với các quy hoạch quốc gia và quy hoạch của vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Quy hoạch tỉnh Hòa Bình có nội dung thể hiện tư duy mới, tầm nhìn mới phù hợp với định hướng phát triển của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 2021 - 2030; từ đó, mở ra những cơ hội phát triển mới và định hình các giá trị mới cho tỉnh Hòa Bình trong thời kỳ quy hoạch.

Hiện, Hòa Bình đang tập trung nhiều nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng. Trong năm 2023, Hòa Bình phấn đấu khởi công tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, đây là tuyến đường mà các tỉnh khu vực Tây Bắc rất mong chờ. Sang năm, có thể khởi công cao tốc tiếp nối của đoạn từ Hà Nội - Hòa Bình (đoạn còn 23 km sẽ mở đường hoàn thiện).

“Việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng trong thời điểm này là động lực quan trọng trong phát triển của tỉnh thời gian tới. Hiện có một số nhà đầu tư lớn về du lịch dịch vụ đã vào Hòa Bình để đầu tư hệ thống cáp treo Hương Bình tại xã Phú Nghĩa, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình và xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội…", Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình cho biết.

Trước những tiềm năng vẫn chưa phát triển tương xứng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng gợi ý, Hòa Bình có lẽ không chỉ đầu tư hạ tầng, làm đường cao tốc về Hà Nội, không chỉ dựa vào Quốc lộ 6 như hiện nay mà có thể tính mở đường nối ra Thanh Hóa để tạo động lực mới cho phát triển, kết nối với cảng Nghi Sơn, sân bay, khu công nghiệp, khu kinh tế…

"Hòa Bình có nên lựa chọn phát triển công nghiệp ở mức độ phù hợp với lợi thế sát với Hà Nội trong bối cảnh dư địa phát triển công nghiệp của Hà Nội sẽ giảm dần và mật độ phát triển công nghiệp trong tương lai sẽ phải san ra cho Hòa Bình… Đối với dịch vụ, Hòa Bình có nên làm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, chữa bệnh, có làm thủ phủ sân golf của phía Bắc nhờ địa hình đồi núi. Các loại hình du lịch gần Hà Nội với cự ly, phạm vi vừa phải đang có nhu cầu lớn và cơ hội cho Hòa Bình là hiện hữu…", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay.

“Tuy nhiên, để phát triển nhanh, bền vững, tỉnh Hòa Bình phải mạnh dạn đưa ra những đột phá, phải có cách tiếp cận với tư duy, tầm nhìn mới, phải có lộ trình cụ thể, xác định mục tiêu, quan điểm, tầm nhìn, sứ mệnh, vai trò, vị trí của mình”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh. 

chọn
D2D ước lãi thêm 800 tỷ từ dự án Lộc An
Năm 2024 - 2029, D2D sẽ thực hiện tiếp giai đoạn 2 khu dân cư Lộc An với tổng mức đầu tư gần 1.116 tỷ đồng. Tổng doanh thu dự kiến trong giai đoạn 2 là hơn 2.181 tỷ đồng, lợi nhuận dự kiến 795 tỷ đồng.