Một doanh nghiệp nắm hàng trăm ha đất nghỉ dưỡng ở Kim Bôi, đang 'bắt tay' đầu tư với Tập đoàn Hoà Bình

Công ty Việt - Eco Hoà Bình hiện đang đầu tư hai dự án nghỉ dưỡng tại huyện Kim Bôi, Hoà Bình với tổng mức đầu tư gần 2.600 tỷ đồng. Trong đó, có một dự án hợp tác đầu tư với Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình.

Toàn cảnh khu vực thực hiện dự án Việt - Eco Hoà Bình. (Ảnh chụp từ ĐTM).

CTCP Việt - Eco Hoà Bình vừa lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐMT) cho dự án Khu du lịch sinh thái và trung tâm dưỡng lão Việt - Eco Hoà Bình tại các xã Sào Báy và Mỵ Hoà, huyện Kim Bôi, tỉnh Hoà Bình. Đơn vị tư vấn lập báo cáo là CTCP Tư vấn Tài nguyên và Môi trường Việt Nam.

Vào tháng 4/2019, dự án này đã được UBND tỉnh Hoà Bình ban hành chủ trương đầu tư, đến năm 2020 được phê duyệt quy hoạch chi tiết và duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng. Tháng 10/2022, Hoà Bình đã chấp thuận nhà đầu tư dự án đối với Công ty Việt - Eco Hoà Bình.

Khu du lịch này có tổng diện tích sử dụng đất gần 61 ha, xung quanh được bao bọc bởi núi đá và sông Bôi. Địa hình khu vực phần lớn tương đối bằng phẳng, chủ yếu là đất canh tác nông nghiệp, hoa màu; cao độ hiện trạng trung bình 25 - 61 m, điểm cao nhất cao hơn 61 m.

 

Toàn cảnh sông Bôi đoạn chảy qua dự án. (Ảnh chụp từ ĐTM).

Về hiện trạng, dự án được thực hiện tại địa bàn 2 xã Sào Báy (35,1 ha) và xã Mỵ Hoà (25,8 ha). Trong đó, hiện trạng chủ yếu là đất bằng trồng cây hàng năm do các hộ gia đình, cá nhân quản lý và sử dụng; đất đồi núi; đất thuỷ lợi; núi đá không có rừng cây...

Khu vực dự án có tiềm năng kết nối tốt thông qua 2 hướng. Cụ thể, có thể kết nối về trung tâm TP Hà Nội qua đường Hồ Chí Minh, cách khoảng 60 km. Kết nối về trung tâm TP Hoà Bình qua Quốc lộ 12B, cách khoảng 50 km. Vấn đề lớn nhất về kết nối là sông Bôi chạy dọc ngăn cách khu vực dự án nên khi triển khai sẽ phải xây dựng cầu vượt sông.  

Quốc lộ 12B là trục giao thông đối ngoại chính của dự án Việt - Eco Hoà Bình. (Ảnh chụp từ ĐTM).

Quốc lộ 12B được coi là trục giao thông đối ngoại chính của dự án, hiện có 2 tuyến đường kết nối được với dự án và phải đi qua khu vực dân cư, khi dự án đi vào hoạt động sẽ không sử dụng hai tuyến này.

Dự án hiện nằm sâu bên trong so với quốc lộ 12B, do đó sẽ phải xây dựng tuyến đường kết nối từ quốc lộ 12B và cầu vượt sông Bôi để đi vào dự án. Đây sẽ là dự án độc lập với các hạng mục khu du lịch và nghỉ dưỡng.

Tuyến đường nối này sẽ có chiều dài khoảng 804 m, mặt cắt ngang khoảng 20 m. Điểm đầu sẽ nằm tại núi giao với quốc lộ 12B, sau đó đi về hướng nam, vượt sông Bôi và kết nối với đường nội khu của khu du lịch. 

 

Toàn cảnh vị trí xây dựng đường nối từ quốc lộ 12B vào dự án và cầu vượt sông Bôi. (Ảnh chụp từ ĐTM).

Về tính chất, đây sẽ là khu du lịch nghỉ dưỡng khai thác tối đa tiềm năng và thế mạnh của thiên nhiên. Đầu tư khu du lịch nghỉ dưỡng lưu trú, nhà hàng và các dịch vụ ăn uống phục vụ lưu động; hình thành một khu du lịch sinh thái, biệt thự, nhà vườn nghỉ dưỡng đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật.

Trong cơ cấu sử dụng đất của dự án, đất xây dựng biệt thự nghỉ dưỡng, nhà vườn chiếm khoảng 21,7 ha; đất thương mại, dịch vụ, vui chơi giải trí chiếm khoảng 7 ha; đất cây xanh mặt nước 25 ha; còn lại là đất giao thông, hạ tầng kỹ thuật...

Tại đây sẽ bao gồm 145 lô đất biệt thự nhà vườn, nghỉ dưỡng với mật độ xây dựng 30%, cao tối đa 3 tầng. Công trình thương mại, dịch vụ, vui chơi giải trí cao tối đa 3 tầng, mật độ xây dựng 40 - 50%.

Phối cảnh tổng thể dự án Việt - Eco Hoà Bình. (Ảnh chụp từ ĐTM).

 Về phân bố không gian, các công trình biệt thự, nhà vườn sẽ được bố trí dàn trải trên toàn bộ khu vực, bám theo các trục giao thông nội khu, quanh không gian mặt nước.

Khu vực trọng tâm của dự án nằm ở phía bắc, điểm cuối của tuyến đường nối từ Quốc lộ 12B, với công trình điểm nhấn sẽ là tổ hợp thương mại dịch vụ, vui chơi, giải trí, tổ chức hội nghị, hội thảo...

 

Phối cảnh hạng mục biệt thự. (Ảnh chụp từ ĐTM).

Tổng mức đầu tư của dự án Việt - Eco Hoà Bình là hơn 937 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng 80 tỷ đồng; chi phí xây dựng 649 tỷ đồng; chi phí dự phòng gần 132 tỷ đồng...

Về tiến độ, giai đoạn tháng 1/2023 - tháng 12/2025 chủ đầu tư sẽ tiến hành san nền, thi công các hạng mục công trình, hạ tầng kỹ thuật của dự án. Tiếp đó, sẽ tiến hành lập hồ sơ, hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường. Dự kiến từ tháng 7/2026, dự án sẽ được đưa vào vận hành và khai thác.

 Khu vực dự án Việt - Eco Hoà Bình được bao bọc bởi núi đá và sông Bôi. (Ảnh chụp từ ĐTM).

Chủ đầu tư đang nắm gần 150 ha đất ở Kim Bôi

Về chủ đầu tư, theo tìm hiểu của người viết, Công ty Việt - Eco Hoà Bình được thành lập vào tháng 8/2017, có trụ sở chính tại TP Hoà Bình. Tính đến tháng 7/2022, doanh nghiệp có vốn điều lệ 550 tỷ đồng.

Cũng tại xã Sào Báy, huyện Kim Bôi, hồi tháng 4 vừa qua, Việt - Eco Hoà Bình đã được chấp thuận là nhà đầu tư thực hiện Khu nhà vườn cao cấp (Golden Farm). Dự án này có quy mô hơn 86 ha, tổng mức đầu tư hơn 1.640 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 246 tỷ đồng. 

Golden Farm dự kiến sẽ bắt đầu xây dựng các hạng mục trong giai đoạn quý III/2024 - quý III/2027, từ quý IV/2027 sẽ đưa vào vận hành khai thác. Tại dự án này, Việt - Eco Hoà Bình hợp tác đầu tư với đối tác là CTCP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (mã chứng khoán: HBC).

Tổng Giám đốc kiêm đại diện pháp luật của Việt - Eco Hoà Bình hiện nay bà Lê Thị Thanh Minh hiện đang đồng thời đứng tên tại hai doanh nghiệp khác là CTCP Đầu tư Amazon River và CTCP Đầu tư và Kinh doanh Địa ốc Thành Công. 

Nói thêm về Amazone River, mới đây doanh nghiệp này đã liên danh với CTCP Kinh doanh Địa ốc Phát Đạt để đăng ký thực hiện Khu đô thị Đại học Nam Cao tại thị xã Duy Tiên, Hà Nam. Dự án này có diện tích hơn 101 ha, tổng mức đầu tư gần 3.800 tỷ đồng.