Doanh nghiệp nhà GiP Group sẽ làm dự án nông nghiệp kết hợp du lịch gần 150 ha ở Hoà Bình

Khu nông nghiệp công nghệ cao kết hợp du lịch tại huyện Mai Châu, Hoà Bình có diện tích 146,5 ha, có hiện trạng chủ yếu là đất rừng và nương rẫy. Trong ĐTM chủ đầu tư vừa lập, đất rừng tại dự án sẽ được khoanh vùng bảo tồn, không chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Phối cảnh dự án Khu nông nghiệp công nghệ cao kết hợp du lịch. (Ảnh: GiP Group).

CTCP Phát triển Nông nghiệp Quốc tế Hoà Bình vừa lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cho dự án Khu nông nghiệp công nghệ cao kết hợp du lịch tại xã Thành Sơn, huyện Mai Châu, Hoà Bình, với sự tư vấn của Công ty TNHH Môi trường và Xây dựng Hà Nội - Eco.

Dự án này được chấp thuận chủ trương đầu tư cho doanh nghiệp lần đầu vào tháng 3/2017, sau đó điều chỉnh vào tháng 12/2019 và tháng 2/2021. Đến tháng 3/2022, dự án được phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết 1/500.

Khu nông nghiệp công nghệ cao kết hợp du lịch này có tổng diện tích 146,5 ha. Phía đông và phía bắc giáp xóm Chà Đáy; phía nam giáp xóm Hiềng; phía tây giáp xóm Hợp Thành. 

Về tính chất, đây là khu phát triển nông nghiệp công nghệ cao kết hợp với các hoạt động du lịch trải nghiệm, nghỉ dưỡng, thể thao, dịch vụ vui chơi đa chức năng. Quy mô khách tham quan và lưu trú khoảng 200.000 người/năm.

Về hiện trạng, trên khu đất thực hiện dự án hiện có hơn 18,5 ha rừng tự nhiên và 1,4 ha rừng trồng; 94 ha đất nương rẫy trồng cây hàng năm; hơn 23,5 ha đất phát triển rừng sản xuất... Tại đây có hồ Sam Tạng và một số ao hồ nhỏ; có khoảng 9 hộ dân đang sinh sống; về phía bắc và phía tây bắc có suối nhỏ.

Vị trí dự án cách quốc lộ 6 khoảng 15 km. Tuyến ĐT432B là tuyến giao thông duy nhất chạy qua dự án theo hướng Bắc - Tây Nam. Khi thực hiện dự án, rừng được khoanh vùng bảo tồn, không chuyển đổi mục đích sử dụng đất. 

Phối cảnh hạng mục biệt thự nghỉ dưỡng bên hồ tại dự án. (Ảnh: GiP Group).

Trong cơ cấu sử dụng đất theo quy hoạch, dự án sẽ bố trí khoảng 4,4 ha đất thương mại - dịch vụ du lịch; 6,5 ha đất biệt thự nghỉ dưỡng - bungalow; 5,6 ha đất khu nông nghiệp công nghệ cao kết hợp du lịch; còn lại là diện tích rừng kết hợp du lịch trải nghiệm, đất cây xanh mặt nước, đất giao thông...

Hạng mục thương mại - dịch vụ sẽ xây dựng các công trình dịch vụ du lịch (nhà đón tiếp, điều hành, khách sạn, nhà hàng, clubhouse...), mật độ xây dựng tối đa 60%, tầng cao tối đa 5 tầng, được quy hoạch gần phía ĐT432B. Các căn biệt thự nghỉ dưỡng tại dự án sẽ có mật độ xây dựng tối đa 60%, cao tối đa 3 tầng, được bố trí sâu bên trong dự án, bám hồ Sam Tạng.

Tổng mức đầu tư của dự án này là 158 tỷ đồng, trong đó vốn tự có của doanh nghiệp là 24 tỷ đồng.

Về tiến độ, doanh nghiệp cho biết thời gian hoàn tất các thủ tục pháp lý của dự án là 6 tháng, đầu tư xây dựng các hạng mục trong 8 tháng. Về thời gian thực hiện cụ thể, doanh nghiệp không đề cập trong ĐTM. Còn theo chủ trương đầu tư dự án điều chỉnh lần gần nhất, tiến đô thực hiện như sau: Tháng 11/2021 - tháng 6/2022 đầu tư xây dựng các hạng mục; từ tháng 7/2022 hoàn thành và đưa dự án đi vào hoạt động.  

Chủ đầu tư là thành viên GiP Group

Về chủ đầu tư, CTCP Phát triển Nông nghiệp Quốc tế Hoà Bình được thành lập vào tháng 5/2015, có trụ sở chính tại Mai Châu, Hoà Bình. Đại diện pháp luật kiêm Giám đốc của doanh nghiệp là ông Bùi Thế Long.

Nông nghiệp Quốc tế Hoà Bình là công ty thành viên của CTCP Green i-Park (GiP Group) - một doanh nghiệp chuyên về phát triển hạ tầng khu công nghiệp ra đời từ năm 2019. Ông Bùi Thế Long cũng đồng thời là Phó Chủ tịch HĐQT của GiP Group.

Trong mảng bất động sản công nghiệp, GiP Group được biết đến là chủ đầu tư của KCN Liên Hà Thái (Green iP-1) tại huyện Thái Thuỵ, Thái Bình. KCN này là một hạng mục nằm trong tổng thể KCN - Đô thị - Dịch vụ Liên Hà Thái.

KCN Liên Hà Thái có tổng diện tích gần 589 ha, nằm trên tuyến đường QL 39, tiếp giáp đường ven biển Ninh Bình - Thái Bình - Hải Phòng. Dự án được khởi công vào tháng 12/2020 với tổng mức đầu tư 3.885 tỷ đồng.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.