Diễn biến mới về dự án Thung Lũng Nữ Hoàng chậm tiến độ nhiều năm ở Hòa Bình

Hòa Bình đã cho phép chủ đầu tư là CTCP Du lịch Thung Lũng Nữ Hoàng chuyển mục đích sử dụng đất (đợt 1) để thực hiện dự án Khu nghỉ ngơi, vui chơi giải trí Thung Lũng Nữ Hoàng tại huyện Lương Sơn.

UBND tỉnh Hòa Bình ban hành quyết định về việc cho phép CTCP Du lịch Thung Lũng Nữ Hoàng chuyển mục đích sử dụng đất (đợt 1) để thực hiện dự án Khu nghỉ ngơi, vui chơi giải trí Thung Lũng Nữ Hoàng tại xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn.

Cụ thể gồm 319.768,8 m2 (31,98 ha) đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp (đất thương mại, dịch vụ) tại xã Lâm Sơn sang đất ở đô thị, đất vui chơi giải trí công cộng không có mục đích kinh doanh (vườn hoa, công viên), đất giao thông, sông ngòi, kênh rạch, suối.

Sau khi hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật dự án đầu tư, Thung lũng Nữ Hoàng có trách nhiệm bàn giao toàn bộ 69.600,7 m² đất vui chơi giải trí công cộng không có mục đích kinh doanh (vườn hoa, công viên); 59.480,4 m² đất giao thông; 20.687,7 m² đất sông ngòi, kênh rạch, suối cho cơ quan có thẩm quyền quản lý theo quy định.

  Vị trí dự án Thung Lũng Nữ Hoàng nhìn từ bản đồ. (Ảnh chụp màn hình). 

Trước đó, Thung Lũng Nữ Hoàng đã lập báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án trên vào cuối tháng 10/2022.  

Dự án được UBND tỉnh Hoà Bình phê duyệt quy hoạch chi tiết vào tháng 9/2020, tháng 1/2021 duyệt nhà đầu tư, tháng 10/2021 phê duyệt chủ trương đầu tư và tháng 3/2022 có quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện dự án.

Tổng diện tích của dự án này là 136 ha. Phía bắc và phía tây dự án giáp Chi nhánh Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp – Hòa Bình – Lâm trường Lương Sơn; phía nam giáp quốc lộ 6 và khu dân cư xóm Lam Sơn, xóm Đoàn kết, xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn; phía đông là dự án sân golf Phượng Hoàng của Công ty TNHH Sân golf Phượng Hoàng.

Tổng mức đầu tư của dự án này khoảng 966 tỷ đồng trong đó tổng kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng ước tính khoảng 88 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện dự kiến từ quý I/2023 đến cuối quý IV/2026.

Trong cơ cấu sử dụng đất, dự án bố trí 39,4 ha để xây dựng khu làng văn hoá. Khu khách sạn cao 17 tầng, trên nền diện tích 9.142 m2. Khu đón tiếp - điều hành cao ba tầng (3.785 m2). Khu dịch vụ, nhà trẻ cao ba tầng (36.286 m2). Khu biệt thự cao tầng gồm 477 ô đất, tổng diện tích 295.300 m2, cao tối đa ba tầng.

Dự án Thung Lũng Nữ Hoàng từng được phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch 1/500 từ năm 2009 với quy mô 237,6 ha. Năm 2004, tỉnh điều chỉnh tên và giao dự án này cho CTCP Du lịch Thung Lũng Nữ Hoàng. Tuy nhiên, theo phản ánh của báo chí, sau nhiều năm, dự án mới chỉ triển khai được một vài hạng mục dở dang rồi bỏ hoang. 

Về chủ đầu tư, Thung Lũng Nữ Hoàng được thành lập năm 2003 bởi 12 cổ đông, tuy nhiên các cổ đông sáng lập này sau đó gần như đã thoái hết vốn.

Hiện tại, doanh nghiệp có trụ sở tại huyện Lương Sơn, Hoà Bình, Chủ tịch HĐQT là ông Phạm Trường Thăng. Tính đến tháng 6/2016, doanh nghiệp có vốn điều lệ 500 tỷ đồng.

Thung Lũng Nữ Hoàng trước đây từng liên quan đến Intimex. Tính đến 31/12/2017, doanh nghiệp này nắm 12,73% vốn điều lệ tại Intimex.

Vào tháng 9/2018, Thung Lũng Nữ Hoàng từng phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu với kì hạn 5 năm, đáo hạn vào ngày 4/9/2023.

Đến tháng 11/2019, doanh nghiệp tiếp tục công bố phát hành xong 1.500 tỷ đồng trái phiếu với kỳ hạn 5 năm, tài sản đảm bảo là toàn bộ tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp hiện có và phát sinh cho trong tương từ dự án Khu nghỉ ngơi giải trí Thung Lũng Nữ Hoàng - khu biệt thự tại huyện Lương Sơn, Hòa Bình.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.