Theo Quyết định phê duyệt, Quy hoạch xác định quan điểm phát triển gồm phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Yên Bái phải phù hợp với Chiến lược, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc; đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với các quy hoạch ngành, lĩnh vực của cả nước.
Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực bên trong và bên ngoài, liên kết chặt chẽ với các địa phương trong khu vực để phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội, phấn đấu đưa Yên Bái trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng trung du và miền núi phía Bắc, định hướng trở thành một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, văn hóa, xã hội của vùng.
Đẩy mạnh việc cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường liên kết vùng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế, từng bước hội nhập với kinh tế khu vực và quốc tế; tăng trưởng kinh tế hợp lý cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, trên cơ sở nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đổi mới và hoàn thiện cơ chế quản lý;
Ưu tiên nguồn lực cho đầu tư phát triển nhanh các khu vực kinh tế động lực, các ngành, sản phẩm công nghiệp, dịch vụ có lợi thế trên cơ sở phát triển nông nghiệp ổn định có chiều sâu, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.
Phát triển kinh tế đi đôi với giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, phát triển nguồn lực con người, cải thiện và nâng cao mức sống của các tầng lớp nhân dân, giảm dần chênh lệch về phát triển kinh tế, văn hóa xã hội giữa các khu vực trong tỉnh, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Phát triển kinh tế, xã hội gắn với củng cố, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; xây dựng chính quyền các cấp vững mạnh.
Về mục tiêu tổng quát, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế và cơ hội, đi đôi với từng bước đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng hội nhập, phát triển toàn diện, bền vững các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh; xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại;
Phấn đấu đến năm 2020, Yên Bái trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng trung du và miền núi phía Bắc; đến năm 2030 tỉnh Yên Bái trở thành một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, văn hóa, xã hội của vùng trung du và miền núi phía Bắc.
XEM CHI TIẾT: Quyết định phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Yên Bái đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.