Quy mô dự án hơn 19.000 tỷ đồng mà Sun Group và Geleximco đang quan tâm tại Bà Rịa - Vũng Tàu

Đã có 5 nhà đầu tư quan tâm đến dự án Trung tâm logistics Cái Mép Hạ ở Bà Rịa - Vũng Tàu, trong đó có Sun Group và Geleximco. Dự án này có vốn đầu tư hơn 19.000 tỷ đồng, không chỉ phục vụ trung chuyển hàng hóa mà còn có các khu tài chính ngân hàng, nhà hàng khách sạn, thương mại tự do...

Đã có 5 nhà đầu tư quan tâm

UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa có văn bản gửi Bộ Ngoại giao về việc cập nhật tình hình triển khai dự án Trung tâm logistics Cái Mép Hạ.

Đến nay đã có 5 nhà đầu tư quan tâm đến dự án gồm Liên doanh Tập đoàn Geleximco - ITC; Liên danh Việt Nam - EU (Besix - Boskalis - Hateco); CTCP IMG Innovations; CTCP Xuất Nhập khẩu Quốc tế Tân Đại Dương và CTCP Tập đoàn Mặt Trời (Sun Group).

Về việc lựa chọn các nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư châu Âu, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết thời gian qua, Thủ tướng Bỉ, Hà Lan và Đại sứ hai nước đã có nhiều công hàm kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, đồng gửi Tỉnh ủy, UBND tỉnh đề nghị giao cho Liên danh các Nhà đầu tư Việt Nam - EU thực hiện dự án.

Đối với liên danh Việt Nam - EU giữa Besix – Boskalis – Hateco, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã có công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thực hiện lựa chọn nhà đầu tư theo quy định. Vì vậy, UBND tỉnh đề nghị Đại sứ Hà Lan và Bỉ hỗ trợ các nhà đầu tư cập nhật các thông tin về dự án để tham gia vào quá trình lựa chọn nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đề nghị Bộ Ngoại giao xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét đề xuất đầu tư của liên danh Việt Nam - EU và ý kiến của UBND tỉnh về dự án trên.

Quy mô dự án hơn 19.000 tỷ đồng mà Sun Group và Geleximco cùng quan tâm tại Bà Rịa - Vũng Tàu - Ảnh 1.

Toàn cảnh dự án logistics Cái Mép Hạ nhìn từ cảng TCIT. (Ảnh: Báo Bà Rịa Vũng Tàu).

Trung tâm logistics Cái Mép Hạ có tổng diện tích khoảng 1.763 ha, thuộc quy hoạch chung đô thị mới Phú Mỹ, phường Phước Hòa, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Dự án bao gồm 4 phân khu chính gồm trung tâm logistics và bến cảng Cái Mép Hạ hạ lưu (984,24 ha); khu mặt nước gồm khu nước luồng, vũng quay tàu, khu nước trước bến (456 ha); đất dự trữ kho năng lượng sạch (197,65 ha) và khu nước tiềm năng (125,34 ha).

Tổng mức đầu tư dự án dự kiến khoảng 19.200 tỷ đồng, chưa bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng.

Về quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, hiện nay, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức lập quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030, trong đó cập nhật dự án Trung tâm logistics Cái Mép Hạ để trình UBND tỉnh phê duyệt trong quý III/2021, làm cơ sở triển khai các thủ tục tiếp theo.

Qua rà soát, dự án có hơn 936 ha đất nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ (diện tích đất có rừng 586,35 ha và diện tích đất chưa có rừng 349,94 ha); diện tích còn lại nằm ngoài quy hoạch rừng phòng hộ là hơn 834 ha (gồm đất mặt nước, đất khác…).

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, do diện tích đất rừng phòng hộ nằm trong phạm vi dự án thuộc loại rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển với diện tích 586,35 ha, do đó dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội.

Bộ này cho biết hiện tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã giao Sở Giao thông vận tải lập hồ sơ nghiên cứu tiền khả thi dự án và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.

Sở Giao thông vận tải sẽ tổng hợp hồ sơ tham mưu UBND tỉnh trình hội đồng thẩm định nhà nước nước thẩm định, báo cáo Thủ tướng trình Quốc hội xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.

Về quy hoạch ngành công thương, ngày 30/12/2020, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có công văn gửi Bộ Công Thương về việc phê duyệt phương án và hướng dẫn các thủ tục phát triển Trung tâm logistics Cái Mép Hạ (giai đoạn 2020 - 2030).

Theo đó, UBND tỉnh đã đề nghị Bộ Công Thương xem xét nội dung: "Xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận Trung tâm logistics Cái Mép Hạ tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là Trung tâm logistics hạng 1 thuộc vùng Đông Nam Bộ".

Đến ngày 25/12/2020, Bộ Công Thương đã có công văn về việc tham gia ý kiến đối với việc triển khai Dự án trung tâm logistics tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Theo đó, dự án đã cơ bản phù hợp với định hướng theo Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Vào tháng 7 vừa qua, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phê duyệt Kế hoạch thực hiện các thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án. Dự kiến thời gian tổ chức đấu thầu vào quý III/2022.

Hiện các cơ quan, đơn vị căn cứ các nội dung nhiệm vụ đã phân công cụ thể tại kế hoạch như ra soát hiện trạng, đề xuất giải pháp thanh lý hợp đồng đối với các hộ nhân giao khoán rừng trong khu vực dự án; lập hồ sơ đề nghị quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng,.. để tổ chức triển khai thực hiện, đảm bảo tiến độ.

Nằm trong quy hoạch vùng TP HCM

Tại báo cáo gửi Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, 5 năm 2016 - 2020 và dự kiến phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra một số mục tiêu và giải pháp chủ yếu để phát triển các vùng và khu kinh tế trên cả nước giai đoạn 2021-2025.

Đối với vùng Đông Nam Bộ, mục tiêu của vùng là phát triển có hiệu quả các đô thị lớn và vùng TP HCM; nghiên cứu và thiết lập cơ chế đặc thù thúc đẩy phát triển TP HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế; phát triển chuỗi công nghiệp - đô thị Mộc Bài - TP HCM – cảng Cái Mép - Thị Vải gắn với hành lang kinh tế xuyên Á.

Theo Quyết định Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TP HCM đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào cuối năm 2017, tiểu vùng phía đông có vai trò là cửa ngõ giao thương quốc tế của cả vùng và quốc gia thông qua cảng hàng không quốc tế Long Thành và cảng biển trung chuyển quốc tế Cái Mép - Thị Vải.

Về định hướng phát triển giao thông quy hoạch vùng TP HCM, các tuyến đường bộ chuyên dụng trong vùng sẽ bao gồm các đường liên cảng tăng cường kết nối giữa cảng biển với hệ thống quốc lộ, gồm đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải, từ cảng tổng hợp container Cái Mép Hạ đến cảng Phước An (tỉnh Đồng Nai); nâng cấp, cải tạo tuyến đường 991D, Phước Hòa - Cái Mép, Long Sơn - Cái Mép.

Đối với đường biển sẽ phát triển cảng tại khu vực Cái Mép - Thị Vải, Bến Đình - Sao Mai, Hiệp Phước và các vị trí tiềm năng như Long Sơn để khai thác hiệu quả quỹ đất xây dựng cảng, tăng khả năng tiếp nhận tàu trọng tải lớn, thúc đẩy tiềm năng trung chuyển quốc tế của nhóm cảng biển số 5.

Đối với luồng hàng hải sẽ tập trung cải tạo nâng cấp các luồng sông để đảm bảo hoạt động của tàu thuyền ra vào các cảng trong khu vực, một số luồng hàng hải chính như: Luồng Vũng Tàu - Cái Mép - Thị Vải đến Gò Dầu; luồng vào cảng TP HCM theo sông Soài Rạp; luồng sông Đồng Tranh để kết nối vận tải hàng hóa từ TP HCM ra Cái Mép - Thị Vải; luồng sông Lòng Tàu qua Vịnh Gành Rái;...

Tại buổi làm việc với tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vào tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường cơ sở hạ tầng phục vụ dịch vụ logistics, thúc đẩy sớm hình thành Trung tâm logistics Cái Mép Hạ và hệ thống cảng cạn/kho bãi/ICD vệ tinh, thực hiện hoạt động gom, thông quan và xử lý hàng hóa hỗ trợ cho khu cảng Cái Mép - Thị Vải.

Trước kiến nghị của Bà Rịa - Vũng Tàu về dự án Trung tâm logistics Cái Mép Hạ, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm tổng hợp ý kiến các bộ, ngành về việc triển khai dự án, báo cáo, đề xuất kiến nghị Thủ tướng trong tháng 4/2021.

Người đứng đầu Chính phủ cũng giao Bộ Công Thương xem xét, sớm báo cáo về việc công nhận Trung tâm logistics Cái Mép Hạ là trung tâm logistics hạng I thuộc vùng Đông Nam Bộ.

Về tầm quan trọng của Trung tâm logistics Cái Mép Hạ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết vị trí của trung tâm phía sau hệ thống cảng biển Cái Mép – Thị Vải là cụm cảng đặc biệt, đảm nhiệm vai trò trung chuyển quốc tế của Việt Nam. Vị trí dự án có thể bố trí các bến cảng có tổng chiều dài từ 3.600 m đến 5.758 m, cho tàu trên 200.000 WT vào các bến thủy nội địa để thu gom, trung chuyển hàng hóa.

Việc thành lập Trung tâm logistics Cái Mép Hạ sẽ tạo điều kiện đầu tư cơ sở hạ tầng, tổ chức quản lý, khai thác dịch vụ tài chính, ngân hàng, trung chuyển hàng hóa đi/đến các tỉnh thành trong cả nước và các quốc gia trên thế giới thông qua đường biển, đường thủy nội địa và đường bộ.

Ngoài ra, Trung tâm logistics Cái Mép Hạ sẽ gắn kết với khu khu dịch vụ hỗ trợ khác như khu kiểm tra hải quan, biên phòng, kiểm dịch; khu tài chính ngân hàng; cơ sở đào tạo logistics; khu nhà hàng khách sạn; khu thương mại tự do; khu nhà công vụ, nhà nghỉ giữa ca cho công nhân,..

chọn
Điều gì đang diễn ra trên thị trường BĐS công nghiệp?
Viện Kinh tế Xây dựng đánh giá Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư BĐS công nghiệp ngoại, giá thuê đất bình quân và giá thuê nhà xưởng, kho bãi trong quý I đã tăng 2-3% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo quý II, nhu cầu thuê và tỷ lệ lấp đầy tại các KCN có thể tăng nhẹ.