Quy Nhơn 15 năm tới sẽ ra sao?

Quy Nhơn (Bình Định), 15 năm tới sẽ có nhiều thay đổi, theo đồ án quy hoạch 1/2.000. Sẽ có thêm một số trường học, chung cư, hệ thống giao thông, bãi đậu xe, nhà máy cấp nước sinh hoạt, lưới điện.

Ông Phan Cao Thắng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, đã chủ trì buổi họp thông qua đồ án quy hoạch 1/2.000 đối với 12 phường nội thành TP Quy Nhơn vào ngày 6.1 vừa qua.

Di dời nhiều đơn vị ra ngoại thành

Theo Công ty CP đầu tư xây dựng Tổng Hợp (Nagecco, ở TP.HCM), đơn vị tư vấn lập quy hoạch, diện tích 12 phường nội thành TP Quy Nhơn trong phạm vi lập quy hoạch là 1.566 ha, dân số hiện tại khoảng 162.000 người. Dự kiến đến năm 2035, nội thành Quy Nhơn sẽ dung nạp khoảng 332.000 người (gồm dân số đô thị tại chỗ, dân số dung nạp từ các dự án và khách du lịch). Vì vậy, đơn vị tư vấn này đề xuất bổ sung thêm một số trường học, chung cư, hệ thống giao thông, bãi đậu xe, nhà máy cấp nước sinh hoạt, lưới điện… trên địa bàn 12 phường nội thành Quy Nhơn.

Quy Nhơn 15 năm tới sẽ ra sao? - Ảnh 1.

Khu vực nội thành TP Quy NhơnẢnh: Lê Hồ Bắc

Cụ thể, khu nghĩa trang P.Đống Đa rộng 9,8 ha được đề nghị chuyển đổi thành bãi đỗ xe và đất cây xanh; Công ty CP giày Bình Định (P.Đống Đa) rộng 0,8 ha sẽ được di dời, chuyển mục đích sử dụng đất thành bãi đậu xe và trường mẫu giáo; Công ty Dược và trang thiết bị y tế Bình Định (P.Quang Trung) rộng 1,9 ha chuyển đổi thành đất xây dựng trường phổ thông và đất ở, đất thương mại dịch vụ; Khu nghĩa trang Quy Nhơn (ở P.Quang Trung) rộng 15 ha chuyển thành đất cây xanh và bãi đậu xe; Bệnh viện Quân y 13 (ở P.Nguyễn Văn Cừ) rộng 7,38 ha chuyển thành trường tiểu học và dịch vụ - du lịch…

Các khu đất 120 Lê Lợi, 8 Trần Bình Trọng, khu đất của Công ty CP giao thông thủy bộ Bình Định… cũng được quy hoạch thành đất xây dựng chung cư. Ngoài ra, các lô đất thuộc khu vực Chợ Lớn Quy Nhơn, Trường ĐH Quy Nhơn, Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Bình Định, núi Xuân Vân… sẽ chuyển đổi một phần để kết hợp tổ chức bãi đậu xe…

Ông Lê Đăng Tuấn, Phó giám đốc Sở Xây dựng Bình Định, cho rằng tuyến QL 1D chạy vào nội thành Quy Nhơn có 6 làn xe nhưng giờ cao điểm có rất nhiều xe tải và các phương tiện khác qua lại nên tương lai có thể quá tải, ảnh hưởng đến an toàn giao thông. Ông Tuấn và đại diện Nagecco đều đề xuất xây dựng thêm một tuyến đường vành đai nằm sát chân núi Vũng Chua, song song với QL 1D, để dành cho xe khách và xe tải.

Đại diện Sở GT-VT Bình Định đề nghị nên có tuyến đường đối ngoại từ phía nam TP Quy Nhơn về cảng Quy Nhơn, nối dài tuyến đường ven biển Xuân Diệu đến khu đô thị khoa học Quy Hòa và thực hiện tuyến đường QL 19C nối dài từ TT.Diêu Trì (H.Tuy Phước, Bình Định) đến đường Lê Thanh Nghị ở TP Quy Nhơn như đã quy hoạch...

Núi Bà Hỏa thành trung tâm dịch vụ

Theo ông Phan Cao Thắng, việc thực hiện quy hoạch phân khu 12 phường nội thành TP Quy Nhơn nhằm cụ thể hóa đồ án quy hoạch chung xây dựng TP Quy Nhơn và vùng phụ cận đến năm 2035 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 4.2015. Những năm qua, 12 phường nội Quy Nhơn có nhiều dự án nhưng “ngắm đến đâu thì làm đến đó”, không được quy hoạch bài bản, không đồng bộ, thống nhất.

Hiện quỹ đất TP Quy Nhơn hẹp, nếu không có quy hoạch, không có tầm nhìn dài hạn về quy hoạch phát triển đô thị, cứ để phát triển tự phát thì sẽ khó quản , sau này sẽ trả giá đắt. Vì vậy, thời gian đến, 12 phường nội thành sẽ tập trung vào các đồ án chỉnh trang đô thị, sử dụng quỹ đất hợp nhằm phát triển đô thị theo hướng thương mại - dịch vụ.

Ông Phan Cao Thắng cơ bản thống nhất các nội dung mà Sở Xây dựng và Nagecco đề xuất, đồng thời yêu cầu 2 đơn vị này phối hợp với các đơn vị khác cập nhật thêm hiện trạng về diện tích tự nhiên, dân số, dự án… của 12 phường nội thành vào đồ án quy hoạch.

Cụ thể, ông Thắng yêu cầu cập nhật thêm vào diện tích khu Mũi Tấn ở P.Hải Cảng, khu vực dọc đường Võ Nguyên Giáp ở P.Đống Đa, khu vực P.Ghềnh Ráng đến giáp tỉnh Phú Yên… Các dự án đã được phê duyệt 1/500 hay 1/2.000 ở nội thành Quy Nhơn tại ga Quy Nhơn, đường sắt về ga Quy Nhơn, các dự án dọc tuyến QL 1D, không gian vịnh Quy Nhơn và các khu đô thị mới… cũng cập nhật vào đồ án quy hoạch hoạch 1/2.000 đối với 12 phường nội thành TP Quy Nhơn.

Theo ông Phan Cao Thắng, điều quan trọng nhất trong đồ án là phải quy hoạch lại núi Bà Hỏa để kêu gọi, thu hút đầu tư. Hiện khu vực phía tây núi Bà Hỏa có Khu đô thị hồ Phú Hòa, đường Điện Biên Phủ và các phường Nhơn Bình, Nhơn Phú đang phát triển rất nhanh nên ngọn núi này nằm lọt vào trung tâm TP Quy Nhơn. Nhiều nhà đầu tư đang rất quan tâm vào việc đầu tư các dự án thương mại, dịch vụ du lịch tại khu vực này. Ngoài ra, trong khu vực nội thành chỉ quy hoạch bãi đậu cho xe taxi, ô tô, còn các xe khách, xe tải… đã được quy hoạch bãi đậu ở ngoại thành.

“Quy hoạch chỉnh trang đô thị là để tăng cường phát triển dịch vụ, thương mại, các công trình hỗ trợ, hạ tầng kỹ thuật phục vụ cộng đồng. Không phải cứ di dời rồi phân lô bán nền hết, khiến đô thị phát triển manh mún, sau này tăng dân số thì việc quy hoạch lại, di dời sẽ rất phức tạp”, ông Phan Cao Thắng nhấn mạnh.

Quy hoạch phải chú ý dân sinh

Ông Phan Cao Thắng đề nghị việc quy hoạch hạ tầng xã hội trong đồ án quy hoạch 1/2.000 đối với 12 phường nội thành TP Quy Nhơn không nhất thiết phải theo địa giới hành chính như hiện nay mà cần phải quy hoạch cho phù hợp với vấn đề dân sinh, thuận lợi cho người dân. "Các trường học đang quy hoạch theo địa giới hành chính, ở phường nào học phường nấy là không nhất thiết. Nhiều khi người ta ở gần trường học mà không học được vì hộ khẩu ở phường khác, rồi lại có khi lại xảy ra cơ chế xin cho để xác nhận hộ khẩu chỗ này chỗ kia… Trong khi đó, các trường đều thuộc Phòng GD-ĐT TP Quy Nhơn cả. Cần quy hoạch cách nào đó cho nó phù hợp, chỗ nào dân cư đông thì tăng lớp học, trường học, chỗ thưa thì điều chỉnh. Căn cứ theo nhu cầu mà quy hoạch", ông Phan Cao Thắng đề nghị.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.