Hơn một tháng qua, nhiều tuyến đường, ngõ ngách ở thị trấn Hương Khê (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) rác thải đổ ngổn ngang, chất từng đống, bốc mùi hôi thối khiến cuộc sống người dân nơi đây bị đảo lộn.
Hai bên đường Hồ Chí Minh, hàng trăm bao tải, túi nylon đựng rác thải sinh hoạt, xác động vật được chất đống, nhiều loại đang phân hủy, bốc mùi hôi thối, ruồi nhặng bu kín.
Những mảnh kính vỡ sắc nhọn cũng bị vứt bừa bãi trên vỉa hè.
Nội tạng, da của gia súc cũng bị vứt lại, bốc mùi hôi thối, ruồi nhặng bâu kín.
Nhiều nắp cống mất, phía dưới cống thoát nước chứa đầy rác.
Chính quyền địa phương cùng các đoàn thanh niên dùng lưới rào chắn vỉa hè và dựng biển cấm đổ rác dọc đường vào thị trấn Hương Khê.
Chị Nguyễn Thị Bình (43 tuổi, tiểu thương chợ Bình Sơn) cho biết khu vực phía sau chợ rác chất thành đống, bốc mùi hôi thối nhiều tuần nay, gây khó khăn cho việc buôn bán. "Rác chất đống hôi lắm, nhiều người đến mua hàng rồi cũng phải bỏ đi, lúc trước rác ùn ứ là công nhân môi trường thu gom chở đi nhưng lâu nay không có chỗ đỗ nên lâu lâu cứ chất đống. Mưa thì nước rỉ, nắng ruồi nhặng hôi lắm", chị Bình nói.
Rác ùn ứ không được thu dọn tràn ra cả khu vực đường sắt qua ga Hương Phố.
Nước ở hồ Bình Sơn chuyển màu, bốc mùi hôi thối, rác trôi lênh láng.
Năm 2014, dự án xử lí rác thải huyện Hương Khê được UBND tỉnh Hà Tĩnh cho chủ trương và khảo sát vị trí tại xóm 13, xã Hương Thủy. Đến tháng 10/2016, công trình được UBND tỉnh quyết định phê duyệt và dự toán xây dựng giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư hơn 22 tỉ đồng. Dự kiến, công trình sẽ thu gom và xử lí 3.300 tấn rác các loại/ năm. Tháng 2/2017, UBND huyện Hương Khê tiến hành lễ khởi công dự án nhưng gặp phải sự phản đối của người dân. Huyện Hương Khê sau đó có kế hoạch xây dựng nơi xử lí rác song đến nay vẫn chưa thể hoàn thành.
Thị trấn Hương Khê (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh, chấm xanh). (Ảnh: Google Maps).
Trao đổi với Zing.vn, ông Hoàng Quốc Nhã, Chủ tịch UBND thị trấn Hương Khê cho biết, toàn thị trấn có hơn 3.500 hộ dân, trong đó có 1.400 hộ kinh doanh. Trung bình mỗi ngày toàn thị trấn có gần 20 tấn rác thải, trong khi không có nhà máy xử lí, mà chủ yếu là người dân phải tự xử lí.
"Công nhân môi trường lâu nay vẫn thu gom rác đưa đến bãi tập kết nhưng nay không có bãi đổ nên chỉ gom lại. Thị trấn cũng làm việc với đơn vị Quảng Bình, khi nào lượng rác lớn có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường thì nhờ họ xử lí cho vài chuyến", ông Nhã nói.