Người đàn ông độc thân 'nhặt' gần trăm đứa con từ nghĩa trang, bãi rác, lề đường

Hơn 11 năm, người đàn ông cưu mang gần một trăm "đứa con". Đứa từ bãi rác, bồn cầu; đứa mất cha, mẹ ung thư thời kỳ cuối; đứa dị tật chẳng ai dám nhìn;... Tất cả về mái nhà chung, viết lại cuộc đời tươi sáng.
avatar_1566549778026

Mái ấm Phúc Lâm hiện đang chở che 90 phận đời trẻ bị bỏ rơi. (Ảnh: HOÀI NHÂN)

Đứa trẻ sơ sinh ngoài bãi rác...

Giữa đám trẻ đùa nghịch râm ran, ông Nguyễn Văn Lâm (47 tuổi) cười hiền, chỉ tay vào một bé gái chững chạc mặc đồ học sinh, đang ngồi soạn tập vở chuẩn bị đến trường. Đó là đứa trẻ bắt đầu cho câu chuyện dài hơn chục năm của người đàn ông độc thân nhưng có đến… 90 “con”.

Một chiều cách đây 11 năm, trên đường đi làm về, ông Lâm bỗng thấy nhiều người vây quanh một bãi rác. “Tò mò, tôi đến xem thì thấy một đứa trẻ đỏ hỏn, kiến bu cắn nát cả mặt mày, tay chân. Không ai dám động vào, cũng không ai nghĩ có thể sống sót. Nhưng có gì đó đột ngột thôi thúc tôi ào đến, ôm đứa trẻ vỏn vẹn 1 kg đưa vào bệnh viện. May thay, đứa trẻ được cứu”, ông Lâm kể.

Không biết phải làm gì tiếp theo, ông mang đứa trẻ về nhà. Chưa vợ chưa con, ông ngại ngùng kêu tài xế taxi chạy thẳng đến cửa nhà mới dám xuống xe, vì sợ hàng xóm bàn tán. Ông nói với mẹ về việc mình nhặt được đứa trẻ. Bà cụ không tin, cứ tưởng con ông, nhưng rồi cũng dần hiểu chuyện.

Người đàn ông độc thân 'nhặt' gần trăm đứa con từ nghĩa trang, bãi rác, lề đường - Ảnh 2.

Những đứa trẻ bị bỏ rơi ngay từ lúc lọt lòng...(Ảnh: HOÀI NHÂN)

Người đàn ông độc thân 'nhặt' gần trăm đứa con từ nghĩa trang, bãi rác, lề đường - Ảnh 3.

Nguyễn Ngọc Phương Vy, cô bé năm nào ông Lâm mang về từ bãi rác, nay đã lớn khôn, xinh xắn và học rất giỏi. (Ảnh: HOÀI NHÂN)

“Tròn 1 tháng sau, cũng trên đường đi làm về, tôi lại nghe tiếng khóc ở bãi cỏ ven lộ. Vậy là có đứa con thứ 2. Đúng 1 năm sau, tôi tiếp tục nhận cuộc gọi từ một người đàn ông biết chuyện tôi nuôi 2 đứa trẻ bị bỏ rơi, nói về việc một phụ nữ sinh kế giường vợ anh ta sẽ bỏ đứa bé vào ngày mai. Tôi không nhận, vì 2 đứa trẻ ở nhà đã là chuyện tôi chưa bao giờ nghĩ tới. Nhưng anh ta vẫn gọi, 2 cuộc, rồi 5 cuộc. Tôi không đành lòng làm ngơ nữa, chạy vào bệnh viện, nhận đứa trẻ ngay kịp lúc bé bị bỏ đi…”, ông Lâm kể.

Nghĩ mẹ sẽ phản đối, ông Lâm đi tìm phòng trọ bên ngoài, thuê bảo mẫu chăm đứa trẻ. Mọi thứ lại như một giấc mơ, khi ông chạy bộ tập thể dục vào sáng hôm sau, có tiếng khóc bên lề đường níu chân ông lại. Thêm một đứa trẻ nữa bị bỏ rơi. Ông bấm bụng thuê phòng trọ thứ 2, thuê thêm người bán bánh mì gần đó trông giữ. Mãi 6 tháng sau, ông mới đánh liều tâm sự với mẹ.

“Chẳng ngờ, mẹ nói: “Thằng này khùng, nhặt thì đem về nhà chứ để đâu ở ngoài”. Tôi chưng hửng. Hóa ra mẹ cũng như tôi, nhìn những sinh linh bé bỏng bơ vơ, nhìn đôi tay nhỏ xíu nắm lấy tay mình, bà đã yêu chúng tự bao giờ. Kể từ đó, 4 đứa con về chung nhà tôi. Kể từ đó, tôi mãi trăn trở 1 câu hỏi: “Vì sao cũng là con người, có bé sinh ra giàu sang quá, còn có bé mở mắt đã là gốc cây, bãi rác?”. Cũng kể từ đó, tôi nhận ra còn quá nhiều bất hạnh trong cuộc đời này và quyết từ bỏ tất cả hạnh phúc cá nhân để dang tay mình đón các “con” về”, ông Lâm bộc bạch.

Bố đơn thân của gần trăm đứa trẻ

Người đàn ông độc thân 'nhặt' gần trăm đứa con từ nghĩa trang, bãi rác, lề đường - Ảnh 5.

Người đàn ông độc thân bỗng nhiên phải đi... chăm hàng loạt trẻ sơ sinh. (Ảnh: HOÀI NHÂN)

Người đàn ông độc thân 'nhặt' gần trăm đứa con từ nghĩa trang, bãi rác, lề đường - Ảnh 6.

Các con là tất cả của ông. (Ảnh: HOÀI NHÂN)

Làm việc 20 tiếng/ngày nuôi các con

Đồng hành cùng ông Lâm từ đứa con đầu tiên là Nguyễn Văn Phúc, em trai ông. Hai người đàn ông độc thân đi chăm trẻ mới lọt lòng, chẳng phải điều dễ dàng gì. Những đêm khuya lắc khuya lơ, ông vẫn dò trên mạng cách bế bồng, đút trẻ ăn. Ông mua sách kỹ năng nuôi dạy trẻ về gối đầu giường!

“Nhưng khó khăn hơn nữa là chuyện kinh tế. Anh em tôi có thu nhập chính từ một công ty bảo vệ, nhưng đủ vào đâu khi phải nuôi quá nhiều con. Một ngày của tôi bắt đầu từ 2 giờ rưỡi sáng, dậy hầm cháo, khuấy bột kịp cho các cô bảo mẫu sáng đến cho ăn. Rạng sáng tôi ra chợ đầu mối đẩy dù thuê cho tiểu thương, rồi giữ xe cho người đi chợ. Em tôi đưa rước các con đến trường. Ban ngày, chúng tôi lo việc công ty. Tối đến lại đi tính tiền, rửa ly, pha chế cho một quán cà phê. 10 giờ đêm mới trở về nhà lo cho các con…”, ông Lâm kể về quãng thời gian làm việc hơn 20 tiếng/ngày.

Để rồi như một sứ mệnh, những đứa “con” cứ lần lượt “tìm đến” ông. Nhiều bé bị bỏ ngay trước cửa nhà, với hình hài dị tật chẳng ai dám nhìn. Nhiều bé đẻ rớt trong bồn cầu, cha tự tử bỏ lại, mẹ ung thư thời kỳ cuối,… bất kỳ lúc nào, bất kể ở đâu, ông cũng đều chạy đến cưu mang.

Đỉnh điểm những năm 2014 – 2016, trung bình có đến 2 – 3 trẻ bị bỏ rơi/tháng. Mái ấm cũ kỹ ngày càng ọp ẹp, dột nát đủ bề. “Hiểu những gì tôi đang làm, mẹ dành toàn bộ đất quanh mái ấm cho tôi. Mặc tôi không nhận, mẹ vẫn cương quyết “tặng cho mái ấm” để tôi không thể từ chối. Chẳng đợi mẹ nói gì thêm, tất cả anh em đồng lòng để một nửa tài sản cho tôi, chung tay xây lại mái ấm. Những gì các con đang ở, đang sống ngày hôm nay, mình tôi không thể nào làm được”, ông Lâm tâm sự.

Người đàn ông độc thân 'nhặt' gần trăm đứa con từ nghĩa trang, bãi rác, lề đường - Ảnh 7.

“Ngày xưa con đã chứng minh cho mẹ về những gì con làm, thì bây giờ mẹ không chấp nhận việc con ngã gục. Mẹ phải thấy con đứng lên bằng chính đôi chân của mình và gánh vác lũ trẻ”, mẹ vẫn thường động viên ông Lâm như thế, trong những lần ông vắt kiệt sức mình để chăm lo cho các con. (Ảnh: HOÀI NHÂN)

 "Đừng thêm đứa trẻ nào gọi tôi là cha..."

Tháng 8/2017, mái ấm được xây dựng khang trang hơn. Dọn vào nhà mới chỉ 10 ngày, 1 trận hỏa hoạn do chập điện đột ngột thiêu rụi tất cả đồ đạc, may mắn không có ai bị thương.

“Nhưng giống như trong cái rủi có cái may. Ròng rã 9 năm rưỡi, tôi chỉ lặng thầm cưu mang các con. Sau trận cháy, một đứa cháu tôi mới viết bài trên mạng xã hội, xin sự giúp đỡ về quần áo, tập sách cũ cho các con đi học. Bỗng nhiên được chia sẻ rầm rộ, đông đảo mạnh thường quân tìm đến mái ấm hỗ trợ. Nhờ vậy, đến nay đã có 90 trẻ dưới mái nhà chung, trong đó có 38 trẻ sơ sinh nằm nôi, còn lại đều được đến trường đúng tuổi”, ông Lâm cho biết.

Người đàn ông độc thân 'nhặt' gần trăm đứa con từ nghĩa trang, bãi rác, lề đường - Ảnh 8.

Mấy chục đứa trẻ giành ngồi cùng khi thấy cha. (Ảnh: HOÀI NHÂN)

Người đàn ông độc thân 'nhặt' gần trăm đứa con từ nghĩa trang, bãi rác, lề đường - Ảnh 9.

"Tụi nhỏ đi học về, nói "cha ơi, mấy bạn nói con là đồ mồ côi". Tôi lặng người, nói cho chúng hiểu: "Các con không mồ côi, các con có cha mà. Và dưới mái nhà này, tất cả là anh em...", ông bộc bạch. (Ảnh: HOÀI NHÂN)

Người đàn ông độc thân 'nhặt' gần trăm đứa con từ nghĩa trang, bãi rác, lề đường - Ảnh 10.

Những đứa trẻ vây lấy bất kỳ người khách nào ghé thăm. Không mẹ, không cha là sự mất mát tình cảm lớn nhất...(Ảnh: HOÀI NHÂN)

Từ đứa con thứ 2, tất cả đều có cái tên chung là “Nguyễn Hoàng Phúc …”. Ông nói, “hoàng” là “huy hoàng”, “phúc” là “hạnh phúc”. Đó là tất cả những gì ông mong mỏi cho các con sau này. Gần 100 con, là ngần ấy câu chuyện số phận in sâu vào ký ức người cha ấy.

“Nguyễn Hoàng Phúc Hậu là con gái bị bỏ trong bọc đen, chó tha ngang cửa mái ấm. Con bé bằng bàn tay, vỏn vẹn 700 gram, phải nằm lồng kính 3 tháng. Nguyễn Hoàng Phúc Nhân là con trai, cũng bị bỏ trước cửa mái ấm vì không mắt, mũi, miệng, chỉ có một lỗ đen giữa mặt. Ba ca mổ rồi, vẫn chưa lấy lại được hình hài... Nguyễn Hoàng Phúc Thông như một chú bạch tuộc, với đầu bự và tay chân teo tóp. 

Một lần trong bệnh viện, mẹ của con chạy đến nhờ tôi bế giúp, rồi không bao giờ quay lại nữa. Còn mẹ của Nguyễn Hoàng Phúc Nhàn, mang bầu 7 tháng thì tự tử. May mắn là bệnh viện cứu được con…”, ông Lâm có thể kể vanh vách ngày tháng, bệnh tình, hoàn cảnh từng đứa con của mình.

Người đàn ông độc thân 'nhặt' gần trăm đứa con từ nghĩa trang, bãi rác, lề đường - Ảnh 11.

Ông vẫn thường khóc khi nhớ đến 6 đứa con không may đã mất... (Ảnh: HOÀI NHÂN)

Người đàn ông độc thân 'nhặt' gần trăm đứa con từ nghĩa trang, bãi rác, lề đường - Ảnh 12.

Mỗi cái tên An, Phúc, Nhân, Nghĩa,... là mỗi sự kỳ vọng vào tương lai các con. (Ảnh: HOÀI NHÂN)


Người đàn ông độc thân 'nhặt' gần trăm đứa con từ nghĩa trang, bãi rác, lề đường - Ảnh 13.

Mong mỏi lớn nhất của ông, là đừng có thêm đứa trẻ nào ngoài kia phải gọi mình là cha... (Ảnh: HOÀI NHÂN)

Niềm vui của ông giờ đây, chỉ đơn giản là nhìn các con yên vui, khỏe mạnh. Niềm hạnh phúc của ông, chỉ là có thể đủ sức dang tay cưu mang những thiên thần không may mắn. Nhưng hạnh phúc hơn cả, là đừng có thêm sinh linh nào ngoài kia phải gọi ông là cha. Bởi lẽ, có bất hạnh nào cho một đứa trẻ, bằng việc phải mồ côi…

"Mái ấm Phúc Lâm (Long An - Long Thành - Đồng Nai) được cấp phép hoạt động năm 2015, cho đến nay luôn đảm bảo trình tự thủ tục về nuôi, dạy trẻ mồ côi. Nhận thấy đây là một hoạt động nhân văn và ý nghĩa cho những trẻ em bất hạnh trên địa bàn, phía chính quyền địa phương luôn ưu tiên giải quyết về mặt pháp lý, giấy tờ đảm bảo quyền lợi, đồng thời hỗ trợ các cháu đến trường", ông Đặng Minh Tân (Chủ tịch UBND xã Long An, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) cho biết.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.