SAM Holdings muốn mua cổ phần chủ khu bến cảng 14.000 tỷ tại Quảng Trị sau khi gọi vốn trái phiếu

HĐQT SAM Holdings vừa ra quyết định mua 36% vốn cổ phần tại chủ đầu tư Khu bến cảng quy mô 685 ha với tổng mức đầu tư hơn 14.000 tỷ đồng tại Quảng Trị sau đợt huy động trái phiếu cách đây hai tuần.
SAM Holdings mua cổ phần tại dự án hơn 14.000 tỷ đồng sau khi gọi vốn từ trái phiếu - Ảnh 1.

Phối cảnh dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy do MTIP làm chủ đầu tư. (Ảnh: Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Quảng Trị).

Hội đồng quản trị CTCP SAM Holdings (mã chứng khoán: SAM) vừa thông qua phương án mua 36% vốn điều lệ tại CTCP Liên doanh Cảng Quốc tế Mỹ Thủy (MTIP), thời gian thực hiện dự kiến trong quý I/2022.

Sau khi giao dịch hoàn tất, đơn vị này sẽ trở thành công ty liên kết với SAM Holdings. HĐQT cũng cử Tổng Giám đốc làm đại diện phần vốn góp tại đơn vị này.

MTIP là doanh nghiệp được thành lập vào năm 2015, có địa chỉ tại TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị và hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng. Ba cổ đông sáng lập của doanh nghiệp là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Dịch vụ Xây dựng Việt Nam (70%), Công ty TNHH Phát triển Khoáng sản Duy Tân (25%) và ông Trần Hưng Khánh (5%).

Tính đến tháng 8/2018, vốn điều lệ của doanh nghiệp này là 2.250 tỷ đồng và hiện đang được đứng tên bởi ông Cho GilHyung (quốc tịch Hàn Quốc). Ông Cho cũng là Tổng Giám đốc tại MTIP.

Đáng chú ý, MTIP hiện là chủ đầu tư dự án Bến cảng Mỹ Thủy, phục vụ chủ yếu cho Khu kinh tế ven biển Đông Nam Quảng Trị, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị và hàng hóa quá cảnh từ Lào, Đông Bắc Thái Lan trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây.

Dự án có quy mô 685 ha bao gồm 10 bến cảng. Tổng mức đầu tư là 14.234 tỷ đồng theo ba giai đoạn, trong đó giai đoạn một là từ năm 2018 - 2025 đầu tư 4 bến với vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng.

Cũng trong thời gian công bố mua vốn tại MTIP, SAM Holdings thông tin vừa huy động thành công 250 tỷ đồng từ 26 nhà đầu tư trong nước thông qua kênh trái phiếu.

Cụ thể, ngày 24/12/2021, SAM Holdings đã hoàn tất phát hành 2.500 trái phiếu với mệnh giá 100 triệu đồng/tp, loại không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có tài sản đảm bảo. Bên thu xếp là CTCP Chứng khoán SSI.

Số trái phiếu này có kỳ hạn 12 tháng, đáo hạn vào ngày 8/12/2022. Lãi suất phát hành thực tế là 10,5%/năm, trả lãi định kỳ 6 tháng/lần.

Theo SAM Holdings, mục đích của việc phát hành này là để tăng quy mô vốn hoạt động và cơ cấu lại nguồn vốn của doanh nghiệp. 

Tính tới thời điểm ngày 30/9/2021, tổng nợ tài chính của SAM Holdings là 1.334 tỷ đồng, cao gấp đôi đầu năm. Trong đó nợ ngắn hạn là 587 tỷ đồng, tăng 85% và nợ dài hạn là 747 tỷ đồng, tăng 139% so với đầu năm, chủ yếu là ở các khoản vay ngân hàng và trái phiếu.

Trong 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp đã chi gần 2.400 tỷ đồng đầu tư góp vốn vào các đơn vị khác.

chọn
Lãnh đạo Fecon: Luật mới không ảnh hưởng đến mảng BĐS của công ty, cam kết trả cổ tức 2022 vào quý IV năm nay
Giai đoạn đến 2029, Fecon cho biết đang nghiên cứu phát triển và triển khai đầu tư khoảng 11 dự án bất động sản với tổng giá trị gần 2 tỷ USD. Với các luật mới vừa được thông qua, ban lãnh đạo đánh giá không ảnh hưởng quá nhiều đến Fecon, các dự án của doanh nghiệp hiện khá là thuận lợi so với sự thay đổi của các luật.