Theo Hiệp hội tiêu Việt Nam (VPA), sản lượng tiêu năm 2021 có thể giảm 25-30% so với năm 2020 xuống khoảng 168 - 180 nghìn tấn.
VPA cho biết tại huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước ghi nhận sự sụt giảm mạnh khi số lượng vườn tiêu tiêu già chiếm phần lớn diện tích.
Tại Đắk Nông, nơi được xem là khu vực có diện tích tiêu lớn nhất cả nước cũng ghi nhận năng suất giảm 15 - 20%.
Đặc biệt tại thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk), tỷ lệ tiêu chết không dưới 50%. Diện tích tiêu chết đã và đang dần được thay thế bởi cà phê và một số loại cây trồng khác.
Trao đổi với người viết ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết: "Những năm gần đây, do giá tiêu giảm mạnh, người dân không còn vốn để đầu tư chăm sóc dẫn đến cây còi cọc.
Thêm vào đó, một số hộ chuyển sang trồng các loại cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn nên diện tích tiêu giảm sút".
Mối quan ngại lớn nhất đối với nông dân trồng tiêu ở Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu hiện nay là chi phí lao động cao.
Đây là yếu tố liên quan trực tiếp đến giá thành sản xuất và ảnh hưởng đến quyết định của nông dân trong việc duy trì vườn tiêu hoặc tái đầu tư hay không.
Với giá tiêu hiện nay khoảng 54.000 đồng/kg trong khi chi phí lao động dao động từ 200.000-230.000 đồng/công/ngày thì người nông dân trồng tiêu vẫn còn rất nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, điều này lại một phần có động tích cực khi người dân chuyển sang dùng phân hữu cơ thay vì phân hóa học như trước đây.
Theo đó, mặc dù diện tích giảm nhưng hầu hết các vườn tiêu trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu canh tác theo hướng sạch, bền vững, sử dụng phân chuồng và phân hữu cơ là chính, hạn chế tối đa sử dụng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật.
Nguyên nhân một phần là do nông dân không đủ điều kiện đầu tư trong bối cảnh giá xuống thấp và hơn hết nhận thức của người dân được nâng cao. Do đó, hồ tiêu được kỳ vọng đạt chất lượng tốt trong mùa vụ tới.
Theo chủ tịch VPA, mặc dù diện tích nhưng giá tiêu trong năm 2021 khó lòng tăng mạnh vì cung vẫn vượt cầu.
"Dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp khiến các nhà hàng phải đóng cửa kéo theo nhu cầu mạnh.
Thêm vào đó, doanh nghiệp hiện vẫn đang thiếu container rỗng để xuất hàng đi, giá cước tăng cao nên tình hình càng khó khăn hơn. Hơn thế các nước sản xuất tiêu lớn khác như Brazil, Campuchia tăng sản lượng nên càng gây áp lực lên giá", ông Nam nói.
Vị này cho rằng giá tiêu trong năm 2021 có thể chỉ đạt khoảng 54.000 - 55.000 đồng/kg. Cao nhất cũng chỉ đạt khoảng 60.000 đồng/kg.
Trong tháng 12/2020, giá tiêu dao động trong khoảng 53.000 - 56.000 đồng/kg giảm khoảng 3.000 đồng/kg. Tuy nhiên, nếu so sánh với cùng kì năm ngoái, giá tiêu tăng 13.000 – 14.000 đồng/kg
Trao đổi với người viết ông Phan Minh Thông Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Phúc Sinh Group cho rằng nếu không có dịch Covid-19, theo quy luật cung - cầu, giá tiêu sang năm 2021 có thể tăng bởi trong nhiều năm qua, ngành đã chịu áp lực dư cung quá lớn.
"Ngày xưa 10 người muốn bán thì bây giờ con số ấy giờ lên 50 - 60 người. Trong khi nhu cầu không có do nhiều nhà hàng trên thế giới phải đóng cửa.
Phân khúc nhà hàng, khách sạn ở Châu Âu tiêu thụ rất nhiều hồ tiêu của Việt Nam nhưng hiện cũng đang bị tê liệt. Thậm chí, sang năm 2021, tôi cho rằng lượng tiêu thụ hồ tiêu của Việt Nam có thể giảm tới 50%", ông Thông nói.
Tình trạng thiếu container cũng đẩy doanh nghiệp này vào tình thế đã khó nay càng khó hơn.
Ông Thông chia sẻ chưa bao giờ Phúc Sinh xuất hàng ít như thời điểm này, bình thường công ty xuất ít nhất 40 container/ngày nhưng giờ xuất chỉ khoảng 3 container/ngày.
Thời điểm hiện tại, đang vào vụ tiêu và cà phê nhưng các doanh nghiệp lại không xuất khẩu được.
Theo quan điểm của ông Thông, năm 2021 vẫn tiếp tục "đen tối", thị trường xuất khẩu dự báo tiếp tục khó khăn vào quý I và quý II.
Để giải quyết phần nào khó khăn hiện tại, ông Hải cho biết hiện VPA đang tính đến việc mở rộng tiêu thụ nội địa.
Theo Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản, khối lượng tiêu xuất khẩu tháng 12/2020 ước đạt 23 nghìn tấn với giá trị đạt 62 triệu USD, đưa khối lượng và giá trị xuất khẩu tiêu cả năm 2020 đạt 288 nghìn tấn và 666 triệu USD, tăng 1,2% về khối lượng nhưng lại giảm 6,8% về giá trị so với năm 2019.
Tính riêng thị trường EU, xuất khẩu tháng 11/2020 đạt đạt 1,8 nghìn tấn tương đương 5,8 triệu USD, giảm 26% về lượng và 19% về giá trị so với tháng 10/2020.
Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản nhận định hiện dịch Covid-19 đang khiến mọi hoạt động kinh tế, lễ hội của các nước trên thế giới trong cuối năm 2020 bị tê liệt và khả năng vẫn kéo dài sang đầu năm 2021.
Cơ quan này dự báo xuất khẩu tiêu của Việt Nam trong ngắn hạn sẽ trầm lắng khi thiếu các yếu tố hỗ trợ. Bên cạnh đó, thời điểm giáp tết Nguyên Đán cũng là lúc Việt Nam bước vào vụ thu hoạch nên giá xuất khẩu tiêu nhiều khả năng sẽ giảm xuống.
Bên cạnh đó, hiệp hội cũng đang theo dõi các thị trường Việt Nam vừa kí FTA nhất là những thị trường ít chịu tác động bởi Covid-19.