Tin tức trên báo Thanh Niên, ngày 30/11, Đoàn ĐBQH TP.Đà Nẵng đã có buổi tiếp xúc báo cáo kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 14 với cử tri Q.Hải Châu.
Liên quan đến vụ án Trịnh Xuân Thanh, cử tri Nguyễn Quang Thanh (trú P.Thuận Phước) tỏ ra bức xúc khi cho rằng, trước khi vụ việc đưa ra khởi tố thì ông Trịnh Xuân Thanh vẫn còn ở nhà.
“Nhưng không biết lý do gì lại ra nước ngoài. Khi đã liên quan đến vụ án thì những người liên quan đều bị cấm đi ra khỏi nơi cư trú thì không hiểu sao Trịnh Xuân Thanh lại đi dễ dàng, trót lọt. Dư luận đang quan tâm phải chăng ở đây có sự tiếp tay của cán bộ có thẩm quyền để đưa Trịnh Xuân Thanh đi nước ngoài?”, ông Nguyễn Quang Thanh nói.
Thông tin trên Pháp luật TPHCM, trả lời ý kiến của cử tri quận Thanh Khê (TP Đà Nẵng), đại biểu Đinh Thế Huynh (Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư) cho hay về vụ việc Trịnh Xuân Thanh, hiện tại các cơ quan chức năng đang làm rõ việc đề bạt, bổ nhiệm không chỉ ở Bộ Công Thương mà còn ở các cơ quan có liên quan khác.
“Trong những ngày tới sẽ có công bố, xác định trách nhiệm của các cơ quan liên đới chịu trách nhiệm trong việc bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh. Còn việc Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn ra nước ngoài, khi đó thì Trịnh Xuân Thanh vẫn đang bị kiểm tra, chưa có biện pháp ngăn chặn nên bỏ trốn” - Thường trực Ban Bí thư cho biết.
Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh trả lời cử tri TP Đà Nẵng nhiều vấn đề liên quan đến xử lý tham nhũng, nhà máy điện hạt nhân và Trịnh Xuân Thanh. Ảnh: Pháp luật TP HCM |
VnExpress đưa tin, sai phạm liên quan ông Trịnh Xuân Thanh bị phát giác khi đầu tháng 6/2016, báo chí thông tin về việc Phó chủ tịch Hậu Giang được đưa đón bằng xe tư nhân Lexus LX570 giá 5 tỷ đồng, nhưng gắn biển xanh; tình trạng thua lỗ nặng ở Tổng công ty PVC - nơi ông Thanh từng là lãnh đạo chủ chốt, và dù doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, ông Thanh vẫn được bổ nhiệm giữ nhiều chức vụ quan trọng tại Bộ Công Thương, rồi Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.
Ngày 15/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C46, Bộ Công an) khởi tố tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165 Bộ luật hình sự đối với ông Trịnh Xuân Thanh, để điều tra khoản thua lỗ gần 3.300 tỷ tại PVC.
Thông tin trên Zing, nhiều cử tri khác cũng dẫn chứng rằng từ trước đến nay hầu hết những vụ án tham nhũng, lãng phí đều do người dân và báo chí phát hiện. Còn các cơ quan chức năng với rất nhiều "ban bệ" nhưng chỉ phát hiện những vụ án nhỏ.
Nhắc lại vụ ông Vũ Huy Hoàng (nguyên Bộ trưởng Công thương) bổ nhiệm con trai vào các vị trí quan trọng trong các công ty Nhà nước, cử tri Đặng Xuân bức xúc: "Ông Hoàng bổ nhiệm người thân vào những vị trí quan trọng trước khi về hưu thì chỉ bị cảnh cáo. Những cán bộ được ông ta bổ nhiệm thì vẫn chưa được các cơ quan chức năng xem xét, xử lý. Giải quyết vụ việc hời hợt như thế thì làm sao dân tin được".
|
Tại buổi tiếp xúc, ông Đinh Thế Huynh chia sẻ với những bức xúc của các cử tri Đà Nẵng. Vị Ủy viên Bộ Chính trị thẳng thắn thừa nhận công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Ông nói đất nước đang trong quá trình phát triển nên hệ thống pháp luật vẫn còn kẽ hở bị một số người lợi dụng làm việc trái quy định.
Ông Huynh nhấn mạnh quan điểm xuyên suốt của Đảng, Nhà nước là lấy dân làm gốc để đấu tranh, bài trừ tình trạng suy thoái của một số cán bộ, Đảng viên. Ông cũng đồng ý với góp ý của cử tri là muốn chống tham nhũng, lãng phí hiệu quả thì phải lấy dân làm gốc.
"Quan điểm của Đảng, Nhà nước là sẽ đấu tranh phòng chống tham nhũng đến cùng. Sắp tới, những vụ án tham nhũng, lãng phí lớn sẽ được đưa ra xét xử nghiêm minh", ông Huynh cho biết.
Trước những thắc mắc của cử tri về việc các tổng công ty Nhà nước làm ăn thua lỗ, ông Huynh cho biết: "Doanh nghiệp làm ăn có lãi thì phải đóng thuế. Còn nếu thua lỗ thì tự chịu chứ không có chuyện lấy tiền thuế của dân để bù lỗ cho doanh nghiệp. Người quản lý điều hành làm ăn kém, để ra sai phạm thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật".