Sắp hồi sinh dự án công viên 95 ha trên Vành đai 3,5

Khu công viên văn hoá - vui chơi giải trí, thể thao quận Hà Đông có tổng vốn hơn 1.200 tỷ đồng, được duyệt quy hoạch lần đầu năm 2008, sau nhiều năm chưa thể triển khai. Gần đây, dự án này liên tục đón những chuyển biến mới về pháp lý, chủ đầu tư cho biết sẽ triển khai trong giai đoạn 2024 - 2027.

Vị trí dự án nhìn trên bản đồ. (Ảnh: Chủ đầu tư). 

Khu công viên văn hoá - vui chơi giải trí, thể thao quận Hà Đông được UBND tỉnh Hà Tây (trước đây) phê duyệt quy hoạch chi tiết vào ngày 14/4/2008. Đến tháng 1/2016, thành phố đã duyệt nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch dự án.

Khu công viên này có diện tích khoảng 96,7 ha, nằm tại các phường Hà Cầu và Kiến Hưng, quận Hà Đông. Phía đông bắc dự án giáp dự án Nhà ở công vụ Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển và khu đất quy hoạch của hợp tác xã nông nghiệp Hà Trì; phía tây bắc giáp Trung tâm hành chính quận Hà Đông và khu dân cư phường Hà Cầu; phía nam giáp đường Phúc La - Văn Phú; phía tây giáp khu đô thị mới Văn Phú và phía đông giáp khu dân cư phường Kiến Hưng.

Về tính chất, dự án được định hướng trở thành không gian sinh hoạt văn hóa, thể dục thể thao, công viên cây xanh vui chơi giải trí của thành phố, có các dịch vụ đa dạng nâng cao điều kiện môi trường sống của nhân dân.

 Năm 2010, TP Hà Nội đã giao liên danh CTCP Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest, mã chứng khoán: HPX) và CTCP Đầu tư Văn Phú - Invest (mã chứng khoán: VPI) phối hợp với UBND quận Hà Đông để nghiên cứu lập quy hoạch điều chỉnh chi tiết dự án.

Đến năm 2014, liên danh trên đã bàn giao lại cho UBND quận Hà Đông tiếp tục lập quy hoạch chi tiết công viên với lý do đây là dự án lớn, mang tầm cỡ khu vực, có tính đặc thù, liên danh không có khả năng thực hiện.

Những chuyển biến mới về pháp lý

Tại Kỳ họp HĐND TP Hà Nội lần thứ 12 diễn ra vào tháng 7/2023, Chủ tịch UBND quận Hà Đông Cấn Thị Việt Hà cho biết, dự án Công viên văn hóa vui chơi giải trí Hà Đông đã được đưa vào danh mục các dự án mới cần đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư vào ngày 23/9/2021.

Theo tiến độ thực tế của dự án, ngày 30/9/2021, UBND quận Hà Đông đã có báo cáo về tình hình quản lý, khai thác tạm với phần diện tích 52,8 ha đã thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng. UBND thành phố sau đó đã ban hành kế hoạch cải tạo, nâng cấp và xây mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025, trong đó có Công viên văn hóa, vui chơi giải trí, thể thao quận Hà Đông được dự kiến xây dựng hoàn thành giai đoạn 2021 - 2025.

Ngày 14/4/2022, UBND quận Hà Đông đã có báo cáo với thành phố để xem xét và giao đơn vị thuộc UBND thành phố tiếp tục nghiên cứu, lập tổng thể quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500. Đồng thời, giao UBND quận Hà Đông lập chủ trương đầu tư giai đoạn một và phần mặt bằng đã giải phóng 52,8 ha. Đối với phần diện tích này, quận Hà Đông đã giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất Hà Đông quản lý để chống tái lấn chiếm.

Quận cũng đã báo cáo UBND thành phố và Sở Kế hoạch Đầu tư cho phép Hà Đông chuẩn bị đầu tư giai đoạn 1 dự án, gồm hai phân khu là Khu công viên văn hóa, cây xanh diện tích là 13,53 ha và Khu công viên vui chơi giải trí diện tích 23,16 ha và diện tích mặt nước là 16,18 ha.

Ngày 23/3/2023, Sở Quy hoạch Kiến trúc đã có báo cáo về đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 Khu công viên văn hóa, vui chơi giải trí, thể thao Hà Đông.

Ngày 6/11/2023, UBND TP Hà Nội đã có quyết định phê duyệt đồ án Quy hoạch chi tiết Khu công viên văn hóa - vui chơi giải trí, thể thao Hà Đông, tỷ lệ 1/500. Đến ngày 21/12/2023, dự án đã được HĐND quận Hà Đông phê duyệt cập nhật vào kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025.

Ở diễn biến mới nhất, ngày 20/2 vừa qua, UBND phường Kiến Hưng đã có báo cáo nguồn gốc đất nằm vào quy hoạch dự án Khu công viên văn hoá - vui chơi giải trí, thể thao quận Hà Đông.

Giáp vành đai 3,5

Sau khi được duyệt quy hoạch, khu công viên này có tổng diện tích 95 ha, thuộc địa giới hành chính của các phường Hà cầu, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông.

Phía bắc dự án giáp Trung tâm Hành chính quận Hà Đông và khu vực dân cư phường Hà cầu; phía nam giáp tuyến đường Phúc La - Văn Phú; phía đông giáp khu vực dân cư của phường Kiến Hưng và khu đất dịch vụ của phường Kiến Hưng; phía tây giáp tuyến đường quy hoạch mặt cắt ngang 24 m.

Về hiện trạng, khu vực thực hiện dự án không có dân cư sinh sống, phần lớn diện tích là đất nông nghiệp. Khu đất đã đền bù giải phóng mặt bằng khoảng 52,9 ha. Còn lại phần chưa giải phóng mặt bằng là 42,1 ha, bao gồm 8,3 ha của phường Hà Cầu và 32,3 ha của phường Kiến Hưng.

Trong khu vực dự án còn có 50 nhà kho, nhà tạm với diện tích khoảng 4,5 ha của các chủ đầu tư được UBND quận Hà Đông cho phép khai thác tạm thời. Phía đông nam khu đất có khoảng 15 ngôi mộ xây tự phát từ thời xưa thuộc phường Kiến Hưng. Một số di tích lịch sử khu vực dự án như Nhà thờ Doanh nhân Hoàng Trình Thanh và từ chỉ họ Hoàng, Miếu thờ Thần Nông sẽ được giữ nguyên hiện trạng.

Về giao thông, phía nam khu đất giáp đường Lê Trọng Tấn kéo dài (vành đai 3,5); phía tây là trục đường rộng 24 m qua trung tâm hành chính quận Hà Đông. Hầu hết trong khu vực nghiên cứu đều là ruộng trũng, hiện tại trong khu vực đang giao tạm đất cho một số chủ đầu tư đang làm đường thi công, hầu hết là các tuyến đường đất rộng 3 - 7 m.

Mục tiêu của dự án này nhằm tạo lập thêm không gian sinh hoạt văn hóa, thể dục thể thao, công viên cây xanh vui chơi giải trí của quận Hà Đông và thành phố, có các dịch vụ đa dạng nhằm nâng cao điều kiện môi trường sống của nhân dân.

Khu đất dự án nhìn từ trên cao. (Ảnh tư liệu: Hạ Vũ).

Các hạng mục chính

Trong cơ cấu sử dụng đất, dự án sẽ bố trí khoảng 92,5 ha cho khu công viên, trong đó chia làm ba khu: Khu A - Công viên văn hoá (46,7 ha); Khu B - Công viên vui chơi giải trí (23,1 ha) và Khu C - Thể dục thể thao (22,6 ha).

Khu A sẽ chia nhỏ thành 19 khu, gồm khu dã ngoại, nhà hàng ẩm thực, chòi ngắm cảnh ven hồ, khu ẩm thực dân gian, sân tập dưỡng sinh, nhà nghỉ ven hồ, nhà triển lãm, quảng trường lễ hội...

Khu B sẽ chia nhỏ thành 33 khu, gồm vườn mê cung, bảo tàng khám phá, đường dạo tiểu cảnh, quán cafe, đồi cảnh, nhà thiếu nhi, công trình dịch vụ,...

Cuối cùng khu C chia nhỏ thành 13 khu, gồm sân bóng mini, sân bóng có khán đài, quảng trường sự kiện, nhà thi đấu đa năng, bể bơi trong nhà, khu vực thể thao bóng rổ/cầu lông...

Chủ đầu tư cho biết, do tính chất đầu tư, khai thác các hạng mục trong quy hoạch có tính chất khác nhau, một số hạng mục mang tính đặc thù, vì vậy để tăng cường hiệu quả đầu tư cũng như khả năng khai thác, vận hành sau này, dự án đề xuất đầu tư theo từng giai đoạn phù hợp với tình hình thực tế.

Ở giai đoạn đầu, dự án sẽ tập trung san nền trong phạm vi khu công viên và đảo; đào hồ (sâu trung bình 3 m); hàng rào xung quanh công viên, thiết kế theo dạng không gian mở; lan can xung quanh đường dạo ven hồ và đảo; kè bê tông xung quanh hồ và đảo; mặt đường nhựa bên ngoài phạm vi công viên để kết nối với các tuyến đường hiện trạng.

Còn khu A sẽ xây trước 11 hạng mục; khu B xây trước 14 hạng mục và khu C xây trước 5 hạng mục. Các công trình hạng mục khác chưa cần thiết đầu tư ở giai đoạn này.

Trong một báo cáo mới nhất, chủ đầu tư cho biết tiến độ thực hiện dự án này là 2024 - 2027, tổng mức đầu tư dự án là 1.251 tỷ đồng, trong đó chi phí mặt bằng là 613 tỷ đồng, chi phí xây dựng chiếm hơn 502 tỷ đồng, dự phòng 91 tỷ đồng...

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.