Sở Nội vụ TP HCM mới đây đề xuất 9 trường hợp nhập hai phường thành một, và một trường hợp nhập 3 phường thành một phường mới. Như vậy, TP HCM chỉ còn 310 phường, xã - giảm 10 đơn vị so với trước.
Liên quan vấn đề này, luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng, Việc sáp nhập các phường sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến người dân các phường đó. Tuy nhiên, người dân sẽ không cần làm các thủ tục thay đổi giấy tờ.
Quận 2 sẽ sáp nhập phường An Khánh và Thủ Thiêm. (Ảnh: Trường Nguyên).
"Chẳng hạn các thông tin trên chứng minh nhân dân, căn cước công dân, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… sau khi sáp nhập vẫn có giá trị pháp lí. Trong một số trường hợp bắt buộc phải thay đổi thông tin thì cơ quan nhà nước sẽ có hướng dẫn cụ thể", luật sư phân tích.
Theo luật sư, vấn đề khó khăn là khi thực hiện các giao dịch, cấp đổi giấy tờ thì người dân tại địa phương sáp nhập phải đến trụ sở mới sau sáp nhập và trong quá trình làm thủ tục vẫn phải bổ túc một số hồ sơ liên quan. "Điều này làm kéo dài thời gian, rườm rà cho người dân", luật sư đánh giá.
Những phường có thể bị sắp xếp lại thuộc các quận 2, 3, 4, 5, 10, Phú Nhuận. Cụ thể, quận 2 sẽ sáp nhập phường An Khánh và Thủ Thiêm, phường Bình Khánh và Bình An. Quận 3 sáp nhập phường 6,7, 8 thành một phường. Quận 4 sáp nhập phường 5 và 2, phường 12 và 13. Quận 5 sáp nhập phường 12 và 15. Quận 10 sáp nhập phường 3 và 2. Quận Phú Nhuận sáp nhập phường 12 và 11; 14 và 13.
Theo Sở Nội vụ, những phường thuộc diện sắp xếp trên địa bàn đều ở vị trí lõi của trung tâm thành phố. Áp lực quản lí hành chính nhà nước ở các phường này rất lớn do có nhiều khách du lịch, bệnh nhân, người dân tạm cư đến như: Bệnh viện Chợ Rẫy, Hùng Vương, kí túc xá trường ĐH Bách Khoa...