Sát Tết, tiền giả bán công khai trên Facebook, 1 triệu tiền thật đổi 10 triệu đồng tiền giả

Cứ như “đến hẹn lại lên”, gần Tết là dịp tiền giả xuất hiện tràn lan. Không còn kín kẽ tại các hội nhóm bí mật hay nguỵ trang trong các đơn vị kinh doanh hợp pháp, tiền giả năm nay xuất hiện tràn lan, rao bán công khai trên mạng xã hội.

Có 1 triệu tiền thật sẽ đổi được 10 triệu tiền giả?

Chỉ cần gõ tìm kiếm với từ khoá "tiền giả" trên Facebook, có đến hàng trăm tài khoản cá nhân và trang bán hàng hiện ra với ảnh đại diện và tên, địa chỉ đều công khai. Tài khoản cá nhân tên "Tiền giả - Shop tiền giả uy tín" đang rao bán "đợt hàng lớn dịp Tết". Theo đó, tỉ lệ mua sẽ là 1:10, nếu có 1 triệu đồng tiền thật, khách sẽ nhận được 10 triệu đồng tiền giả.

Tiền giả hiện nay không chỉ được bán ở một vài cá nhân mà trở nên phổ biến hơn. Ngoài việc cạnh tranh bằng tỉ lệ đổi tiền, người bán tiền giả còn kéo khách của nhau, bằng việc không cần yêu cầu khách cọc tiền trước. Nhiều tài khoản tự xưng "nơi bán tiền giá uy tín" đang thịnh hành hình thức này. 

Khách không cần chuyển trước tiền cọc, nhưng để nhận được tiền giả, những người bán này yêu cầu khách hàng phải giao dịch trực tiếp.

Dịp Tết, tiền giả bắt đầu xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội. (Ảnh: FBNV).

Còn trên một tài khoản cá nhân tên H.T., người này công khai giới thiệu mình "buôn tiền giả toàn quốc". Theo đó, 1 triệu đồng tiền thật sẽ mua được 15 tờ tiền mệnh giá 500.000 đồng, tương đương 7,5 triệu đồng.

Tài khoản này quảng cáo tiền giả của mình chất lượng hơn hẳn những nơi khác. Để chứng minh, người này đăng một clip lấy xấp tiền giả thả vào nước, các tờ tiền không thấm nước mà cũng không bị chìm.

Tiền giả chất lượng cao không thấm nước được người bán H.T. quảng bá công khai, rậm rộ. (Video: FBNV).

Khách hàng có 2 cách để nhận tiền: giao dịch trực tuyến theo điểm hẹn quen thuộc tại TP HCM, hoặc nhận hàng qua đường bưu điện. Với giao dịch trực tuyến, chỉ khi khách cọc trước tiền mới biết được điểm hẹn. Chúng tôi chỉ biết đó là một quán cà phê vỉa hè, nằm tại quận 5, TP HCM.

Theo tìm hiểu, người bán này còn có đội ngũ seeder (người quảng cáo sản phẩm/dịch vụ nhưng đóng vai khách hàng nhận xét tốt về sản phẩm/dịch vụ đó). Trên các trang cá nhân và trang bán hàng khác, đội ngũ seeder của H.T. tung đến 3-5 người cũng bình luận vào một bài post, với lời cảnh tỉnh đã bị lừa khi mua tiền giả ở nhiều nơi, có người mất 5 triệu, có người mất 9 triệu đồng. Sau đó, những người này mới tìm được "nơi bán tiền giả uy tín" là H.T.

Tinh vi hơn, nhiều người bán còn tạo ra các nhóm với tên gọi hợp pháp hơn, như Hội vay tiền online, Hội đổi tiền lẻ lì xì Tết, Hội đổi tiền mới,… 

Như người bán Lê Y.N. tạo nhóm Hội vay tiền online, cũng để "lách luật" bán tiền giả. Người này quảng cáo: "Tiền giả như thật giống 99%. Giao dịch trực tiếp không cọc uy tín. Tỉ lệ: 1 đổi 10, 2 đổi 30, 5 đổi 70". Bài đăng nhận được sự quan tâm lớn, có đến gần 100 bình luận hỏi mua.

Tiền giả bán công khai trên Facebook dịp Tết, 1 triệu tiền thật đổi được 10 triệu đồng - Ảnh 3.

Rất nhiều người quan tâm hỏi mua tiền giả. (Ảnh chụp màn hình).

Theo đó, nếu muốn mua, khách phải liên hệ qua Zalo. Khi nhập số điện thoại này, chúng tôi tìm thấy tài khoản Zalo tên Nguyễn T.H. (biệt danh Hùng Trọc). Tài khoản này sinh năm 1995, giới thiệu đang sống tại Bắc Ninh.

Thậm chí, trong các nhóm buôn bán hợp pháp, các tài khoản bán tiền giả cũng trà trộn vào đăng bài quảng cáo. 

Tuy nhiên, theo những thành viên trong nhóm, đa phần các tài khoản này đều là lừa gạt. Họ sẽ yêu cầu khách hàng mua thẻ game, thẻ cào điện thoại hoặc chuyển khoản tiền trước để cọc. Sau khi thực hiện, khách hàng coi như mất trắng cọc, vì không thể liên lạc được tài khoản này.

Điều 207 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định, người in ấn, rao bán tiền giả là vi phạm pháp luật hình sự. Chế tài có thể lên đến 12 năm tù. Người mua tiền giả là để lừa đảo người khác, có thể bị truy tố hình sự. Riêng người dân nộp tiền vào các NH thương mại bị phát hiện tiền giả, thì NH đó sẽ lập biên bản thu giữ.

Nếu người nộp tiền vô ý nắm giữ tiền giả thì không có vấn đề gì; còn trường hợp họ cố ý nộp tiền giả thì NH sẽ chuyển giao cơ quan công an xử lí.

Theo Báo Người Lao Động, một lãnh đạo cấp cao Ngân hàng (NH) Nhà nước cho biết: "Tới đây, NH Nhà nước sẽ đề nghị cơ quan quản lí mạng xã hội có biện pháp ngăn chặn tình trạng rao bán và lừa đảo liên quan đế tiền giả".

Thông tin cảnh báo từ NH Nhà nước, tiền giả chủ yếu được in trên nilon nên không có độ đàn hồi đặc trưng và độ bền như tiền thật. Vì thế, khi nắm gọn tờ tiền trong lòng bàn tay và mở ra, sẽ không đàn hồi về trạng thái ban đầu như trước khi nắm; khi kéo, xé nhẹ ở cạnh (mép) tờ tiền sẽ dễ bị giãn hoặc rách.

Khi soi tờ tiền trước nguồn sáng, kiểm tra hình bóng chìm và hình định vị, tiền giả có hình bóng chìm chỉ là hình ảnh mô phỏng, không tinh xảo; hình định vị không khớp khít, các khe trắng không đều nhau, hoặc vuốt nhẹ mặt trước, tiền giả chỉ có cảm giác trơn lì hoặc có cảm giác gợn tay nhưng không có độ nổi, nhám ráp như tiền thật.

Còn khi chao nghiêng, tờ tiền giả nhưng không đổi màu hoặc có đổi màu nhưng không đúng màu như ở tiền thật, đồng thời không có yếu tố hình ẩn.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.