Một chiều tháng 8/1982, như thường lệ, cậu bé 11 tuổi Ricky Stetson chạy bộ trong công viên gần nhà ở vùng Portland (thuộc tiểu bang Maine, Mỹ). Trời sẩm tối mà chưa thấy con trở về, bố mẹ của Ricky sốt ruột rồi vội vàng thông báo cho cảnh sát.
Hôm sau, thi thể của Ricky được phát hiện ở khe núi gần đó, nhiều dấu hiệu cho thấy cậu bé xấu số khả năng bị ám sát. “Chứng cứ tại hiện trường chỉ ra nạn nhân bị siết cổ bằng dây thừng, đến mức nghẹt thở”, Thẩm phán Eric Wright thông tin.
Hiện trường vụ án, nơi phát hiện Ricky Stetson. |
Thi thể nạn nhân còn bị cắn và đâm nhiều nhát bằng dao. Khám nghiệm tử thi cho thấy Ricky không bị xâm hại tình dục. Điều kỳ lạ là hung thủ rạch nhiều đoạn cắt trên người nạn nhân, dường như muốn che dấu vết cắn và để lại đặc trưng phạm tội của mình.
Với cảnh sát, vụ án này có vẻ tương tự với hàng loạt vụ giết người bằng dao, từng xảy ra ở Oakdale trước đó 2 năm.
Michael Witham chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại lần đầu tiên “chạm trán” với người được mệnh danh là "Kẻ tàn sát Oakdale" vào năm 9 tuổi. Khi đang đi bộ tới sân bóng, Michael bất ngờ bị một người đàn ông gọi giật lại, tra hỏi về tên tuổi, nơi ở.
Michael sợ sệt trả lời rồi vội quay bước đi, thì kẻ lạ mặt kia giữ chặt người và dí dao kề sát cổ họng của cậu. May mắn đã giúp Michael chạy thoát thân và phải khâu 12 mũi trước khi tử thần gọi tên mình.
Những gì còn đọng lại trong ký ức của cậu bé 9 tuổi năm đó là một gã thanh niên da trắng, chừng 19-20 tuổi. Mô tả đó cũng giống với lời kể của nhân chứng trông thấy người đàn ông đi xe đạp phía sau Ricky.
Khi vụ án vẫn chưa thu được nhiều kết quả, người dân vùng Bellevue, bang Nebraska lại càng lo lắng trước sự an toàn của con cái.
Mùa thu năm 1983, khi đang đạp xe giao báo, Danny Joe Eberle, 13 tuổi, biến mất bí ẩn, khó hiểu. Chiếc xe đạp được tìm thấy trước cửa một ngôi nhà, song cũng không mang lại thông tin gì.
Vết thương hình ngôi sao, đặc trưng gây án của hung thủ. |
Hình ảnh của Danny tràn ngập báo đài, với hy vọng cậu bé chỉ đang đi lạc và vẫn sống sót. Ba ngày sau, thi thể của Danny nằm im lìm bên một con đường hẻo lánh, cách chiếc xe đạp hơn 6,5 km.
Cậu bé được xác định bị đánh đập đến chết. Tay chân của Danny bị trói chặt bằng dây thừng, thắt lưng xuất hiện nhiều vết rạch hình ngôi sao. "Chúng tôi tiên đoán rằng hung thủ có thể cắn nạn nhân rồi cắt thịt để xóa chứng cứ", Robert Ressler, chuyên viên FBI, nhận định.
Do thi thể của Danny được tìm thấy ở gần đường quốc lộ, nhóm điều tra cho rằng hung thủ có thể là người có dáng dấp nhỏ nhắn, thiếu kinh nghiệm và thậm chí có thể hơi chút hoảng loạn.
Sợi dây thừng để buộc chân Danny được gửi tới trụ sở FBI ở Washington D.C để phân tích. Kết cấu của nó khác đặc biệt, gồm 24 loại sợi và 106 sợi màu khác nhau.
Thậm chí, các chuyên gia về sợi cùng khằng định chưa từng nhìn thấy loại dây thừng này. Trong khi đó, ở Nebraska, cuộc điều tra rơi vào tuyệt vọng, phụ huynh lưỡng không muốn cho con đi học, ra ngoài vui chơi vì sự an toàn.
Khi nỗi lo sợ chưa có điểm dừng, câu chuyện đau lòng khác lại xảy ra. Christopher Walden, 12 tuổi, bị bắt cóc trên đường tới trường. Vài ngày sau, một nhóm thợ săn phát hiện thi thể của Christopher đông cứng, chôn vùi dưới tuyết trong tiết trời giá lạnh.
Những vết thương hình ngôi sao đều giống với trên cơ thể của Danny. Điều này cho thấy hung thủ của 3 vụ án trên đều là cùng một người.
Nhờ mô tả của các nhân chứng, cảnh sát phác thảo đặc điểm nhận dạng và phát lệnh truy nã hung thủ. "Tôi nhận thấy hắn ta có nhu cầu gần gũi những cậu bé", Robert Ressler nói.
Cảnh sát đã tra hỏi nhân chứng ở gần hiện trường vụ bắt cóc Christopher. Cô gái này nghĩ rằng đã chứng kiến vụ bắt cóc, song không hoàn toàn chắc chắn. Cảnh sát quyết định để cô trải qua quá trình “thôi miên”.
Trong chuyên ngành điều tra, “thôi miên” có thể giúp nhân chứng nhớ lại chi tiết sự kiện. Song, phương pháp này thường không được chấp nhận tại tòa.
“Dường như việc thôi miên khiến cô ấy phát điên khi mọi việc được gợi nhớ lại”, phóng viên Mark Pettit chia sẻ.
Nữ nhân chứng kể rằng Christopher đi cùng với một gã trai có chiều cao tương tự, chiếc ôtô đưa họ rời hiện trường màu nâu, biển số xe bắt đầu với ký tự “R”.
Trong buổi họp báo, cảnh sát trưởng Patrick Thomas đưa ra lời thách thức với hung thủ: “Người chịu trách nhiệm với những tội ác đó thật yếu đuối, nhu nhược và nhát gan. Tôi kêu gọi người đó ra đầu thú ngay”.
Buổi sáng tháng 11/1984, khi nhìn ra ngoài cửa, cô giáo Barbara Weaver bất chợt nhìn thấy một chiếc ôtô lạ trong bãi đỗ xe, tài xế đội mũ lưỡi trai và mang khuôn mặt gần giống với hung thủ đang bị truy nã. Barbara đang vội vàng ghi biển số xe, thì gã tài xế lạ mặt xông vào phòng, giương dao đe dọa.
Thi thể trần truồng, chôn dưới lớp tuyết giá lạnh của Christopher Walden. |
Barbara may mắn chạy trốn và lập tức thông báo cho cảnh sát về vụ việc. Cảnh sát điều tra biển số xe thuộc về John Joubert, 19 tuổi, trú gần Căn cứ không quân Offutt.
John là thợ cơ khí thuộc đơn vị radar và là trợ lý trưởng nhóm hướng đạo sinh trong vùng. Mặc dù John phủ nhận mọi cáo buộc, song cảnh sát tìm ra nhiều điểm trùng hợp thú vị.
John Joubert sinh ngày 2/7/1963 ở bang Massachusetts. Với chỉ số IQ 123, John bắt đầu biết đọc năm 3 tuổi. Đến 5 tuổi, cậu bé thường chôn vùi trong thế giới của sách truyện tại nhiều thư viện công cộng.
Cha mẹ ly dị khi John lên 8 tuổi. Anh ta luôn cảm thấy bức bối khi bị mẹ kiểm soát, không được gặp cha mình. Lớn lên, John bị đồng nghiệp chế nhạo vì dáng người nhỏ con.
Hình ảnh phác họa hung thủ. |
Từ bé, John bắt đầu có nhiều tưởng tượng tàn bạo. Theo báo cáo, vào năm 1984, anh ta có xu hướng thích bạo lực.
Những tưởng tượng này xoay quanh việc giết và ăn thịt người. Tâm sự với bác sĩ tâm thần, John cho rằng chỉ có "cảm giác muốn giết người" khi ngắm nhìn các cô gái trong khu phố.
John Joubert từng sống ở Portland, bang Maine khi vụ án mạng của Ricky Stetson xảy ra.
Đặc điểm của John rất trùng hợp với hồ sơ FBI thu thập được: 19 tuổi, dáng dấp nhỏ nhắn, tham gia hướng đạo sinh.
Trên sàn ôtô, cảnh sát thu thập được nhúm tóc, được xác định có mẫu ADN trùng khớp với của nạn nhân Danny Joe Eberle. Ngoài ra, dao, sợi dây thừng “hiếm có khó tìm” cũng được tìm thấy trong cốp xe của John Joubert.
Đối mặt với những chứng cứ rõ ràng, John Joubert thừa nhận tội ác. Hắn ta cũng tự nhận mình chính là “Kẻ tàn sát Oakdale”, khi tấn công nhiều nạn nhân như Michale Witham để “luyện tập”.
Tên này thẳng thắn thừa nhận sau khi giết Danny Jor Eberle, hắn ta còn lạnh lùng vào cửa hàng đồ ăn nhanh McDonald’s để rửa sạch máu và gọi đồ ăn sáng.
Còn sau khi ra tay với Christopher Walden, John đã tham dự một lớp học hướng đạo sinh, với tư cách trợ lý. Tại buổi học đó, học viên còn thảo luận về chủ đề bắt cóc trẻ em.
John Joubert, hung thủ của 3 vụ giết trẻ em nam. |
Sau 116 ngày điều tra vụ mất tích kịch tính nhất trong lịch sử Nebraska, cảnh sát cuối cùng bắt giữ được hung thủ. Tại bang Maine và Nebraska, John bị kết án tù chung thân vì tội giết 3 nạn nhân Ricky Stetson, Danny Joe Eberle và Christopher Walden.
“Tôi đặt nghi vấn liệu anh ta có ghét những cậu bé, John chỉ trả lời rằng: ‘Tôi làm sao ghét được khi còn không quen biết chúng”, Charles Kempf, chuyên viên cấp cao của FBI, kể lại.
Không ai biết được động cơ giết người của John Joubert. Anh ta khẳng định sẽ không kiểm soát được bản thân nếu được trả tự do.
Ngày 17/7/1996, John Joubert cuối cùng phải thi hành án tử hình bằng ghế điện, khép lại nỗi hoảng sợ của cộng đồng người dân ở khắp vùng Maine và Nebraska.
Nữ sát thủ dụ tình, thâm hiểm trong lịch sử nước Anh
Gây tội ác dã man, là một trong ba ác phụ nguy hiểm, Joann buộc phải sống trong tù cho đến lúc chết. |