Vụ ngạt khí trong hầm vàng khiến 4 người tử vong |
Ngày 18/11, TAND tỉnh Quảng Nam mở phiên xét xử sơ thẩm, tuyên tổng cộng 30 tháng tù đối với Văn Thị Hoài Thương (SN 1980, trú thôn Dung, TT Thạnh Mỹ, Nam Giang, Quảng Nam) về hai tội Vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên và tội Tàng trữ, sử dụng mua bán trái phép vật liệu nổ. Các bị cáo Cụt Văn Hoanh (SN 1987, trú bản Sao Va, xã Bảo Thắng, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An), Và Bá Nhìa (trú bản Xám Xúm, xã Mường Luống, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) 9 tháng tù giam với tội danh Vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên. Cụt Văn Bình nhận 7 tháng 3 ngày tù tính từ ngày tạm giam nên được tuyên trả tự do ngay sau phiên tòa.
Về trách nhiệm dân sự, Văn Thị Hoài Thương chịu trách nhiệm bồi thường tiền cấp dưỡng, tiền tổn thất tinh thần cho gia đình các bị hại 146 triệu đồng và chi phí mai táng 20 triệu đồng.
Ăn năn muộn màng
Năm 2015, Văn Thị Hoài Thương đầu tư tiền và công cụ, phương tiện, thuê nhân công tổ chức khai thác vàng tại đồi Cho Val (thuộc tổ 5, thôn Dung, TT Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, Quảng Nam). Do quá trình khai thác chi phí nhiều nhưng không thu được sản phẩm nên tháng 12/2015 đã tạm dừng không khai thác. Đầu năm 2016, Nguyễn Kim Vui (SN 1988, trú thôn Dung, TT Thạnh Mỹ) là người đã làm cho Thương, đề nghị Thương đầu tư tiền để Vui gọi người tiếp tục tổ chức khai thác vàng tại địa điểm trên. Thương đồng ý và giao cho Vui, trực tiếp quản lý việc khai thác tại bãi, tiền công và chi phí Thương lo. Vui điện thoại gọi 6 người gồm Cụt Hải Sơn (SN 1982), Cụt Phò Pheng (SN 1983), Cụt Văn Ngọ (SN 1987), Cụt Văn Hoanh, Cụt Văn Bình (SN 1998) cùng trú tại bản Sao Va, xã Bảo Thắng, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An), Và Bá Nhìa vào khu vực đồi Cho Val tổ chức khai thác vàng.
Ngày 12/4, sau khi Vui và Pheng sử dụng vật liệu nổ để đánh đá, Sơn vào hầm để kiểm tra thì bị ngạt khí CO rơi xuống hầm. Lần lượt Vui, Pheng, Ngọ, Bình dùng dây xuống hầm để cứu Sơn nhưng khi xuống hầm đều ngạt không lên được. Hoanh và Nhìa định xuống hầm tiếp nhưng do thấy khó thở nên điện thoại báo cho Thương tìm người đến cứu. Khi được đưa ra khỏi hầm thì Vui, Sơn, Pheng, Ngọ đã chết, Cụt Văn Bình bị ngạt được đưa đi cấp cứu. Tại hiện trường cơ quan chức năng thu giữ 39 kíp nổ điện, 1,3 kg thuốc nổ công nghiệp Amo nít phá đá, 0,12kg thuốc nổ Trit Onal (thuốc nổ mạnh). Số vật liệu này do Thương đưa tiền để Vui mua, cất giữ và sử dụng vào việc khai thác vàng.
Tại tòa, Thương khai do tin lời thầy bói và được Vui đề xuất đầu tư tiền sẽ đứng ra trực tiếp quản lý nên tiếp tục làm. Khi nghe đại diện bị hại đề xuất giảm án cho mình, Thương không cầm nổi nước mắt, lí nhí cảm ơn.
Các đối tượng tại phiên tòa |
Phiên tòa lâu lâu lại vang lên tiếng khóc của đứa bé mới vài tháng tuổi là con của Nguyễn Kim Vui. Trong câu chuyện đau lòng này, gia đình ông Cụt Phò Quyên (SN 1953) mất cùng lúc ba người con là Cụt Hải Sơn, Cụt Phò Pheng, Cụt Văn Ngọ. Cả ba đều là người đồng bào dân tộc thiểu số, sống ở bản làng nghèo heo hút tận Nghệ An. Vì muốn thoát khỏi cái nghèo đeo bám nên mấy anh em rủ nhau đi làm ăn xa nhưng không ngờ… “10 đứa trẻ mất cha, 2 người vợ trẻ mất chồng, một gia đình mất cùng lúc 3 người con. Đó là nỗi đau, mất mát quá lớn. Hy vọng sau vụ việc lần này các cơ quan chức năng kiểm soát chặt hơn nữa hoạt động khai thác vàng trái phép để không còn những trường hợp tương tự xảy ra” – luật sư Tạ Ngọc Vân, trưởng văn phòng luật sư Tạ Vân (Hà Nội) người bảo vệ quyền lợi và đại diện cho gia đình bị hại nói tại tòa.
Theo HĐXX, trong vụ án này, Văn Thị Hoài Thương là chủ mưu cùng với Nguyễn Kim Vui đứng ra tổ chức khai thác trái phép nên nhận hình phạt cao nhất. Các bị cáo khác là người lao động làm thuê nên án nhẹ hơn. Các bị cáo cũng thành khẩn khai báo, tỏ rõ ăn năn hối cải, cùng với các tình tiết giảm nhẹ khác như bị cáo Thương có cha/mẹ chồng là người có công được tặng thưởng huân, huy chương; chủ động khắc phục một phần thiệt hại; các bị cáo Cụt Văn Hoanh, Và Bá Nhìa, Cụt Văn Bình là người dân tộc thiểu số…do đó HĐXX xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho các bị cáo.